Sự xuất hiện của ca bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại Việt Nam được Bộ Y tế khẳng định đã trong tầm kiểm soát và khó có khả năng lây lan. PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng nhận định: “Sự xuất hiện của ca bệnh đậu mùa khỉ không có gì bất ngờ trong bối cảnh thế giới đang mở cửa, giao lưu trở lại sau đại dịch COVID-19”.
Theo kết quả giải trình tự gene, nữ bệnh nhân đầu tiên mắc đậu mùa khỉ chủng Monkeypox virus thuộc clade Iib - có nguồn gốc từ Tây Phi, lây lan chậm và tỉ lệ tử vong thấp hơn so với chủng Trung Phi. Đây là chủng đang lưu hành phổ biến tại nhiều quốc gia ở châu Âu. Dù vậy, GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý cần thận trọng, bởi hầu hết các trường hợp ghi nhận mắc bệnh trên thế giới nằm ở nhóm đối tượng, lứa tuổi chưa phải nguy cơ cao để có thể gây tiến triển nặng như ở trẻ em, phụ nữ mang thai...
Biện pháp trọng tâm trước mắt, theo Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cần phải kiểm soát chặt chẽ, phát hiện sớm các ca lây nhiễm để ngăn chặn bệnh dịch lây lan trong cộng đồng.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế công cộng (Trường Đại học Y dược TPHCM), hiện một số quốc gia trên thế giới đã cấp phép lưu hành vắc xin đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, loại vắc xin này không được khuyến cáo tiêm rộng rãi mà chỉ ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao, cụ thể những người có quan hệ với nhiều bạn tình.
Liên quan tới một số ý kiến cho rằng, có thể sử dụng vắc xin trước đây phòng bệnh đậu mùa để tiêm ngừa cho các đối tượng có nguy cơ cao, PGS.TS Đỗ Văn Dũng khẳng định, đây là quan điểm không hoàn toàn chính xác: “Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), loại vắc xin đậu mùa (smallpox vắc xin) dùng trước đây không được khuyến cáo sử dụng cho đậu mùa khỉ”.
Ông giải thích, thứ nhất, vắc xin đậu mùa khỉ là vắc xin sống, nên với những bệnh nhân có sức đề kháng kém thì có nguy cơ sẽ bị nhiễm bệnh khi tiêm ngừa. Thứ hai, virus trong vắc xin đậu mùa khỉ và đậu mùa là hai loại khác nhau nên các chuyên gia lo ngại có khả năng kết hợp để tạo thành một chủng mới.
“Cộng đồng không nên quá hoang mang, lo lắng về căn bệnh này cũng như vấn đề vắc xin để tiêm ngừa. Điều quan trọng nhất hiện nay là cùng phối hợp với lực lượng chức năng, cơ sở y tế để phát hiện sớm các ca bệnh. Nếu có tiền sử dịch tễ, các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, hãy liên hệ với cơ sở y tế để được thăm khám”, PGS. Dũng khuyến cáo.