Việc giá điện xuống mức âm xảy ra khi sản lượng các nguồn tái tạo như điện gió, điện mặt trời hoặc thủy điện vượt nhu cầu và không thể lưu trữ để sử dụng sau này. Trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất có thể đưa ra mức giá âm để khuyến khích người dùng bán buôn đưa lượng điện dư thừa ra khỏi lưới điện, tránh làm quá tải hệ thống.
Thực tế kể trên xảy ra do phần lớn khu vực Trung và Tây Bắc châu Âu đang trải qua giai đoạn thời tiết khô, giúp sản lượng điện mặt trời tăng cao, trong khi, Phần Lan đã trải qua tình trạng thừa cung thủy điện do lượng nước từ băng tan quá nhiều vào mùa xuân, góp phần đẩy giá điện tại đây xuống dưới 0.
Ngoài ra, giá khí đốt lao dốc tại châu Âu do nhu cầu yếu cũng góp phần đưa giá điện giảm sâu.
Hợp đồng khí đốt tương lai chuẩn của châu Âu đã giảm tới 6,9% vào hồi cuối tuần trước, ghi nhận mức giảm 19% theo tuần và kéo dài chuỗi giảm tuần thứ tám liên tiếp. Mức giảm trên đã kéo dài đà đi xuống của khí đốt châu Âu trong năm nay lên tới 68%.
Sự sụt giảm nghiêm trọng này là hệ quả tất yếu khi các ngành công nghiệp gặp khó khăn trong việc tăng sản lượng giữa bối cảnh lạm phát tăng cao và tình hình kinh tế chung ảm đạm.
Giá khí đốt kỳ hạn của Hà Lan kết thúc tuần qua ở mức 24,52 euro/megawatt giờ (MWh), mức thấp nhất kể từ tháng 5/2021. Hợp đồng kỳ hạn tương đương của Vương quốc Anh cũng giảm 2,1%. Giá điện của Đức cho tháng tới giảm 2,9%.
Một số nhà giao dịch dự đoán giá trong ngắn hạn thậm chí có thể xuống mức âm vào mùa hè này.
Như vậy, bức tranh thị trường năng lượng châu Âu đã đảo chiều hoàn toàn so với cùng kỳ tháng 5 năm ngoái. Vào thời điểm đó, giá hợp đồng khí đốt tương lai tiêu chuẩn của châu Âu cao gấp 4 lần so với hiện tại. Các quốc gia trong khu vực thậm chí phải khôi phục sản xuất than để duy trì hoạt động sau khi Nga cắt giảm nguồn cung cấp khí đốt.
Đối với các hộ gia đình, điều này rõ ràng là tin vui khi họ đang phải đối phó với tình trạng giá cả leo thang kéo dài. Lạm phát của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) có thể giảm xuống 6,3% trong tháng 5, mức thấp nhất kể từ trước khi xảy ra xung đột Nga - Ukraine.
Trên thực tế, tình hình hiện tại đã làm dấy lên mối lo ngại rằng một số nhu cầu về khí đốt có thể đã bị xóa sổ hoặc được thay thế vĩnh viễn, sau khi giá leo lên mức cao kỷ lục vào năm ngoái đã ảnh hưởng nặng nề đến các nhà chế tạo. Các yếu tố như dự trữ khí đốt cao hơn mức trung bình, thời tiết ôn hòa và lượng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) dồi dào cũng làm giảm nhu cầu.
Giới quan sát cho rằng mức giá khí đốt thấp hiện tại không làm tăng nhu cầu công nghiệp, vốn đã suy giảm vào năm ngoái do chi phí năng lượng tăng cao.