Nhiều khách hàng đổi ý
Mới đây, dự thảo Luật nhà ở sửa đổi, Bộ Xây dựng đưa ra hai phương án quy định về thời hạn sở hữu căn hộ chung cư. Ngay khi được đưa ra, thì dự thảo đã nhận được nhiều ý kiên trái chiều, bên cạnh những ý kiến đồng thuận thì nhiều ý kiến còn băn khoăn với đề xuất này do lo ngại ảnh hưởng đến quyền sở hữu lâu dài tài sản.
Chia sẻ của anh T (Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng anh đều là công nhân viên chức, thu nhập không cao, gần chục năm nay hai vợ chồng mới dành dụm được hơn 1 tỷ đồng, cộng với hai bên nội ngoại cho và vay thêm bạn bè, hai vợ chồng đang có khoảng hơn 3 tỷ đồng. “Với số tiền này có thể mua được một căn chung cư khá rộng rãi, vị trí cũng thuận lợi cho việc học hành của con cái. Thế nhưng, mới đây nghe thông tin về đề xuất chung cư có thời hạn, hai vợ chồng quyết định không mua căn hộ chung cư nữa mà ra xa trung tâm để tìm mua nhà đất”, anh T chia sẻ.
Tâm lý của người Việt Nam lâu nay vẫn là “ăn chắc mặc bền” nên mua nhà đất, cảm giác sẽ an tâm hơn. “Nếu là trước đây, khi chưa có đề xuất này, tôi vẫn muốn ở chung cư vì nhiều thứ thuận tiện, diện tích mặt sàn rộng rãi việc sinh hoạt của cả gia đình sẽ thuận lợi hơn, sum vầy hơn. Nhưng nếu chung cư có thời hạn sử dụng, sau bị đập bỏ, cảm giác như mình mất khối tài sản lớn”, anh T cho hay
Với quyết định thay đổi mục đích mua nhà, anh T lại cố đi vay mượn thêm được một khoản tiền gần 4 tỷ đồng và đã “xuống tiền” mua một căn nhà mặt đất rộng 35 m2, cao 4 tầng ở cách Bến xe Nước Ngầm (Giải Phóng, Hà Nội) khoảng 2 km. “Hiện chủ nhà sắp hoàn thiện và sẽ sớm bàn giao nhà và sổ đỏ cho vợ chồng tôi. Tuy hơi xa trung tâm và diện tích sử dụng hẹp hơn so với kỳ vọng, nhưng tôi cảm thấy an tâm hơn nhiều so với việc mua căn hộ chung cư”, anh T chia sẻ.
Tương tự anh T, nhiều người cũng cân nhắc ý định mua nhà chung cư. Văn hóa của người Việt là an cư mới lạc nghiệp, sống gắn bó trong một cộng đồng với yếu tố tình làng nghĩa xóm nên hầu như người dân muốn ở ổn định và coi nhà cửa là tài sản ổn định.
Phát triển nhà chung cư có ảnh hưởng chính sách?
PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường ĐH Luật Hà Nội trao đổi về vấn đề đang gây nóng thị trường chung cư hiện nay cho rằng, tất cả các tài sản đều có thời hạn sử dụng và nhà chung cư cũng vậy. Do đó, khi tới thời hạn quy định thì các tổ chức có trách nhiệm sẽ đánh giá nhà đó còn tiếp tục ở được hay không. Nếu cần phải sửa chữa, xây dựng lại thì người dân phải được đảm bảo quyền sở hữu tài sản, quyền được ở ngay tại chỗ đó. Còn nếu có chính sách di dời thì phải đền bù thỏa đáng, đảm bảo chỗ ở của người dân.
Nhìn từ góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Hồng Chung, Chủ tịch DVL Venture, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, đề xuất không nên dùng từ “thời hạn sở hữu nhà chung cư” và thay bằng “thời hạn sử dụng nhà chung cư”. Theo ông Chung, khách hàng bỏ tiền ra mua nhà chung cư nên họ có quyền sở hữu tài sản. Quyền này được pháp luật dân sự bảo vệ, chỉ khi tài sản không còn mới mất quyền sở hữu.
Còn trong văn bản kiến nghị Chính phủ và Bộ Xây dựng liên quan đến vấn đề này, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng cho rằng, không nên quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư với tất cả dự án mới vì cần phải đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Nhà ở với Luật Đất đai.
HoREA nêu quan điểm., nên giữ nguyên quy định hiện hành của Luật Nhà ở 2014, trừ trường hợp cá biệt sở hữu có thời hạn như: căn hộ dịch vụ, căn hộ xây để cho thuê... “Nếu quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư sẽ tăng thêm gánh nặng công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước; có sự phân biệt về quyền sở hữu nhà ở; nhiều người sẽ bỏ lựa chọn nhà chung cư để chuyển sang mua nhà ở riêng lẻ khiến giá biệt thự, nhà phố lại bị đẩy lên cao; tác động tiêu cực đến mục tiêu ưu tiên phát triển nhà chung cư tại đô thị đặc biệt, loại một và loại hai...”.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư tại thời điểm hiện nay chưa phù hợp với tâm lý chung người mua nhà, sẽ có gây ra biến động thị trường, vô hình chung khuyến khích tâm lý mua đất ở, ảnh hưởng lớn tới chính sách phát triển nhà ở chung cư.
“Ở góc độ thị trường, việc xác định thời hạn sử dụng nhà chung cư sẽ gây khó cho doanh nghiệp kinh doanh bất động sản khi bán nhà chung cư”, ông Trần Đạo Đức, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn C.E.O nêu quan điểm đồng thời đưa ra đề xuất, nên thực hiện theo phương án 2 trong dự thảo luật là quy định sở hữu chung cư gắn với quyền sử dụng đất lâu dài, không quy định thời hạn sử dụng.
Về cơ bản các quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư trong Luật Nhà ở năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã góp phần giải quyết cơ bản các vướng mắc tranh chấp trong nhà chung cư cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân trong nhà chung cư, từng bước tạo nếp sống văn minh đô thị tại nhà chung cư, khu chung cư. Tuy nhiên, pháp luật về nhà ở chưa có quy định về thời hạn sở hữu của nhà chung cư, trong khi đó, pháp luật về xây dựng đã quy định cụ thể về thời hạn sử dụng công trình, theo đó công trình phải có thời hạn sử dụng, hết hạn sử dụng mà nhà ở không đủ điều kiện tiếp tục sử dụng thì phải phá dỡ, Bộ Xây dựng cho biết.
TS Sử Ngọc Khương cho rằng vấn đề sở hữu nhà chung cư có thời hạn là chuyện bình thường ở các nước. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra là sở hữu có thời hạn chung cư đã mua rồi hay chung cư hình thành trong tương lai đã gây phản ứng trái chiều.
Ông Sử Ngọc Khương phát biểu vấn đề sở hữu chung cư còn liên quan tới thời hạn sử dụng đất là lâu dài hay 50-70 năm và nhờ đó có nhiều sản phẩm đa dạng hơn cho thị trường. Nếu áp dụng quy định sở hữu chung cư có thời hạn thì cần có lộ trình cho tương lai, có thể từ năm 2030.