Thời gian qua, Tổng hội Xây dựng Việt Nam và các hội chuyên ngành đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tọa đàm bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tìm ra hướng đi mới cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng Việt Nam nói chung và sản xuất gạch - ngói xây dựng nói riêng. Trong đó, vấn đề nan giải nhất được nhiều chuyên gia đề cập là việc khan hiếm các mỏ đất nguyên liệu. Thế nhưng cũng không vì đó mà các nhà máy, cơ sở sản xuất được sử dụng nguồn nguyên liệu bừa bãi, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng mà cần phải đổi mới, phát triển theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ sở, nhà máy đã nỗ lực đổi mới vượt qua khó khăn thì vẫn còn có những trường hợp cố tình vi phạm, sử dụng nguồn nguyên liệu đất trái phép, đưa đời sống công nhân, người lao động ra làm “bia đỡ”, làm lý do để tiếp tục hoạt động trái quy định pháp luật. Trường hợp Nhà máy gạch Thạch Bàn (địa chỉ xã Phương Đình, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) thuộc Công ty Cổ phần Thạch Bàn Đan Phượng mà PV Tạp chí Người Xây dựng trong quá trình khảo sát, tìm hiểu phát hiện được dưới đây là một điển hình như thế.
Trong quá trình theo chân “binh đoàn” xe tải chở bùn, đất thải tại một số dự án ở Hà Nội, PV Tạp chí Người Xây dựng phát hiện: Nhiều xe tải sau khi “ăn đất thải” từ công trường dự án đã mang đến đổ tại Nhà máy gạch Thạch Bàn - Đan Phượng.
Ngày 10/7, làm việc với PV Tạp chí Người Xây dựng, ông Tiến – Quản lý Nhà máy gạch Thạch Bàn - Đan Phượng thừa nhận việc thu mua đất từ các dự án xây dựng trên địa bàn TP và việc mua bán này không có giấy tờ, hóa đơn. “Nói thật là đất bọn anh lấy về đây để làm đều là đất tận thu từ các dự án xây dựng. Bây giờ không ai người ta cấp mỏ vì không có đất. Đất tận thu bây giờ mà không làm thì đổ đi đâu? Đổ ra mấy bãi thải của nhà nước thì lấp biển cũng chả hết”, ông Tiến nói.
Đề cập đến việc mua bán đất thải từ dự án làm nguyên liệu sản xuất có hóa đơn, chứng từ gì không? Sản phẩm sản xuất ra có đảm bảo chất lượng không?
Ông Tiến nói: “Nói thật các chú thông cảm cái đất này là là đất hỗ trợ cho người ta cước xe chứ đất này ai người ta cấp chứng từ, hóa đơn? Làm cái gạch này giờ khó khăn vô cùng, nhà nước mà bảo dập lò là dập. Nhưng còn có bao nhiêu người lao động đây, còn đời sống, việc làm”.
Ông Tiến tiếp tục nói “giá hỗ trợ mỗi xe đất là triệu, hơn triệu”. Đồng thời khẳng định loại đất trên đảm bảo chất lượng.
PV tiếp tục hỏi: “Việc nhà máy sử dụng đất thải không hóa đơn, chứng từ thì có báo cáo không?”
Ông Tiến nói: “Các cái này thì các cơ quan chính quyền, thanh tra người ta đi kiểm tra, người ta chả nắm được, đâu đến báo chí các chú”.
Đề cập đến việc sử dụng nguyên liệu không hóa đơn, nguồn gốc như vậy có đúng quy định hay không? Tại sao không xin phép cơ quan chức năng? Nguồn gốc đất lấy tại các dự án nào?
Ông Tiến không trả lời cụ thể mà chỉ nói: “Quy định nếu nói làm đúng thì làm sao mà đúng được. Bây giờ mà làm đúng thì tất cả phải dừng hết, chỉ có nghỉ, đấy là nói thật. Các lò gạch giờ lấy nguồn nguyên liệu chủ yếu là ở đất tận thu công trình cho nên thanh tra đến người ta thấy hết. Mỏ mới có hóa đơn chứ đất tận thu người ta đâu cấp được hóa đơn”.
Trước những thông tin mà người quản lý Nhà máy gạch Thạch Bàn - Đan Phượng cung cấp, PV Tạp chí Người Xây dựng đã liên hệ với UBND huyện Đan Phượng và các cơ quan, chính quyền sở tại để làm rõ có hay không việc các cơ quan này làm ngơ cho Nhà máy sử dụng nguyên liệu đất thải từ các dự án mà không có giấy tờ, hóa đơn trái quy định pháp luật?
Trao đổi với PV, Luật sư Hoàng Tùng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: Việc quản lý, xử lý bùn, đất và chất thải rắn phát sinh trong quá trình thi công xây dựng dự án đã được quy định rất rõ tại Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ môi trường. Tại Hà Nội những năm qua UBND TP cùng Công an TP đã ban hành nhiều văn bản, chỉ đạo quyết liệt nhằm quản lý chặt chẽ vấn đề này.
Bên cạnh đó, đối với các dự án, công trình trong quá trình xây dựng mà phát hiện khoảng sản (đất, đất sét) muốn tận dụng bán lại cho các nhà máy gạch, ngói thì cần phải có đơn đề nghị và được Sở Tài nguyên và môi trường chấp thuận, UBND cấp tỉnh, TP cấp giấy phép khai thác khoáng sản. Việc mua, bán khai thác phải đầy đủ giấy tờ, hóa đơn… Thế nên việc “đất thải” từ các dự án “chạy” vào nhà máy gạch Thạch Bàn - Đan Phượng là vụ việc nghiêm trọng cần được các cơ quan chức năng, chính quyền TP Hà Nội vào cuộc làm rõ.
Chúng tôi tiếp tục thông tin.