Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam: 3 giải pháp quyết định
Kim ngạch xuất khẩu dệt may trong 10 tháng năm 2022 đạt gần 38 tỉ USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành dệt may kỳ vọng kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt khoảng 42-43 tỉ USD. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi thị trường thế giới nên ngành dệt may Việt Nam đang phải đối diện với một số khó khăn.
Thống kê cho thấy, doanh nghiệp dệt may đang chịu áp lực lớn về đơn hàng. Cụ thể, đơn hàng từ tháng 11, tháng 12 và quý I/2023 giảm đáng kể, có thể giảm tới 25-27% do sức mua toàn cầu sụt giảm. Doanh nghiệp nào làm gia công thì chịu áp lực lớn, thiếu hụt đơn hàng giá rẻ, giá thấp. Riêng những doanh nghiệp làm hàng chất lượng cao vẫn ổn định đơn hàng.
Hiện nay, những doanh nghiệp nào bị giảm đơn hàng, thiếu hụt đơn hàng đang cố gắng xoay xở với 3 giải pháp quyết định.
Thứ nhất là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu nhằm tránh phụ thuộc vào một vài thị trường truyền thống, phòng khi thị trường này có biến động, doanh nghiệp chuyển hướng sang các thị trường khác. Đây là giải pháp không bao giờ muộn.
Thứ hai là đa dạng hóa sản phẩm. Giải pháp này mang tính căn cơ nhằm giữ chân tài sản quý của doanh nghiệp là người lao động. Có nhiều doanh nghiệp dệt may đã sản xuất thêm mặt hàng để tạo việc làm cho công nhân, trong khi chờ thị trường phục hồi, có nhiều đơn hàng mới.
Cuối cùng, những doanh nghiệp “đi được 2 chân” - vừa tập trung sản xuất hàng hóa cho thị trường nội địa, vừa đẩy mạnh xuất khẩu - sẽ có chỗ đứng vững chắc trên thị trường, duy trì việc làm ổn định cho người lao động.
Song song với những giải pháp nêu trên, doanh nghiệp dệt may Việt Nam nên chuyển đổi trong phát triển sản phẩm, quản trị số, chủ động tham gia chuỗi cung ứng trên thị trường trong nước. Doanh nghiệp nên có đối sách hợp lý với người lao động. Dự báo, ngành dệt may có thể phục hồi vào quý III và quý IV/2023.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA): Tháo gỡ vướng mắc về vốn, thủ tục
Hiện nay, thị trường bất động sản (BĐS) rất khó khăn, đứng trước nguy cơ có thể rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả. Thực tế cho thấy, đã có một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS sụt giảm mạnh lợi nhuận. Một số cổ phiếu BĐS “nằm sàn”, đặc biệt là rủi ro sụt giảm sâu thanh khoản, có thể bị mất thanh khoản. Bằng chứng là một số tập đoàn, doanh nghiệp BĐS đang phải thực hiện hàng loạt các biện pháp “đau đớn” để tồn tại.
Đơn cử, có doanh nghiệp BĐS phải thu hẹp quy mô đầu tư, sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO…). Điều này sẽ tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách Nhà nước.
Do tắc nguồn vốn tín dụng, vốn trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng, nên một số doanh nghiệp BĐS phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao, đầy rủi ro...
HoREA kiến nghị cần tháo gỡ vướng mắc về pháp lý, thủ tục để thị trường BĐS có thể sôi động trở lại. Đây là vướng mắc lớn nhất, chiếm tới 70% khó khăn của các dự án BĐS trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, nguyên nhân chủ yếu do một số quy định của pháp luật không đồng bộ, thống nhất.
Cần cho phép doanh nghiệp chủ đầu tư được chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án khi đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có quyết định giao đất, cho thuê đất để tạo điều kiện tái khởi động các dự án “trùm mền”, tăng nguồn cung nhà ở.
Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng khoảng 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100 nghìn tỉ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm. Việc này tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ tính pháp lý, có tính khả thi của các doanh nghiệp có uy tín, thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước.
HoREA và cộng đồng doanh nghiệp BĐS kỳ vọng vào quyết định thành lập Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, tháo gỡ vướng mắc của các dự án BĐS cho địa phương, doanh nghiệp. Tổ công tác nên gặp trực tiếp doanh nghiệp để nghe trình bày các vướng mắc, khó khăn cụ thể; hàng tuần báo cáo Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo giải quyết kịp thời các vấn đề mang tính cấp thiết.
Ông Trần Du Lịch - chuyên gia kinh tế: Kinh tế khó khăn khi dòng vốn chậm lại
Kinh tế TP HCM sau dịch Covid-19 đã tăng trưởng tốt so với kỳ vọng. Trong đó, đáng chú ý là sự vươn lên của doanh nghiệp khá mạnh. Mặc dù kinh tế của TP HCM phục hồi ngoạn mục sau dịch bệnh, song những bất ổn trong thời gian tới có ảnh hưởng không nhỏ.
Kinh tế toàn cầu đang có xu hướng suy thoái. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất. Bên cạnh đó là sự gãy đổ chuỗi cung ứng, logistics ảnh hưởng đến xuất khẩu. Minh chứng là đơn hàng xuất khẩu da giày và may mặc đã giảm mạnh từ quý II và quý III/2022. Dự báo thời gian tới còn nhiều khó khăn khi dòng vốn cho nền kinh tế chậm lại, ảnh hưởng đến kinh tế năm 2023 và thậm chí cả năm 2024.
Do các ngành kinh tế sẽ tiếp tục khó khăn trước những ảnh hưởng mang tính khách quan, vì vậy, biện pháp siết thị trường bằng chính sách tiền tệ về trung và dài hạn là tốt, nhưng trong ngắn hạn sẽ tác động không tốt đến thị trường. Tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư làm thị trường chững lại. Trong khi kinh tế TP HCM có độ nhạy rất cao. Bối cảnh chung mà thuận lợi thì thành phố hưởng lợi, phát triển rất nhanh và ngược lại.
Dự báo, năm 2023, TP HCM cần vận dụng chính sách tài chính hiệu quả nhất; tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn, nâng cao chất lượng đầu tư; đẩy nhanh các dự án trọng điểm mang tính chất đột phá phát triển; tích cực chuyển đổi số gắn với phát triển khoa học công nghệ.
Ngân hàng Nhà nước xem xét nới room tín dụng khoảng 1% để có thêm nguồn vốn tín dụng khoảng 100 nghìn tỉ đồng hỗ trợ cho nền kinh tế trong giai đoạn cao điểm cuối năm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án đã có đầy đủ tính pháp lý, có tính khả thi.