“Mẹ tôi là nông dân, còn tôi sinh ở nông thôn...”. Đó là câu mở đầu trong truyện ngắn “Những bài học nông thôn” của cố nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Trong nhiều truyện ngắn đặc sắc khác, ông cũng lấy bối cảnh nông thôn, nông nghiệp và nhân vật chính là nông dân, với trí thông minh, lòng yêu quê tha thiết.
Người viết bài này cũng sinh ra từ làng và xa quê đến nay cũng tròn nửa thế kỷ rồi. Xa quê, nhưng tình cảm của tôi, hồn vía của tôi thì vẫn vương vấn trong cái ngõ nhỏ xạc xào bóng tre xanh. Tôi cũng như nhiều người thích xem chương trình “Cất cánh” (VTV1) và “Sinh ra từ làng” - một chương trình truyền hình thực tế dài 30 phút, phát trên nhiều kênh của Đài Truyền hình Việt Nam. Thích vì nó làm sống lại những kỷ niệm thuở ấu thơ. Thích vì khâm phục tài trí, nghị lực của nhiều bạn trẻ hôm nay.Trong số họ có những bạn đã tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định vẫn về quê khởi nghiệp.
Số đông các bạn còn rất trẻ. Có tỷ phú mới 20 tuổi thôi. Em kiếm được khá nhiều tiền nhờ vào việc trồng một loài cây không có gì đặc biệt - cây ngâu. Còn hầu hết các đại gia chân đất cũng bắt đầu từ những nghề tưởng ai cũng có thể làm. Em Hồ Văn Đoan ở Lục Nam, Bắc Giang, khởi nghiệp từ 5 đôi chim bồ câu. Sau bốn năm đã nhân lên thành đàn chim hơn 20 nghìn con. Tương tự như thế, anh Lý Văn Diểng, dân tộc Sán Dìu, đã thành công trong việc thụ tinh nhân tạo cho gà. Các nhà khoa học lấy làm lạ, đổ về đây xem cái cách rất đơn giản mà Diểng đã làm. Anh rủ rỉ kể, con gà nó có tài đạp mái vài chục con một ngày, nhưng “đậu” ít lắm. Mình biết thế, mình tìm cái cách cho nó “đậu” nhiều hơn. Sắp tới Diểng sẽ thử sức thụ tinh nhân tạo cho giống gà Đông Cảo ở Hưng Yên. Vì con gà này là gà quý, đắt tiền nhưng cái chân nó to quá, rất khó làm “chuyện ấy”. Ô, nghe chuyện cứ như không, mà Diểng đã bắt tay làm mấy năm rồi, được mọi người gọi là kỹ sư, ngượng chết đi được.
Chúng ta cũng biết tới nhiều bạn trẻ sống ở làng thu tiền triệu từ măng tây, từ chè xanh, ngô, khoai lang, chuối và cả từ cuống sen, rơm, rạ. Đáng phục nhất phải kể đến ông Hai Lúa ở Bình Dương. “Kỹ sư chân đất” mặc quần xà lỏn, mình trần, cuốn thuốc rê hút phào phào mà chế tạo được cả… máy bay trực thăng.
Và đó đây là những nông dân trẻ tự thiết kế và làm máy tuốt lạc, máy tách hạt ngô, thay đổi công nghệ nấu rượu, làm nem chua, làm thịt ướp… Hỏi chuyện, họ trả lời đơn giản, đói thì đầu gối phải bò thôi ạ. Thật ra, bây giờ người dân làm nông nghiệp làm gì có chuyện đói nữa. Cũng là vì ở thành phố chưa có “chỗ” thì đành kiếm tiền từ cánh đồng làng, từ cái sân, cái vườn nhà mình. Họ đi từ không đến có, có ít, rồi có nhiều, từ hạt cát mà thành con đê.
Một lĩnh vực đặc biệt khác, văn hóa-nghệ thuật, “làng” cũng đóng góp những nhân vật đặc sắc. Đó là câu chuyện về cô ca sĩ người Mường Nguyễn Thị Ngọc Hà (nghệ danh Hà Myo). Nữ ca sĩ đã đưa nghệ thuật hát xẩm đầy sắc điệu và mới mẻ lên sân khấu hiện đại, trở thành hiện tượng âm nhạc được giới trẻ yêu thích, là người đầu tiên mạnh dạn kết hợp xẩm với rap và nhạc điện tử EDM. Hà Myo là một trong chín “Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng” được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vinh danh. Hà Myo quê ở Ba Vì, Hà Nội. Cô đang nung nấu quyết tâm đưa nghệ thuật hát xẩm đến các trường đại học trong năm 2023.
Khi xem những đoạn phim ngắn phát trên Đài truyền hình thường ít thấy lời bình. Có lẽ cũng là cách của những tấm bia, những trang sách còn để trắng. Nhưng người xem thì nghĩ ngợi nhiều. Nghĩ rằng: Sao người Việt mình tài giỏi thế, đất đai của mình phì nhiêu thế mà đến nay nước ta vẫn chưa trở thành một quốc gia hàng đầu về sản phẩm nông nghiệp? Tỷ phú có vài chục tỷ trên đồng đất thì đã có, nhưng vài trăm thì chưa.
Việc đấy là của Nhà nước, nhà khoa học, của các bộ, ngành hữu quan. Các nhà khoa học bằng cấp đầy mình, các vị đâu cả rồi? Làm thế nào để đưa nhanh khoa học kĩ thuật vào sản xuất, tạo ra công nghệ mới, đẩy nhanh chuyển giao công nghệ? Điều đó từng nông dân đơn lẻ không làm được. Làm sao nhân rộng các “sao” sinh ra từ làng? Đó là những hạt giống quý, nhưng vẫn còn ít. Lại liên quan đến sự chỉ đạo thống nhất, chặt chẽ ở tầm vĩ mô. Nếu không sẽ dẫn tới tính trạng làm ra sản phẩm mà không có thị trường. “Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào” là cách làm tự phát của lối sản xuất tự cấp tự túc, thiếu bàn tay người tổ chức.
Càng thấm thía một điều: Làng Việt Nam, một thiết chế độc đáo, từ làng mà ra nước, còn làng còn nước, dẻo dai vấn vít như tay tre bện lấy tay tre mà nên lũy nên thành. Và trong ngôi làng ấy còn biết bao câu chuyện bình thường mà kỳ lạ. Khai thác nguồn vốn quý từ làng chính là phát huy nội lực, là chuyện thường xuyên, chuyện dài lâu, chuyện lớn lao, không bó hẹp ở những tiêu chí xây dựng nông thôn mới.