Ngụy biện và vô cảm

Chiều 5/7 tại buổi chất vấn ở kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội, đã có nhiều câu hỏi về việc phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm, chen chân nộp hồ sơ vào lớp 10 cho con và những câu hỏi liên quan đến quy hoạch mạng lưới trường học ở Thủ đô.

Trả lời các câu hỏi trên ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra các con số và cách lý giải có vẻ “thuyết phục”.

Thứ nhất, về mạng lưới trường học, ông Cương cho biết: Thành phố hiện có 2.845 trường học ở 30 quận huyện, thị xã, trong đó 79% là trường công lập. Số trường sẽ tăng dần từng năm, mỗi năm sẽ tăng 30-35 trường học mới, đủ chỗ cho các cháu học tập trong giai đoạn hiện nay.

Phụ huynh xếp hàng từ nửa đêm để nộp hồ sơ cho con vào trường THPT Hoàng Cầu

Thứ hai, về việc phụ huynh phải xếp hàng từ nửa đêm, chen chân nộp hồ sơ cho con, ông Cương lý giải: “Chắc là một số trường có uy tín nên phụ huynh tin tưởng. Vì vậy, họ xếp hàng từ sáng sớm mong con có suất vào trường”.

Việc trả lời của ông Cương với vai trò là người được thành phố giao lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô là rất phiến diện và ngụy biện, không nắm được thực tế giáo dục Thủ đô, không hiểu hết câu hỏi của đại biểu, không hiểu những bức xúc của phụ huynh học sinh.

Về hệ thống trường học, nhất là trường công lập có sự mất cân đối giữa các huyện và các quận. Ở các huyện ngoại thành Hà Nội trước đây khá tốt, đáp ứng được nhu cầu học trường công của học sinh. Nhưng ở các quận nội thành thì số trường công quá ít so với tỷ lệ dân số. Trong quá trình đô thị hóa, dân số tăng nhanh nhưng số trường công tăng không tương ứng với dân số. Trong khi đó trường tư lại nở rộ. Báo chí cũng đã nêu việc người thân của lãnh đạo có cổ phần ở trường tư và kinh doanh giáo dục rất có lãi. Chỉ cần có quyết định thành lập trường và tuyển sinh và thu học phí để có tiền đào tạo chứ không cần phải bỏ vốn.

Về số học sinh được vào trường công lập, năm nay, kỳ thi lớp 10 công lập ở Hà Nội diễn ra ngày 10-12/6 với hơn 104.000 học sinh, nhưng các trường công lập chỉ đáp ứng được khoảng 72.000. Như vậy còn tới 32.000 học sinh không được vào trường công lập. Ngay hơn 100 trường tư thục trên địa bàn cũng chỉ có thể tuyển 27.000 học sinh lớp 10. Như vậy còn tới 5.000 học sinh không thể vào được công lập lẫn tư thục.

Trong khi đó lương của công chức và người lao động Thủ đô phổ biến ở mức 5 triệu đồng/tháng. Nếu con được học trường công lập cũng là rất khó khăn vì học phí và các khoản đóng góp, nhưng cũng còn cố được. Còn nếu học trường tư thục với tiền học phí hơn 10 triệu đồng/tháng thì lương của cả bố mẹ cũng không đủ và sẽ sống bằng gì.

Tại sao người đứng đầu ngành giáo dục Thủ đô lại trả lời ngụy biện và vô cảm đến như vậy. Trách nhiệm này còn thuộc về lãnh đạo thành phố Hà Nội. Chả lẽ “Thủ đô văn hiến” lại có thực trạng giáo dục như thế này sao?

Bạn đang xem bài viết Ngụy biện và vô cảm tại mục Thời sự do Tin tức Việt Nam biên tập và tổng hợp mỗi ngày.