27 quốc gia của Liên minh châu Âu đã tranh luận trong nhiều tháng về việc liệu có nên giới hạn giá khí đốt hay không, khi Liên minh này đang nỗ lực để kiềm chế lạm phát và giá năng lượng tăng cao do nguồn cung khí đốt của Nga giảm mạnh.
Ủy viên Năng lượng EU Kadri Simson cho biết Ủy ban châu Âu đang hoạch định chính sách năng lượng của EU và sẽ đề xuất mức giá trần sau cuộc họp ngày 24 tháng 11 của các bộ trưởng năng lượng EU. Sau đó, đề xuất sẽ được trình lên Ủy ban châu Âu.
"Chúng tôi sẽ nhanh chóng đưa ra đề xuất pháp lý", bà Simson nói trong một cuộc phỏng vấn tại Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP27 ở Ai Cập.
Ủy viên Năng lượng EU nói thêm: "Chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ được giao. Tôi nghĩ rằng mức giá trần này có thể xoa dịu thị trường năng lượng... Việc này cũng loại bỏ rủi ro EU sẽ bị cắt nguồn cung".
Các nước EU vốn đang tranh cãi về việc có nên giới hạn giá khí đốt hay không. Để đề xuất của bà Simson được thông qua thì cần ít nhất 15 quốc gia thành viên bỏ phiếu ủng hộ.
Trong số đó, Bỉ, Ba Lan, Ý và Hy Lạp đã yêu cầu Brussels đề xuất mức trần giá khí đốt trước ngày 24 tháng 11. Nếu không thể thực hiện, các nước này đe dọa sẽ ngăn chặn các chính sách khác của châu Âu, như các quy định cấp phép nhanh hơn cho năng lượng tái tạo.
Các quốc gia khác, bao gồm Đức - nước tiêu thụ khí đốt lớn nhất châu Âu, cảnh báo rằng việc áp trần giá năng lượng có thể khiến các quốc gia gặp khó khăn trong việc mua khí đốt trên thị trường quốc tế.
Dự án giới hạn giá khí đốt sẽ được áp dụng nếu giá năng lượng đạt đến mức được xác định trước đó. Điều này sẽ giới hạn giá của các hợp đồng khí đốt của Hà Lan trong một tháng. "Chúng tôi không muốn áp trần giá khí đốt của EU. Nhưng nếu không làm vậy, giá khí đốt của EU sẽ không thấp hơn châu Á. Do đó, khí đốt của châu Âu sẽ không thể cạnh tranh được với khu vực này", bà Simson cho biết.
Dù không nói rõ mức giá giới hạn được đề xuất, nhưng trang Reuters cho biết mức giá này sẽ bị chấm dứt ngay lập tức nếu vô tình gây ra sự gián đoạn thị trường và gây tổn hại đến an ninh năng lượng của châu Âu.