Bệnh nhân sốt xuất huyết ghi nhận tại 30 quận, huyện, thị xã, một số đơn vị có số mắc cao như: Hà Đông (148), Thanh Oai (127), Phú Xuyên (110), Đống Đa (101). Cộng dồn 2022 ghi nhận 10.716 mắc sốt xuất huyết, 12 tử vong; số mắc tăng gấp 3,5 lần so với số mắc cùng kỳ năm 2021 (3.020 mắc, 0 tử vong). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận/huyện/thị xã; 539/579 xã/phường/thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.
Ổ dịch trong tuần ghi nhận thêm 58 ổ dịch mới tại: Hoàng Mai (16), Thanh Oai (6), Bắc Từ Liêm (5), Hà Đông (5), Thanh Trì (5), Hai Bà Trưng (5), Chương Mỹ (3), Đống Đa (3), Phú Xuyên (2), Long Biên (2), Hoài Đức (2), Gia Lâm (1), Đan Phượng (1), Phúc Thọ (1), Tây Hồ (1). Cộng dồn 2022 đã ghi nhận 871 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện. Hiện tại còn 143 ổ dịch đang hoạt động, tại 24 quận, huyện, trong đó một số ổ dịch đang hoạt động có nhiều bệnh nhân: thôn Bùng-Phùng Xá-Thạch Thất (200), Phượng Trì-TT Phùng-Đan Phượng (73), Ngọc Đình-Hồng Dương-Thanh Oai (53).
Để đảm bảo công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue một cách hiệu quả, Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hỗ trợ triển khai thực hiện công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tích cực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. TS Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội chia sẻ về vấn đề này.
Qua công tác kiểm tra thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, TS Trần Thị Nhị Hà đánh giá: Với tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết diễn ra phức tạp trên toàn địa bàn thành phố, Hà Nội đã có giải pháp rất quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Chúng tôi, đã kịp thời tham mưu với UBND thành phố Hà Nội ban hành các công điện, chỉ thị, công văn chỉ đạo đến các đơn vị quyết liệt vào cuộc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Trước lượng bệnh nhân ghi nhận thời gian vừa qua vẫn ở mức tăng cao, Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát ngay tại cộng đồng công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết của các quận/huyện/thị xã; xã/phường/thị trấn... Chúng tôi, thấy rằng có những tồn tại trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt là ý thức của người dân tham gia công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết còn chưa cao, chưa vào cuộc chủ động phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cho bản thân.
Qua kiểm tra, giám sát và phỏng vấn người dân về dịch bệnh sốt xuất huyết, về sự hiểu biết các biện pháp chủ động phòng chống dịch thì người dân vẫn còn lơ là, chủ quan. Đặc biệt, ở các khu nhà trọ, có những người dân thuê trọ mới chuyển đến chưa được tuyên truyền công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Do đó, công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cần phải quyết liệt hơn nữa và cần có sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư, tổ dân phố cùng vào cuộc tham gia giám sát tổ xung kích diệt bọ gậy ngay tại địa bàn triển khai thực thực chất, hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
TS Trần Thị Nhị Hà chia sẻ biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết: Công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, điều quan trọng nhất là diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy, phòng chống muỗi đốt và giữ vệ sinh sạch sẽ nhà ở cũng như môi trường xung quanh. Tuy nhiên, ở địa bàn dân cư, một số người dân vẫn chưa có kiến thức trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt suất huyết và còn chủ quan, lơ là dù tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố đang diễn ra phức tạp. Chính vì vậy, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền tại cộng đồng và tích cực tổ chức các cuộc kiểm tra, giám sát tại các địa bàn quận/huyện/thị xã, các tổ dân phố, cụm dân cư để huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương và người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, đảm bảo hiệu quả trong công tác phòng chống dịch.
Người dân cần tích cực tham gia vào công tác phòng chống dịch và chung tay với chính quyền địa phương thực hiện phòng chống dịch sốt xuất huyết để có hiệu quả thực sự trong phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.
