Lợi nhuận MBBank sụt giảm
Ngân hàng TMCP Quân Đội (MBBank; mã chứng khoán: MBB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với thu nhập lãi thuần đạt 9.062 tỷ đồng, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, lợi nhuận trước thuế đạt 5.795 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.624 tỷ đồng, lần lượt giảm 11% và 11,2%.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản của MBBank bất ngờ giảm 4,7%, từ 945.000 tỷ đồng xuống 901.000 tỷ đồng. Được biết, đây là quý giảm nhiều nhất của MBBank trong 20 năm qua.
Đáng chú ý, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) của MBBank đã giảm mạnh từ hơn 66.000 tỷ đồng xuống chỉ còn 11.915 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chứng khoán kinh doanh cũng giảm 13.685 tỷ đồng. Trong khi ở chiều ngược lại tiền, vàng gửi và cho vay các tổ chức tín dụng khác lại tăng 31.000 tỷ đồng.
Về quy định, việc gửi tiền tại NHNN là bắt buộc đối với các ngân hàng thương mại, nhằm đảm bảo tính thanh khoản. Tuy nhiên, việc ngân hàng thương mại rút tiền gửi về trước hết là do thanh khoản của họ trong thời gian gần đây gặp khó khăn, cụ thể là việc huy động vốn tương đối khó.Bản chất, ngân hàng đang "khát vốn", dẫn đến việc phải rút các khoản vốn đang gửi ở nơi khác về để đảm bảo quá trình kinh doanh tốt nhất, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn vốn với chi phí thấp nhất.
Đối với MBBank, không chỉ rút về hơn 54.000 tỷ đồng gửi NHNN mà ngân hàng còn liên tục phát hành thêm trái phiếu để huy động vốn. Tính từ đầu năm đến nay, MBBank đã có 8 lần phát hành trái phiếu với tổng giá trị 2.650 tỷ đồng, lãi suất từ 6,18-6,5%/năm.
Dù khát vốn nhưng có thể thấy MBBank đang “bơm vốn” đều cho các lĩnh vực, trong đó có bất động sản và xây dựng. Báo cáo tài chính quý I/2024 cho thấy, riêng lĩnh vực cho vay kinh doanh bất động sản, MBBank đang có dư nợ cho vay ở mức 45.267,727 tỷ đồng, tăng 1.999,2 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023. Trong khi đó cho vay lĩnh vực xây dựng của MBBank lại giảm trong 3 tháng đầu năm nay, từ mức 28.700,450 tỷ đồng (tính đến 31/12/2023) xuống còn 24.799,112 tỷ đồng (ngày 31/3/2024).
Ba tháng, nợ xấu tăng gần 5.500 tỷ đồng
Mới đây, MBBank đã tổ chức ĐHĐCĐ thường niên, tại đại hội, lãnh đạo MBBank cũng đã nhận được các câu hỏi của cổ đông về khoản nợ của Novaland và Trung Nam Group. Ông Phạm Như Ánh, Tổng giám đốc MBBank cho biết, các khoản này đều chưa có nhiều quan ngại do MBBank cho vay theo đúng kế hoạch, quản lý theo từng dự án và không ảnh hưởng đến hoạt động liên tục của khách hàng.
Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, MBBank với một số kế hoạch mới như: Lợi nhuận trước thuế năm nay tăng trưởng từ 6-8%, tài sản tăng 13%.
Về tăng trưởng tín dụng, MBBank cũng đặt mục tiêu trung bình là 15% mỗi năm. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát dưới 2%, tỷ lệ an toàn vốn tuân thủ Basel II, ở mức tối thiểu là 9%. Tỷ lệ trả cổ tức trung bình trong 5 năm tới sẽ là 15-20%/năm…
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến tăng vốn điều lệ thêm 8.579 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2024 hoặc đến quý II/2025. Nếu phát hành thành công, MB sẽ tăng vốn điều lệ từ gần 52.141 tỷ đồng lên gần 61.643 tỷ đồng.
Mục tiêu là vậy nhưng thực tế nợ xấu của MBBank đang tăng, tính đến hết quý I/2024, nợ xấu của nhà băng này ở mức 13.621,667 tỷ đồng, chiếm hơn 2,34% tổng cho vay khách hàng. Kết thúc năm 2023, nợ xấu của MBBank ở mức 8.121,854 tỷ đồng, chiếm 1,4.
Như vậy, chỉ riêng trong 3 tháng đầu năm, nợ xấu của MB đã tăng gần 5.499,813 tỷ đồng. Đặc biệt, nợ nhóm 5 - nợ có khả năng mất vốn tăng cực mạnh. Cụ thể, kết thúc năm 2023 nợ nhóm 3 của MBBank ở mức 2.698,510 tỷ đồng thì sau 3 tháng đầu năm 2024 đã tăng lên 3.173,143 tỷ đồng; Tương tự nợ nhóm 4 của MBBank ở mức 2.572,000 tỷ đồng (ngày 31/12/2023) lên mức 4.452,311 tỷ đồng; Đặc biệt nợ nhóm 5 - nhóm nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh từ 2.851,344 tỷ đồng (tính đến ngày 31/12/2023) lên mức 5.996,213 tỷ đồng (tính đến ngày 31/3/2024).Với việc nợ xấu tăng lên, MBBank phải đã trích lập dự phòng rủi ro 2.707 tỷ đồng, gấp rưỡi so với cùng kỳ năm trước.