Đến dự có các đồng chí: Phạm Quý Tiên, Phó Chủ tịch HĐND thành phố; Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố; lãnh đạo một số sở, ban, ngành Hà Nội và đông đảo doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, với định hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030 để đưa Hà Nội trở thành thành phố có nền công nghiệp hiện đại, công nghệ cao, công nghiệp xanh, thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương cùng các sở, ngành, đơn vị liên quan, các hội, hiệp hội… trên địa bàn triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ thông qua việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tạo mặt bằng phát triển các khu, cụm công nghiệp để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, thu hút các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài vào đầu tư; kết nối doanh nghiệp tham gia các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng trong nước và quốc tế; hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp nhận chuyển giao công nghệ tiên tiến, hiện đại…
Đồng chí bày tỏ mong muốn, thông qua hội chợ, các doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ có thêm cơ hội để đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu thương hiệu sản phẩm, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, xuất khẩu, phát huy năng lực, thế mạnh để kết nối tham gia chuỗi liên kết - cung ứng trong vùng kinh tế Thủ đô, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI trong nước và quốc tế. Chương trình, cùng với những hoạt động xúc tiến khác, góp phần khơi thông dòng chảy hàng hóa trong nước, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội cũng như đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.
Cũng tại buổi lễ, ông Yasuo Uchihara, Chủ tịch NC Network Vietnam bày tỏ hy vọng, hội chợ sẽ trở thành dấu mốc giúp các doanh nghiệp tạo ra cơ hội đột phá trong hoạt động kinh doanh, hơn nữa trở thành cầu nối giao lưu quốc tế giữa doanh nghiệp và nguồn nhân lực trong ngành chế tạo Việt Nam - Nhật Bản phát triển thêm một tầm cao mới.
Theo Ban tổ chức, hội chợ diễn ra trong 3 ngày (từ 24 đến 26-8), là hoạt động thường niên từ năm 2017. Năm 2022, hội chợ đã thu hút hơn 250 gian hàng của các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và nước ngoài đến từ các tập đoàn lớn của Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia… tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm có chất lượng, tính cạnh tranh cao trong các ngành, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ then chốt như linh kiện, phụ tùng, chế tạo, các sản phẩm gia công chính xác, máy công nghiệp các loại; công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao...
Trong khuôn khổ hội chợ, Sở Công Thương đã tổ chức hội thảo về công nghiệp hỗ trợ Hà Nội 2022, tập trung vào 3 nội dung chính: Nhu cầu nội địa hóa và sự thích ứng doanh nghiệp nội địa; chuyển đổi số trong sản xuất; chia sẻ xu hướng đổi mới khi doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây là điểm mới, quan trọng, là cơ hội chia sẻ mối quan tâm chung giữa các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp về thực trạng, tiềm năng và nhu cầu phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội, từ đó tìm ra giải pháp và đề xuất chính sách để thúc đẩy sự phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành sản xuất công nghiệp của thành phố và cả nước.