Với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn, ngày lễ Vu Lan của đạo Phật đã hòa quyện với triết lý, tục thờ cúng ngày Rằm tháng Bảy âm lịch hình thành lễ hội Vu Lan - báo hiếu, trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt.
Xuất phát từ truyền thuyết về Tôn giả Mục Kiều Liên, đệ tử xuất chúng của đức Phật đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ, Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ về ân đức sinh thành, dưỡng dục, hướng tâm về cha mẹ, tổ tiên.
Theo đó, Kinh Vu Lan chép rằng Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông đến mức có thể dùng mắt thần nhìn khắp trời đất, ngài thấy mẹ mình đã mất đang ở cõi địa ngục, bị đọa đày và đói khát khổ sở. Với lòng hiếu thảo của mình Mục Kiền Liên đã đem cơm xuống tận địa ngục để dâng mẹ, tuy nhiên do đói lâu ngày nên khi ăn mẹ ông đã dùng một tay che bát cơm của mình, không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.
Thấy vậy Mục Kiền Liên liền quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu được mẹ, chỉ có cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng Bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó. Làm theo lời Phật, Mục Kiền Liên đã giải thoát cho mẹ. Phật cũng dạy rằng: Chúng sinh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng nên làm theo cách này. Từ đó, ngày lễ Vu Lan ra đời.
Đây cũng là dịp bày tỏ sự tri ân sâu sắc đến ơn đất nước, ơn đồng bào, nhớ tới ân đức hy sinh cao cả của các bậc tiền bối, anh hùng liệt sỹ đã vị quốc vong thân vì hòa bình, hạnh phúc cho dân tộc.
Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Vu Lan là ngày lễ lớn trong đạo Phật. Tổ chức Đại lễ Vu Lan hằng năm là một trong các pháp môn thực hành hạnh nguyện tri ân, báo ân, báo hiếu của tăng, ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử noi theo đức hạnh của Ngài Mục Kiền Liên trong kinh điển Phật giáo.
Mùa Vu Lan - báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam. Đây là thời gian để mỗi người thực hành và khắc sâu hạnh nguyện báo hiếu, hiếu hạnh với cha mẹ, ông bà và những người thân yêu, đồng thời cũng là thời gian tưởng nhớ, tri ân các Anh hùng dân tộc, anh linh Anh hùng liệt sỹ, tổ tiên, cửu huyền thất tổ của các gia đình trong toàn xã hội.
Ngày Lễ Vu Lan hàng năm được tổ chức long trọng nhằm nhắc nhở các thế hệ con cháu luôn nhớ tới công ơn dưỡng dục sinh thành của ông bà, cha mẹ cũng như tổ tiên và các bậc anh hùng dân tộc đã có công với đất nước. Không riêng gì đối với mỗi người Phật tử, Lễ Vu Lan mở ra cả một mùa báo ân, báo hiếu lan tỏa khắp cả đất nước Việt Nam.
Những ngày này, nhiều gia đình người Việt thường sửa soạn mâm cơm dâng lên tổ tiên, chuẩn bị lễ vật cúng chúng sinh và lên chùa thành kính dâng hương, tham gia khóa lễ.
Trong ngày lễ Vu Lan, ngoài ý nghĩa cầu siêu cho người đã khuất, người Việt Nam còn tổ chức nghi thức bông hồng cài áo để tỏ lòng biết ơn các bậc sinh thành hiện còn và cả những người đã khuất.
Nghi thức này có nguồn gốc từ đoản văn Bông hồng cài áo (1962) của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ lấy ý từ đoản văn này để sáng tác ca khúc bất hủ Bông hồng cài áo thường được sử dụng trong ngày lễ Vu Lan.
Với nghi thức này, hoa hồng được cài lên ngực áo tượng trưng cho sự tri ân, hiếu thảo và lòng biết ơn của con đối với cha mẹ, dù cho họ không còn trên cõi đời này. Đồng thời, hoa hồng còn thể hiện cho một tình yêu chân thành, son sắc, sự cao quý và ngát hương. Trong buổi lễ, ai còn cha mẹ sẽ được cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm, đó là một lời nhắc nhở rằng mình vẫn còn cả cha và mẹ, còn cả một bầu trời yêu thương cao rộng để cảm nhận niềm hạnh phúc và tự nhủ luôn biết cố gắng để làm vui lòng cha mẹ. Ai mất cha hoặc mẹ thì sẽ cài lên ngực mình đóa hồng nhạt, ai mất cả hai đấng sinh thành thì cài lên ngực mình hoa trắng buồn thương. Hoa hồng trắng còn muốn nhắc nhở con người rằng phải sống thật tốt, ý nghĩa để người ra đi cảm thấy tâm hồn được an nhiên, thanh thản và không còn vướng bận chuyện trần gian.