Động lực để Việt Nam trở thành nước phát triển thu nhập cao
Sáng 21/7, tại Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày chuyên đề “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Theo đó, Thủ tướng đã tập trung phân tích 5 nội dung, nhấn mạnh những điểm mới của Nghị quyết so với trước đây: Các yếu tố nền tảng làm cơ sở xây dựng, hoàn thiện thể chế về đất đai; tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; một số quan điểm, mục tiêu; một số nhiệm vụ, giải pháp; công tác tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, tính cấp thiết phải tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất xuất phát từ 3 lý do chủ yếu: Yêu cầu cấp thiết phải giải phóng, phát huy nguồn lực đất đai để tạo động lực cho phát triển; căn cứ chính trị; căn cứ thực tiễn.
Về yêu cầu cấp thiết phải giải phóng, phát huy nguồn lực đất đai để tạo động lực cho phát triển, Thủ tướng nêu: “Thực tiễn cho thấy, nếu các chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai được đầu tư nghiên cứu kỹ, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn, đi vào thực tiễn thì mang lại hiệu quả rất lớn và ngược lại. Mặc dù vậy, các chủ trương, chính sách dù hoàn thiện tới đâu cũng không thể bao phủ hết các góc cạnh của cuộc sống, mặt khác, quá trình phát triển nói chung và việc quản lý, sử dụng đất nói riêng còn chịu tác động từ nhiều yếu tố và luôn thay đổi. Do đó, chúng ta bám sát thực tiễn, vừa làm vừa đúc rút, tổng kết kinh nghiệm, mở rộng, hoàn thiện dần, không cầu toàn, không nóng vội”.
Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết gần đây đều đặt ra các yêu cầu: Hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính.
Thủ tướng nhấn mạnh, chủ trương, chính sách, pháp luật về đất đai là đặc biệt quan trọng đối với sự ổn định và phát triển bền vững đất nước. Thực tiễn, việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai đều được xây dựng trên cơ sở định hướng chính trị của Đảng.
Đến năm 2023 hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013
Liên quan đến các mục tiêu cụ thể, nghị quyết 18-NQ/TW nêu rõ, đến năm 2023 phải hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và một số luật liên quan, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất (Chính phủ sẽ trình dự thảo Luật Đất đai 2013 sửa đổi vào kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV).
Đến năm 2025 hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đồng bộ, đa mục tiêu và kết nối liên thông.
Đến năm 2030 hệ thống pháp luật về đất đai cơ bản được hoàn thiện đồng bộ, thống nhất, phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Khắc phục bằng được tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm, suy thoái và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do lịch sử để lại”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Đặc biệt, Nghị quyết khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng về đất đai: Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Điểm mới của Nghị quyết lần này là làm rõ hơn về vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu và nội hàm, ý nghĩa của chế độ sở hữu toàn dân về đất đai; đồng thời, đặt ra yêu cầu mới phải công khai, minh bạch và trách nhiệm phải giải trình trong thu hồi đất.
Đồng thời Nghị quyết nhấn mạnh quan điểm: Nhà nước thống nhất quản lý đất đai theo lãnh thổ quốc gia, cả về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, môi trường; phân công hợp lý giữa các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, đồng thời có sự phân cấp, phân quyền phù hợp, hiệu quả đối với địa phương và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát, xử lý vi phạm. Đây là nội dung có nhiều điểm mới, bổ sung, làm rõ việc quản lý về đất đai bao gồm cả diện tích và chất lượng; đồng thời, phân cấp rõ hơn giữa các cấp.
Nghị quyết cũng kế thừa quan điểm của Nghị quyết 19, trong đó tiếp tục khẳng định quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt nhưng không phải là quyền sở hữu và bổ sung thêm: Bên cạnh quyền sử dụng đất thì tài sản gắn liền với đất được pháp luật bảo hộ. Điều này phù hợp với Luật Dân sự năm 2015 và đây là cơ sở để hoàn thiện các chế định về thúc đẩy thị trường quyền sử dụng đất và là nguyên tắc để giải quyết các vấn đề đất đai do lịch sử để lại.
Quan điểm thứ ba, Nghị quyết nêu rõ thể chế, chính sách về đất đai phải được hoàn thiện đồng bộ và phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là quan điểm mới, có tính khái quát cao, là định hướng lớn cho công tác hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất; khơi dậy và phát huy tối đa tiềm năng, giá trị nguồn lực đất đai, đồng thời đặt ra quyết tâm lớn của toàn hệ thống chính trị là khắc phục cho được tình trạng tham nhũng, tiêu cực, khiếu kiện, đầu cơ và sử dụng đất đai lãng phí.
Bên cạnh đó, Nghị quyết cũng đặt ra nhiều điểm mới, những yêu cầu về kiện toàn tổ chức bộ máy; nâng cao vai trò của cơ quan tư pháp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai; quy hoạch sử dụng đất phải có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa các thế hệ, vùng miền, giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo đảm an ninh lương thực. Đây là một định hướng lớn, với yêu cầu cao đối với công tác quy hoạch, sử dụng đất (yêu cầu mang tính đa chiều về cả không gian và thời gian).
Theo Thủ tướng, việc hoàn thiện quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất là nội dung hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất.
"Khiếu kiện liên quan đến đất đai trong giai đoạn 2014 - 2020 thường chiếm từ 60-70% số lượng vụ việc hành chính; trong đó 60-70% là liên quan đến bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; việc chậm giải phóng mặt bằng khiến nhiều dự án lớn chậm tiến độ, đội vốn... Đây là vấn đề rất lớn đặt ra cần giải quyết trong đổi mới chính sách pháp luật đất đai”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành là Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 857/QĐ-TTg ngày 19/7/2022 kiện toàn Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành là Trưởng Ban Chỉ đạo tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (gọi tắt là Ban Chỉ đạo).
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà làm Phó Trưởng ban thường trực. Phó Trưởng ban gồm: Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ; Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Ban Chỉ đạo có chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tổ chức thực hiện đánh giá việc thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi); chỉ đạo việc xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) theo yêu cầu của Quốc hội; thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.