Những vấn đề cần quan tâm
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp và PTNT cùng những doanh nghiệp, HTX đang trực tiếp thực hiện thì sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ ở tỉnh mới chỉ ở dạng mô hình nhỏ lẻ, chưa có vùng sản xuất lớn. Hiện nay, quy trình sản xuất và chế độ giám sát chặt chẽ trong sản xuất hữu cơ đang làm tăng chi phí, là thách thức trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Công tác đào tạo kể cả công tác quản lý để hỗ trợ người sản xuất, người nông dân với kiến thức nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế. Các sản phẩm của canh tác hữu cơ do không sử dụng thuốc kích thích nên hình thức không “bắt mắt”. Sản phẩm hữu cơ lại chưa được phổ biến rộng rãi; chưa có giấy chứng nhận sản phẩm an toàn nên giá bán không cao hơn, thậm chí chỉ bằng các loại rau an toàn. Hơn nữa, người tiêu dùng chưa có căn cứ phân biệt sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ với các sản phẩm thông thường khác...
Công ty cổ phần Nông sản sạch Sơn La tại huyện Thuận Châu đã có 4 năm nghiên cứu và trồng thử nghiệm một số loại cây trồng theo mô hình sản xuất hữu cơ với diện tích sản xuất khoảng 60 ha. Trong đó, diện tích đơn vị trực tiếp sản xuất khoảng 10 ha; diện tích liên kết đầu tư đang triển khai thực hiện 50 ha. Năm 2021, đơn vị đã liên kết với các hộ dân và HTX để sản xuất 284 tấn sản phẩm hữu cơ, gồm: khoai sọ, gừng, bưởi ruột hồng, bưởi ruột đỏ, bưởi ruột vàng, bí thơm, thóc tan Te Lanh, bí đỏ, su su, thanh long, chanh leo, gừng đen, nghệ vàng và các loại rau quả khác.
Công ty cổ phần Nông sản sạch Sơn La tạo việc làm cho hơn 100 lao động địa phương; tiêu thụ toàn bộ sản phẩm nông sản sau thu hoạch cho bà con nông dân vùng liên kết, từng bước thay đổi được ý thức và tư duy sản xuất theo tiêu chuẩn thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch... Theo ông Vũ Ngọc Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần Nông sản sạch Sơn La, đơn vị đang gặp những khó khăn cần được tháo gỡ, như: Ý thức và tư duy sản xuất của người dân về sản xuất hữu cơ chưa cao; diện tích đất sản xuất và nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch chưa đảm bảo. Trong liên kết sản xuất người dân không muốn liên kết, chỉ muốn cho thuê đất. Đặc biệt, đơn vị gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn để sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Cùng với đó là các khó khăn do yêu cầu kỹ thuật, chi phí sản xuất cao, năng suất cây trồng từ sản xuất nông nghiệp hữu cơ thấp. Tổng doanh thu từ sản xuất năm 2021 đạt hơn 3,2 tỷ đồng, nhưng chi phí cho sản xuất hơn 2,7 tỷ đồng.
Tài nguyên đất nông nghiệp của tỉnh rất phong phú, đa dạng với nhiều loại nông sản chủ lực có lợi thế cạnh tranh, vì vậy, chưa thể ứng dụng đồng bộ, rập khuôn mà cần phải được triển khai nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm phân bón hữu cơ phù hợp cho từng trường hợp cụ thể. Ông Hà Như Huệ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thông tin: Hiện, ngành cũng chưa đủ cơ sở để đánh giá đầy đủ hiệu quả của mô hình ủ phân hữu cơ tổng hợp, do việc sử dụng phân bón hữu cơ mới được thực hiện trong thời gian ngắn, bón cho nhiều loại cây trồng khác nhau. Mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại huyện Mộc Châu, sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại xã Phổng Lái, huyện Thuận Châu có thời điểm vẫn bị thiệt hại do ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu...
Tăng cường liên kết, hỗ trợ
Hiện toàn tỉnh đang có 30 ha được cấp giấy chứng nhận hữu cơ gồm 10 ha bưởi, 10 ha chè và 10 ha rau; có 40 ha được cấp giấy chứng nhận chuyển đổi phù hợp với yêu cầu của nông nghiệp hữu cơ Việt Nam gồm các loại cây xoài, bưởi, thanh long, chanh leo, cam, na. Một số mô hình sản xuất đang được duy trì hiệu quả, như: Mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu của HTX rau an toàn tự nhiên; mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ của Công ty cổ phần Chè Chiềng Đi; mô hình trồng bưởi theo hướng hữu cơ tại xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu của Công ty cổ phần Nông sản sạch Sơn La...
HTX rau an toàn bản Tự Nhiên, xã Đông Sang được huyện Mộc Châu chọn triển khai thí điểm mô hình đầu tiên về phát triển nông nghiệp hữu cơ, với quy mô 5 ha, 16 hộ tham gia. Ban quản trị HTX xây dựng kế hoạch hằng tháng và theo từng khung thời vụ để hướng dẫn các thành viên gieo trồng, áp dụng kỹ thuật để trồng các loại rau trái vụ, tập trung cao từ tháng 4 đến tháng 10 để các sản phẩm được cung ứng vào các siêu thị, nhà hàng.