Các tổ xung kích diệt bọ gậy, đội giám sát cộng đồng cần hoạt động thực chất, hiệu quả “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để phát hiện kịp thời các điểm nguy cơ cao và có biện pháp quyết liệt xử lý kịp thời công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
Với tình hình dịch bệnh gia tăng, ghi nhận nhiều ca bệnh, Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị trong ngành thực hiện phân luồng, phân tuyến cho các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn đảm bảo người dân được chăm sóc, điều trị và chuyển tuyến kịp thời. Đồng thời, yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh bố trí giường bệnh, thuốc, vật tư tiêu hao... đáp ứng nhu cầu điều trị cho người dân. Đồng thời, thực hiện tốt công tác phòng, chống lây nhiễm sốt xuất huyết Dengue trong khuôn viên cơ sở khám, chữa bệnh, đặc biệt là công tác vệ sinh môi trường diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, hướng dẫn, giám sát việc phòng muỗi đốt đối với bệnh nhân và người nhà…
TS Trần Thị Nhị Hà cho biết thêm dự báo tính hình dịch bệnh sốt xuất huyết vẫn còn diễn biến phức tạp, số ca mắc vẫn gia tăng trong thời gian tới với điều kiện khí hậu phù hợp cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh và việc di biến động dân cư trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ có đỉnh điểm vào tháng 11, 12 cuối năm. Để công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết được hiệu quả rõ ràng vai trò của chính quyền địa phương rất quan trọng. Chủ tịch UBND thành phố đã ban hành chỉ thị, yêu cầu UBND các quận/huyện/thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng lơ là, chủ quan trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; phân cấp, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền trong công tác phòng, chống sốt xuất huyết Dengue. Chính vì vậy, thực hiện thiết thực những kế hoạch, công điện, chỉ thị của thành phố thì các cấp chính quyền địa phương cần vào cuộc quyết liệt, có những kế hoạch, công điện, chị thị cụ thể ngay tại địa bàn của mình để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Các hình thức tuyên truyền cần phải thay đổi, dễ hiểu, dễ nhớ, đơn giản... để người dân tiếp cận được các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết một cách dễ nhất. Điển hình qua kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn quận Thanh Xuân, chúng tôi cũng đã đề nghị tổ dân phố phải dán rơi các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết cụ thể lên tường trước cửa các phòng trọ, nhà trọ, khu trọ để người dân dễ tiếp cận với các tài liệu truyền thông phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Đồng thời, các tổ dân phố cần giao nhiệm vụ rõ ràng, có sự đánh giá hiệu quả của công tác tuyên truyền. Phỏng vấn lại người dân để người dân nắm được kiến thức nhất định trong công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết như diệt muỗi, diệt loăng quang, bọ gậy, tránh muỗi đốt, khi bị sốt có biểu hiện nghi ngờ sốt xuất huyết thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, xử lý, điều trị kịp thời.
Ngành y tế sẽ tăng cường giám sát chặt chẽ hơn nữa tại cộng đồng, thực hiện giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết, phát hiện sớm ổ dịch và xử lý rứt điểm những ổ dịch mới bùng phát và những ổ dịch kéo dài, không để dịch bệnh lan rộng ra cộng đồng. Cùng với công tác chuyên môn, ngành y tế sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Chính quyền địa phương cần có cách làm, giải pháp cụ thể ngay tại địa bàn của mình và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn để phòng chống hiệu quả dịch bệnh sốt xuất huyết.
Hà Nội đã thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19, chính là sự vào cuộc của chính quyền địa phương, của các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt là sự chung tay phòng chống dịch của người dân. Chung tôi hy vọng với dịch bệnh sốt xuất huyết hiện đang bùng phát trên địa bàn Hà Nội thì cũng nhận được sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, các ban, ngành đoàn thể và người dân, chúng ta ứng sử với dịch bệnh sốt xuất huyết như một sự kiện y tế công cộng khẩn cấp mà cần có sự vào cuộc quyết liệt từ thành phố đến các quận/huyện/thị xã và xã/phường/thị trấn...
Để ngăn chặn dịch sốt xuất huyết bùng phát, lan rộng, kéo dài, ngành y tế khuyến cáo mỗi người dân và cộng đồng cần đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, lốp, vỏ xe cũ, hộp xốp, cốc nhựa...; ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng chống dịch; khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.