Theo báo cáo chuyên đề "Thực trạng sức khỏe thị trường bất động sản Việt Nam" do Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) công bố cho thấy, thị trường bất động sản (BĐS) tiếp tục trầm lắng.
Theo VARS, trong suốt thời gian dài, kể từ đầu năm 2022, dù Chính phủ liên tục công bố các giải pháp "giải cứu" thị trường BĐS, nhưng các chính sách vẫn chưa đến được với doanh nghiệp.
VARS cho biết năm 2022, nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 48.500 sản phẩm, chỉ bằng hơn 20% nguồn cung năm 2018. Cơ cấu nguồn cung chủ yếu là sản phẩm cao cấp, giá trị lớn.
Quý I/2023, nguồn cung đạt khoảng 25.000 sản phẩm, chủ yếu là hàng tồn kho từ các dự án mở bán trước đó. Thị trường thiếu vắng hẳn thông tin mở bán từ những dự án mới hoàn toàn.
Trong khi nguồn cung khan hiếm, nhu cầu cũng sụt giảm vì nhiều lý do, bao gồm lãi suất cao, khó khăn trong vay vốn mua bất động sản, sản phẩm không hấp dẫn…
Theo khảo sát của VARS, trong 5 tháng đầu năm 2023, có 554 doanh nghiệp bất động sản giải thể, tăng 30,4% so cùng kỳ năm trước. Số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới cũng giảm tới 61,4% so cùng kỳ năm trước, chỉ có 1.744 doanh nghiệp. Ngoài ra quý 1/2023, doanh thu của doanh nghiệp bất động sản giảm 6,46% và lợi nhuận sau thuế giảm 38,6% so cùng kỳ năm 2022. Đặc biệt, một lượng hàng lớn vẫn còn tồn kho đến chủ yếu từ những dự án xây dựng dở dang hoặc buộc phải tạm dừng.
Trước thực trạng trên, nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh lại quy mô nhân sự. Theo dữ liệu của 20 doanh nghiệp bất động sản có tổng tài sản lớn nhất tính đến cuối năm 2022, thì 6 doanh nghiệp đã thực hiện cắt giảm nhân sự đáng kể trong năm vừa qua.
Sang đến quý I/2023, một số doanh nghiệp lớn lại tiếp tục cắt giảm nhân sự như: Đất Xanh (DXG) cắt thêm 1.384 người, Đất Xanh Services (DXS) giảm 1.245 người so đầu năm. Bên cạnh đó, tuy không giảm nhân sự vào năm 2022 nhưng quý I/2023, Vinhomes (VHM) cũng bớt đi 1.527 người.
Còn theo thông tin từ Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã liên tục phản ánh về việc gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, phát hành trái phiếu và huy động vốn của khách hàng. Thêm nữa là tỷ giá ngoại tệ, giá xăng dầu, giá vật liệu xây dựng biến động dẫn đến chi phí doanh nghiệp tăng cao, làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặt khác, một số vấn đề pháp lý chưa được khơi thông cũng gây tác động đáng kể.
Với những gì diễn ra, VARS nhận định, nếu doanh nghiệp nào còn lực, còn “dấu hiệu sinh tồn”, khẩn trương thí điểm phê duyệt, giải quyết trực tiếp vướng mắc, đưa doanh nghiệp thoát khỏi trạng thái nguy hiểm. Qua đó giúp doanh nghiệp tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh, đưa hàng vào thị trường. Phương án này nên ưu tiên dự án cấp thiết, phù hợp nhu cầu thực. Đặc biệt lưu ý các doanh nghiệp lớn, có ảnh hưởng nhiều đến thị trường.
Ngoài ra, với doanh nghiệp yếu, hết năng lực triển khai dự án song đã hoàn thiện cơ bản thủ tục pháp lý, thì tổ chức chương trình xúc tiến đầu tư, nhằm mục đích kết nối chủ đầu tư và nhà đầu tư để kêu gọi đầu tư, hoặc M&A. Còn doanh nghiệp có dự án tồn đọng nhiều vướng mắc, trong khi không đủ năng lực triển khai dự án, Nhà nước cần áp dụng giải pháp hỗ trợ, thực hiện việc “mua lại” dự án của doanh nghiệp. Sau đó hoàn thiện thủ tục vướng mắc tồn tại, rồi đấu giá lựa chọn nhà đầu tư mới thực hiện dự án.