Bà Nguyễn Thị Luyến, Giám đốc HTX, cho biết: HTX liên kết ký hợp đồng với một số siêu thị, bếp ăn tập thể ở Hà Nội. Trên cơ sở đó, điều phối kế hoạch sản xuất tới từng hộ thành viên về diện tích, số lượng chủng loại rau, thời gian gieo trồng lệch nhau nên luôn đủ nguồn cung cho đối tác, tránh thu hoạch dồn một lúc, đảm bảo tiêu thụ ổn định. HTX thống nhất về quy trình sản xuất, các thành viên đều có sổ ghi chép ngày xuống giống, ngày phun thuốc và loại thuốc. Chúng tôi còn thành lập tổ giám sát để giám sát quy trình sản của các hộ thành viên, đảm bảo sản phẩm an toàn, chất lượng.
Hiện nay, UBND huyện Mộc Châu đang định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ phát triển các điểm sản xuất nông nghiệp hữu cơ trong thời gian tới, như: Điểm sản xuất thuộc vùng chè của Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu; Điểm sản xuất thuộc vùng mận của Tiểu khu Pa Khen, Mía đường, thị trấn Nông trường Mộc Châu; Điểm sản xuất thuộc vùng mận của bản Nà Bó xã Mường Sang; Điểm sản xuất thuộc vùng rau ở HTX nông nghiệp Dũng Tiến, bản Tám Ba, xã Phiêng Luông; Điểm sản xuất chè Shan ở bản Dọi, xã Tân Lập của HTX sản xuất kinh doanh chè Tân Lập; Điểm sản xuất chè Olong ở tiểu khu 34, xã Tân Lập của Công ty TNHH Mộc Sương; Điểm chăn nuôi bò sữa hữu cơ Amifarm ở tiểu khu 34, xã Tân Lập; Điểm sản xuất rau hữu cơ ở bản Tự Nhiên, xã Đông Sang (duy trì Giấy chứng nhận hữu cơ) của Hợp tác xã rau an toàn tự nhiên.
Ông Long Trung Tâm, Chủ tịch UBND huyện, chia sẻ: Trong thời gian tới, huyện tập trung cao cho công tác chỉ đạo, phối với chặt chẽ với các sở ngành của tỉnh, các doanh nghiệp ngoài tỉnh (đơn vị thu mua sản phẩm); các doanh nghiệp, HTX của huyện (đơn vị sản xuất sản phẩm) để triển khai hướng dẫn nông dân thực hiện và đẩy mạnh phát triển liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ theo chuỗi giá trị khép kín để phát triển sản xuất hữu cơ bền vững, hiệu quả cao.
Thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ đã đem lại cho huyện Yên Châu những kết quả, đáng chú ý là sản phẩm hoa quả của huyện đã đủ điều kiện đi vào các siêu thị, xuất khẩu sang thị trường Úc. Năm 2022, dự kiến sản lượng quả của huyện Yên Châu đạt 90.000 tấn, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã xây dựng Kế hoạch số 48/KH-UBND ngày 27/1/2022 về xuất khẩu sản phẩm hàng hóa, nông sản an toàn năm 2022 trên địa bàn huyện. Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền hướng dẫn sản xuất hữu cơ.
Ông Lù Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, cho biết: Tỉnh cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ bà con nông dân thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020-2025. Trong tiêu thụ sản phẩm, tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút các công ty, doanh nghiệp, liên kết tiêu thụ nông sản để người nông dân yên tâm đầu tư sản xuất.
Mong muốn của người sản xuất
Thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 - 2030 của Chính phủ, tỉnh ta tiếp tục xây dựng lộ trình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đảm bảo phù hợp điều kiện sản xuất của từng địa phương, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, kế hoạch phát triển của ngành nông nghiệp và lĩnh vực có liên quan, thu hút được các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh và phụ trợ, dịch vụ cho nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Các doanh nghiệp, HTX mong muốn tỉnh có các giải pháp thúc đẩy nghiên cứu và chuyển giao công nghệ, hợp tác, xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp hữu cơ hiệu quả; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về tiềm năng phát triển, tập trung vào chất lượng và không làm theo phong trào; ưu tiên dành những nguồn lực cần thiết, tối đa hóa các nguồn lực để phát triển. Tổ chức chứng nhận, tổ chức sản xuất, tổ chức phân phối lưu thông thị trường và nâng cao nhận thức của người dân. Lựa chọn xây dựng những mô hình trọng điểm, thế mạnh, hoàn thiện quy trình sản xuất hữu cơ chuẩn, chuyển giao, nhân rộng đến các HTX, doanh nghiệp và người nông dân. Xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai thực hiện các đề án, làm cơ sở để các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp và người dân tham gia triển khai, phối hợp tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy và khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương phù hợp với nhu cầu của thị trường, đảm bảo an ninh lương thực, đời sống của nhân dân. Thu hút được các thành phần kinh tế như doanh nghiệp nhỏ, HTX, trang trại, hộ gia đình, nhóm hộ sản xuất sản phẩm hữu cơ tham gia sản xuất, kinh doanh và phụ trợ, dịch vụ cho nông nghiệp hữu cơ nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ gắn với nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp - một hướng đi bền vững cho ngành nông nghiệp giai đoạn hiện tại và tương lai.