Hà Nội nhiều lần đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới
Vào những ngày cuối tháng 11 năm 2024, đã nhiều lần Hà Nội nhiều đứng đầu bảng xếp hạng các thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Nhìn vào dữ liệu từ AirVisual cho thấy, tại Hà Nội chỉ số AQI thường xuyên vượt ngưỡng 200, mức gây nguy hiểm đến sức khỏe con người, nhất là đối với nhóm người nhạy cảm như trẻ em, người già, và người mắc bệnh mãn tính.
Được biết, Hà Nội hiện có khoảng 7 triệu xe máy và hơn 700.000 ô tô, trong đó đa phần là các phương tiện cũ không đạt tiêu chuẩn khí thải. Bên cạnh đó, các công trình xây dựng tại Thủ đô thường thiếu biện pháp che chắn bụi, làm cho lượng lớn bụi mịn PM2.5 phát tán vào không khí.
Không ít khu vực ngoại thành còn xuất hiện tình trạng đốt rác tự phát, làm tăng thêm lượng khí độc hại (như CO2 và SO2). Đặc biệt, hiện tượng nghịch nhiệt trong mùa đông khiến các hạt bụi không thể thoát lên cao mà bị giữ lại gần mặt đất, khiến tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn.
Tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng trầm trọng khiến người dân tìm đến xe điện và hybrid như một giải pháp thân thiện với môi trường, giảm thiểu phát thải CO₂ và tiết kiệm chi phí vận hành. Cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của Chính phủ, việc phát thải ô nhiễm trong tương lai cũng sẽ giảm đi đáng kể.
Triển khai nhiều biện pháp cải thiện chất lượng không khí
Chính quyền Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp cải thiện chất lượng không khí. Trong đó, mở rộng mạng lưới trạm quan trắc không khí, rửa đường tự động ban đêm, và thí điểm "vùng phát thải thấp". Tuy vậy, các giải pháp này cũng mới chỉ là bước khởi đầu.
Theo TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cần phải có chế tài mạnh mẽ hơn đối với phương tiện giao thông cũ và doanh nghiệp vi phạm quy định về khí thải. Cùng với đó, điều vô cùng quan trọng đó là việc nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ môi trường.
TS Hoàng Dương Tùng cho rằng để giảm thiểu ô nhiễm không khí một cách bền vững, Hà Nội cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp quan trọng là đầu tư vào hệ thống giao thông xanh. Việc mở rộng mạng lưới phương tiện công cộng chạy điện, như xe buýt và tàu điện, không chỉ giảm phát thải khí độc mà còn tạo điều kiện thuận lợi để người dân từ bỏ phương tiện cá nhân. Thành phố cũng cần khuyến khích sử dụng xe đạp và thiết kế thêm các làn đường riêng cho phương tiện này, góp phần xây dựng một hệ thống giao thông an toàn và thân thiện với môi trường.
Đồng thời cần tăng cường kiểm soát khí thải từ các nguồn chính như nhà máy, công trình xây dựng và phương tiện giao thông. Các tiêu chuẩn khí thải mới phải được áp dụng nghiêm ngặt, đồng thời cần tổ chức thanh tra định kỳ để đảm bảo việc tuân thủ. Với các công trình xây dựng, thành phố nên yêu cầu áp dụng các biện pháp hạn chế bụi như che chắn và phun nước thường xuyên.
Tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề ô nhiễm không khí cũng đóng vai trò quan trọng. Những chiến dịch truyền thông sáng tạo và hiệu quả sẽ giúp người dân hiểu rõ hơn về tác hại của ô nhiễm và cách bảo vệ sức khỏe của chính mình. Giáo dục cộng đồng về các biện pháp như sử dụng khẩu trang chống bụi, trồng cây xanh và hạn chế đốt rác tự phát sẽ góp phần tạo nên một phong trào bảo vệ môi trường sâu rộng, hướng tới một Thủ đô xanh và sạch hơn.
Theo kết quả quan trắc giai đoạn 2022 - 2023, bụi mịn PM 2.5 trung bình năm tại Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên đều vượt quy chuẩn. Riêng Hà Nội bụi PM 2.5 dao động 26-52μg/Nm3, vượt giới hạn 1,1-2,1 lần. Năm nay, Hà Nội đã ghi nhận 4 đợt ô nhiễm không khí nặng, trong đó ba đợt tháng 1 - 4 và một đợt vào đầu tháng 10. Ô nhiễm không khí không chỉ tập trung ở nội thành mà còn ở các khu vực ngoại thành như Kim Bài (Thanh Oai), Chúc Sơn (Chương Mỹ) và Vân Đình (Ứng Hòa). Tại đây, chỉ số AQI đã vượt quá mức cho phép, đặc biệt là tại Kim Bài với chỉ số 150.
Được biết, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã yêu cầu cơ quan soạn thảo rà soát, bảo đảm lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải phù hợp, thống nhất giữa Luật Đường bộ, Luật Bảo vệ môi trường, nhất quán với Quyết định số 876/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metal của ngành GTVT và thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) đưa mức phát thải ròng về "0" năm 2050.