Bài học đó vẫn nóng hổi trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hôm nay. Thế giới đã bước sang thiên niên kỷ thứ ba hơn hai thập niên. Quá trình toàn cầu hóa trong thế kỷ XXI đã sinh ra một thế hệ công dân toàn cầu. Toàn cầu hóa mang lại những thay đổi nhanh chóng và đặt ra những thách thức to lớn về xã hội, chính trị, văn hóa, kinh tế và môi trường.
Thời cơ và thách thức đòi hỏi những suy nghĩ, nhận thức mới và hành động ở quy mô toàn cầu của những công dân có tầm nhìn vượt thoát mọi biên giới quốc gia. Đi liền với đó là sự bùng nổ và phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật đã tạo ra nhiều cơ hội và thách thức cho phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao theo tiêu chuẩn quốc tế.
Trong “ba đột phá chiến lược”, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài... Công dân toàn cầu chính là những người tiêu biểu, nòng cốt trong nguồn nhân lực chất lượng cao đó. Họ là những công dân được đào tạo trong một quốc gia có nền giáo dục toàn cầu, với sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngoại ngữ, kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin và hiểu biết quy luật khách quan của tự nhiên, xã hội, tư duy con người.
Cách đây hàng trăm năm, nhà bác học người Đức Albert Einstein (1879 -1955) từng lưu ý tới ý thức công dân về các vấn đề toàn cầu, ông viết: “Chủ nghĩa vùng miền là một căn bệnh ấu trĩ. Nó là bệnh sởi của nhân loại”. Ở Việt Nam từ rất sớm cũng đã xuất hiện những “công dân toàn cầu” như thế. Cuối thế kỷ XVIII, nhà canh tân đất nước Nguyễn Trường Tộ đã dâng Bản điều trần lên Vua Tự Đức, đề cập việc mở cửa thông thương với phương Tây. Bản “Tề cấp luận” của ông được đánh giá “thâu tóm trí khôn 500 năm của thiên hạ”.
Đầu thế kỷ XX, ngày 5/6/1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Từ bến cảng Sài Gòn, Người đã đi khắp năm châu bốn biển để trả lời câu hỏi: làm thế nào để đất nước thoát khỏi xiềng gông, giành tự do độc lập? Và rồi sau 30 năm bôn ba, Người trở về nước lãnh đạo cách mạng. Tổng khởi nghĩa Tháng Tám rung trời chuyển đất mang lại độc lập, tự do cho đất nước ta, nhân dân ta. Người thanh niên yêu nước năm xưa trở thành Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vào ngày 2/9/1945 khai sinh Nhà nước Việt Nam mới - Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Trong thời đại kinh tế tri thức và khoa học công nghệ phát triển mạnh như vũ bão, cần có những công dân toàn cầu là một lẽ đương nhiên. Cụm từ Công dân toàn cầu (Global Citizen) có từ khi thế giới chạm vào cánh cửa công nghiệp hóa. Trong những năm đầu thế kỷ XXI, đã có một ngày dành riêng cho những công dân này, có tên là Ngày Công dân Toàn cầu, đó là ngày 20/3 hằng năm.
Gần đây chúng ta thường nghe những câu nói mang tính biểu tượng, rằng thời nay các bạn trẻ “thế hệ Z” (thế hệ đầu tiên lớn lên với sự tiếp cận Internet, cùng các thiết bị số và điện tử) bước thêm một bước là gặp thế giới rồi. Nhưng quả thật sự hiểu biết về bước chân của người khổng lồ ấy chưa nhiều. Phải đến khi tên tuổi những sinh viên trẻ của Việt Nam được xướng lên trong các buổi vinh danh những người nổi tiếng thế giới thì mới có thể thấy rõ một điều, con người Việt Nam hôm nay đã thật sự sánh vai cùng các cường quốc năm châu.
Nét nổi bật ở “thế hệ Z” là: thành thạo ngoại ngữ; có kiến thức, kỹ năng và thái độ làm việc tích cực; hiểu biết văn hóa nước sở tại; sức khỏe tốt. Trở thành một công dân toàn cầu đích thực thật không dễ dàng gì. Sống say mê, hạnh phúc, mong muốn được chia sẻ, đừng bằng lòng với cái đã có, đừng làm gì vội vàng mà không có sự đào tạo, chuẩn bị kỹ càng.
Trong đội ngũ các nhà khoa học của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có rất nhiều những tiến sĩ, kỹ sư trẻ đạt tới những phẩm chất ưu tú đó. Đầu năm 2017, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 5 về Khoa học - Công nghệ đã được Nhà nước trao tặng cho 9 công trình, trong đó Petrovietnam vinh dự được nhận 2 Giải thưởng cho 2 công trình, cụm công trình.
Những năm gần đây, ở Việt Nam đã có những “sinh viên toàn cầu” tiêu biểu”. Đó là Nguyễn Phương - nữ du học sinh Việt tại Đại học Macalester, Mỹ, nhận giải thưởng “Sinh viên toàn cầu” năm 2020 (Global Citizenship Student Awards 2020). Phương là một sinh viên quốc tế chuyên ngành nghiên cứu sinh học và môi trường với niềm đam mê bảo tồn sinh thái. Đó là Đồng Ngọc Hà, sinh năm 2002, quê Nam Định, vinh dự nhận Giải thưởng Sinh viên Toàn cầu năm 2021. Hà là một thành viên trong Top 50 sinh viên đã được chọn ra từ 3.500 ứng cử viên đến từ 94 quốc gia. Từ niềm yêu thích sinh học, Hà đã thành lập các dự án, diễn đàn để chia sẻ kiến thức môn học đến với sinh viên, học sinh cả nước.
Đó chỉ là hai trong số hàng trăm sinh viên - công dân toàn cầu tiêu biểu. Còn rất nhiều bạn trẻ, những người không hoặc chưa có điều kiện học tập ở nước ngoài; còn rất nhiều người đang công tác ở các lĩnh vực khác nhau, có suy nghĩ và tầm nhìn của những công dân toàn cầu. Họ góp phần thúc đẩy một xã hội học tập suốt đời. Xã hội học tập ấy không giống như một ngôi nhà cao tầng, bên trong chứa những giá sách đầy ắp sách vở. Vấn đề là cần có những “máy chủ” và có sự vận hành phát huy tối đa khối tri thức đồ sộ ấy.
Hạnh phúc của mỗi công dân nói chung, các bạn trẻ nói riêng chính là được sống bình đẳng, hòa thuận trong một mái nhà chung, cùng hướng tới việc xây dựng cho ngôi nhà ấy thật hạnh phúc. Bản thân phải thật sự tự do, hạnh phúc mới đem lại tự do, hạnh phúc cho nhiều người, cho dân tộc. Đó cũng là những hành động thiết thực góp phần bảo vệ thành quả vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám và phát huy những giá trị, bài học lịch sử trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hôm nay.