Doanh nghiệp đang bị “knock out” ngay trên sân nhà
Ngày 31/5, Quốc hội tiến hành thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022 và những tháng đầu năm.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Hoàng Đức Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng trị đã chỉ ra nhiều vấn đề vướng mắc trong phát triển kinh tế những tháng đầu năm 2023. Cụ thể, GDP tăng trưởng quý 1 chỉ đạt 3,32%, thấp hơn với cùng kỳ 5,03%. Nhiều địa phương có vị trí quan trọng trong bản đồ kinh tế đất nước ở tốp đầu lại sụt giảm tăng trưởng, có địa phương tăng trưởng âm, mà nguyên nhân chính là do doanh nghiệp ở các địa phương đó đang gặp những khó khăn và do đó, điều đáng quan ngại lớn nhất hiện nay là hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp đang gặp vô vàn khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang cố thoi thóp để tồn tại.
Tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm, số doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể tăng lên. Doanh nghiệp nội địa đang đứng trước nguy cơ giải thể, phá sản hoặc bị thâu tóm. Ví như hiện nay các tập đoàn Thái Lan đã sở hữu rất nhiều doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam và thu hàng tỷ USD tiền cổ tức từ các doanh nghiệp đứng đầu này khiến cho nền kinh tế, nền sản xuất vốn đã ốm yếu của doanh nghiệp Việt Nam trở nên rất mong manh.
Đặc biệt, đại biểu Hoàng Đức Thắng nhận định, bên cạnh những khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, vòng kim cô của các quy định pháp luật càng siết chặt. Sau một thời gian thực hiện chủ trương của Chính phủ giảm tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp trên năm thì nay đang có dấu hiệu gia tăng trở lại.
Bên cạnh đó, là những quy định chưa hợp lý, siết chặt quá mức trong phòng cháy, chữa cháy, những ách tắc trong các kiểm định phương tiện giao thông đường bộ, lãi suất tiền cho vay ở mức cao như là những cú bồi khiến cho doanh nghiệp “knock out” ngay trên sân nhà của chính mình.
"Doanh nghiệp ví như xương sống của nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển thì đất nước hưng thịnh, doanh nghiệp suy yếu thì nền kinh tế khó khăn. Do vậy, Chính phủ cần chọn khâu đột phá trong thời gian tới là tập trung mọi nỗ lực tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường, điều kiện tốt nhất để phục hồi, vực dậy phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp phải sống thật, sống khỏe, cường tráng thì đất nước mới cường thịnh" - Đại biểu Hoàng Đức Thắng nhận định.
Đề xuất dùng 1 triệu tỷ vốn đầu tư công ở ngân hàng để hỗ trợ
Trước thực trạng trên, đại biểu Trần Anh Tuấn (TP.HCM) cho rằng cần khởi động lại các động lực phát triển qua những dự án đầu tư để ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động trong bối cảnh khó khăn.
"Tuy nhiên thời gian lập, thẩm định các dự án còn dài, phê duyệt dự án còn chậm khiến nguồn lực đưa vào nền kinh tế bị chậm. Việc sử dụng hiệu quả nguồn lực chi tiêu công cũng là nguồn lực rất lớn để khuyến kích, kích cầu nền kinh tế, sản xuất và tiêu dùng", vị đại biểu đánh giá.
Theo đại biểu Tuấn, hiện nay tồn dư ngân sách Nhà nước gửi hệ thống ngân hàng còn tới 1 triệu tỷ đồng. "Đây là con số dư thừa rất lớn, chúng ta có thể sử dụng linh hoạt hỗ trợ ngay cho người lao động, mất việc làm hay xây dựng khu nhà ở cho công nhân, đào tạo nghề... để ổn định, kích cầu ngay cho nền kinh tế", đại biểu đề xuất.
Ngoài ra, vị đại biểu cho biết hiện nay doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận các ưu đãi tín dụng do thủ tục phức tạp. Đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa rất khó trong các tài sản đảm bảo.
"Cùng với các chính sách như giảm thuế VAT mở rộng cho tất cả đối tượng, giảm thiểu các thủ tục trong việc vay vốn hỗ trợ cho các đối tượng ưu tiên… cũng sẽ góp phần kích thích nền kinh tế", đại biểu TP.HCM nhìn nhận.
Còn theo đại biểu Hoàng Quốc Thắng, trước hết cần rà soát, tháo gỡ ngay những rào cản về thể chế, về các quy định cứng nhắc, siết chặt quá mức, hạn chế tối đa các cuộc thanh tra, kiểm tra với doanh nghiệp, khơi thông dòng vốn tín dụng, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và tiếp giảm chi phí tối đa cho doanh nghiệp.
“Khi và chỉ khi chúng ta thực sự quyết liệt, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh thì doanh nghiệp mới có cơ may phục hồi và phát triển. Do đó, đất nước cũng như các địa phương mới có cơ sở để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng”- đại biểu Hoàng Quốc Thắng khẳng định.
Có tới 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường sau mỗi tháng
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 5/2023, cả nước có 5.364 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 25,1% so với tháng trước và tăng 8,1% so với cùng kỳ năm 2022. Cùng với đó, có 4.717 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể.
Tính chung 5 tháng đầu năm 2023, có 55,2 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm trước; 25,5 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 34,1%; 7,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 6,5%.
Như vậy, 5 tháng đầu năm cả nước có 88 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6% so với cùng kỳ năm 2022. Bình quân một tháng có 17,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.