Thông tin tại Tại cuộc họp giao ban tháng 7/2022 của Bộ Giao thông Vận tải, sáng 29/7, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tháng 7/2022 là dịp cao điểm Hè, thị trường hàng không nội địa ghi nhận sự tăng trưởng cao, tăng 5% so với tháng trước và tăng 38% so với thời điểm trước dịch COVID-19 (năm 2019).
Theo thống kê, tháng Bảy, sản lượng hành khách thông qua các cảng hàng không Việt Nam đạt gần 12 triệu lượt khách, trong đó lượng hành khách nội địa đạt 10,6 triệu lượt, tăng hơn 40%; lượng khách quốc tế đạt 1,3 triệu lượt, giảm 65%.
Về hàng hóa, tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không đạt 119.000 tấn, giảm 9,3% so với thời điểm trước dịch.
“Tính đến nay, lực lượng bay của các hãng hàng không trong nước cũng được khôi phục khoảng 80%,” ông Đinh Việt Thắng thông tin.
Tuy nhiên, điều khiến lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam lo ngại là việc khôi phục đường bay quốc tế vẫn chưa được như kỳ vọng. Hiện tỷ lệ khôi phục các đường bay quốc tế mới đạt khoảng 40% so với thời điểm trước dịch. Quá trình các đường bay liên quan đến hai quốc gia Hàn Quốc và Trung Quốc còn gặp nhiều khó khăn.
“Mục tiêu đặt ra là đến hết năm 2022, các đường bay quốc tế sẽ được khôi phục như thời điểm trước dịch năm 2019. Tuy nhiên, mục tiêu này cũng gặp rào cản nhất định khi thời điểm này, bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện, các quốc gia có xu thế siết chặt công tác kiểm soát dịch," ông Đinh Việt Thắng chia sẻ.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh hiện nay, thời tiết bắt đầu vào mùa mưa bão, vấn đề an ninh, an toàn bay cần phải đặc biệt chú trọng. Trong bối cảnh hoạt động hàng không ngày càng nhộn nhịp như hiện nay, tình trạng chậm/hủy chuyến phải có giải pháp xử lý triệt để.
“Công tác thanh tra, kiểm tra tại các cảng hàng không cần được đẩy mạnh. Phải rà soát dẹp bớt hàng quán buôn bán ở nhà ga, tạo không gian phục vụ người dân. Đồng thời, bố trí khu vực đậu đỗ xe, giải tỏa áp lực phương tiện, tránh ùn tắc tại các cảng hàng không trọng điểm như Nội Bài và Tân Sơn Nhất," Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu.
Nhấn mạnh vai trò của cơ quan Nhà nước trong việc phục hồi ngành hàng không, TS Bùi Doãn Nề, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp hàng không Việt Nam, cho rằng nhà chức trách hàng không cần tiếp tục triển khai đàm phán với những quốc gia là thị trường có tiềm năng lớn mà hiện Việt Nam chưa khai thác được nhiều, để các hãng trong nước có điều kiện thâm nhập, khai thác. Trước mắt cần tiếp tục đàm phán để mở rộng phạm vi thừa nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam, thỏa thuận các quy trình, thủ tục với hành khách bay đi và đến Việt Nam…
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, cho rằng để ngành hàng không vượt qua những khó khăn và thách thức phải đối mặt trong thời gian tới, Chính phủ phải xây dựng một đề án tổng thể cơ cấu lại ngành hàng không, gồm cả các hãng bay và tổng công ty cảng hàng không…
Hơn 6.000 chuyến bay chậm, hủy trong tháng 7/2022
Cục Hàng không cho biết, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác tổng số 33.238 chuyến bay với 6.094 chuyến bị chậm, hủy trong tháng 7/2022.
Trong đó đứng đầu về số lượng chuyến bay chậm chuyến, hủy chuyến là hãng hàng không Vietnam Airlines với 2.774 chuyến bay.
VietJet Air đứng thứ 2 với 2.533 chuyến bay chậm chuyến, hủy chuyến và hãng hàng không Bamboo Airways đứng thứ 3 với 408 chuyến bay bị chậm, không có chuyến bị hủy.
Nguyên nhân khiến các chuyến bay chậm, hủy do tàu bay về muộn chiếm tỷ lệ lớn với 4.706 chuyến bay, do hãng hàng không là 730 chuyến bay, do trang thiết bị và dịch vụ tại Cảng là 268 chuyến,...
Ngoài ra đứng đầu về sản lượng khai thác các chuyến bay là VietJet Air với 13.284 chuyến bay, Vietnam 11.610 đứng thứ hai với 11.610 chuyến.
Tiếp đó lần lượt là Bamboo Airways với 4.914 chuyến, Pacific Airlines khai thác 2.091 chuyến, VASCO là 771 chuyến và Viettravel là 568 chuyến.