Ngày 4/7, trao đổi với báo chí về tình trạng "ế tiền" của ngành Ngân hàng, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho hay: Ngay từ đầu năm xác định từ 14-15% tăng trưởng tín dụng để phù hợp với kỳ vọng hay đúng hơn là chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ đã giao, góp phần tăng trưởng kinh tế 6,5% và kiểm soát lạm phát trong vòng 4,5%.
Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 là 14-15%, nhưng đến hôm nay, dư nợ tín dụng mới tăng 4,2%, số tuyệt đối là 12.423.000 tỷ đồng. Tương đồng với đó là huy động vào khoảng 4,16%. Số tiền gửi huy động là 12.691.000 tỷ đồng. Có nghĩa là huy động cho vay ở thời điểm hiện nay tương đương, kể cả tốc độ, doanh số, số dư. Trong điều hành 14-15%, đến thời điểm hiện nay mới tăng 4,2%, trong giao tín dụng đã giao được khoảng 11% từ đầu năm, như vậy dư địa còn rất nhiều để các ngân hàng có thể cho vay.
Thanh khoản của các ngân hàng thương mại đang thừa. Tuy nhiên nói đến tiền không hẳn như vậy nhưng chính là tốc độ tín dụng đang tăng trưởng chậm. Đúng ra như các nước khi lãi suất tăng cao thì tín dụng có thể tăng trưởng âm, lãi suất chúng ta đã hạ theo thông thường thì tín dụng tăng.
Vì sao có câu chuyện tăng chậm hơn khi lãi suất giảm nhanh? Dưới góc độ quản lý, điều hành cũng như thực tế của nền kinh tế, Phó Thống đốc đưa ra một số đánh giá:
Thứ nhất, tình hình nền kinh tế đang có nhiều khó khăn, suy giảm về cầu đầu tư, cầu tiêu dùng thấp, như vậy cầu tín dụng cũng không thể tăng cao được.
Thứ hai, sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp khó khăn, tồn kho nhiều, nhiều doanh nghiệp khó có đơn hàng, xuất khẩu cũng có những khó khăn nhất định. Thị trường bất động sản chưa sôi động lại, nhiều dự án chưa triển khai được, kể cả những dự án bất động sản thương mại và bất động sản nhà ở xã hội chưa được triển khai nhiều mặc dù NHNN tạo điều kiện về tín dụng cho lĩnh vực bất động sản, sẵn sàng đẩy mạnh những lĩnh vực tỉ lệ rủi ro thấp.
Thứ ba, những doanh nghiệp nhỏ và vừa đang khó tiếp cận tín dụng. Trước đây doanh nghiệp khó về năng lực tài chính để đảm bảo vay phải có khả năng trả nợ, đến nay càng khó hơn. Vấn đề này, Chính phủ, các bộ, ngành, các hiệp hội, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngành ngân hàng đang quyết liệt tháo gỡ. Hiện nay có nhiều doanh nghiệp muốn vay nhưng không chứng minh được có thể trả nợ được không, nguyên tắc tối thiểu ngân hàng cho vay phải thu được nợ. Ngược lại, có doanh nghiệp, ngân hàng mời chào vay nhưng lại chưa có nhu cầu vay.
Đây là những nguyên nhân trực tiếp tạo ra những "khác thường" so với những năm trước khi lãi suất giảm mà tín dụng chưa tăng được nhanh. Tuy nhiên, cùng với đồng loạt các chính sách khác mà Chính phủ đang triển khai, hy vọng trong thời gian tới ngành ngân hàng đặt ra yêu cầu phải quản lý tốt, tập trung tăng cường hơn nữa để lãi suất tiếp tục theo hướng giảm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trên cơ sở các ngân hàng thương mại phải tính toán bảo đảm được an toàn tối thiểu cho mình và cắt giảm những chi phí cần thiết có điều kiện hạ lãi suất, cũng như cắt giảm các loại phí.
Bên cạnh đó, tăng cường cải cách thủ tục hành chính. Vừa qua, NHNN đã sửa Thông 39 và 06, qua đó tháo gỡ rất nhiều nội dung, đặc biệt ứng dụng công nghệ số nên đã tạo điều kiện cho cả doanh nghiệp và ngân hàng tiếp cận tín dụng nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Tiếp tục xem xét các đối tượng, lĩnh vực để cùng với các bộ, ngành có những chính sách đồng bộ. Chính sách giãn, hoãn, tái cơ cấu các khoản nợ sẽ tiếp tục được tăng cường cũng như chỉ đạo các ngân hàng thương mại, các hiệp hội quan tâm triển khai tốt. Đây là những chính sách rất trực tiếp hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ cho doanh nghiệp hiện nay.
Cũng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, về điều hành lãi suất, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã hạ lãi suất 4 lần từ 0,5%-2% cho những mức lãi suất điều hành của mình; năm ngoái tăng 2 lần. Từ đó, các ngân hàng thương mại với số liệu tính đến hết tháng 6/2023, lãi suất huy động bình quân giảm từ 0,7-0,8%; lãi suất cho vay bình quân đã giảm từ 1-1,2%.
Tuy nhiên, các ngân hàng thương mai có vốn Nhà nước bao giờ cũng đi đầu thực hiện các chính sách của Ngân hàng Nhà nước. Nhiều ngân hàng có gói giảm rất sâu, dành cho những đối tượng, lĩnh vực cần có sự ưu đãi của Chính phủ và Nhà nước. Nhìn chung, đã đưa ra rất nhiều gói chủ động hạ lãi suất. Xu hướng chung tiếp tục hạ lãi suất trong thời gian tiếp theo.
Đối với lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, hiện nay cho vay theo nghiệp vụ thị trường mở chỉ có 4%, cho vay OMO hoặc cho vay để bù đắp thiếu hụt trong tính toán tạm thời của các ngân hàng thương mại, cho vay qua đêm chỉ 5%. Hai khoản cho vay này hầu như các ngân hàng thương mại thông thường đang thừa thanh khoản, không mặn mà với khoản cho vay của Ngân hàng Nhà nước vì đây là khoản cho vay cuối cùng khi các ngân hàng thương mại cần để hưởng nguồn của Ngân hàng Nhà nước.
Cho vay thông qua thị trường liên ngân hàng, cho vay qua đêm cũng từ 0,4-1%. Có thể nói là rất thấp; một tuần từ 0,8-1,5%, một tháng từ 3-3,2%. Có nghĩa là mức cho vay giữa các ngân hàng với nhau qua thị trường liên ngân hàng rất thấp.
"Nhìn chung, lãi suất đang giảm tích cực, kể cả lãi suất điều hành và lãi suất cho vay", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.