Phát triển nhà cao tầng đang là xu thế chung của các nước tiên tiến cũng như ở Việt Nam. Chính vì thế, yêu cầu về công tác PCCC cũng ngày càng trở nên bức thiết. Theo tìm hiểu, để đáp ứng các yêu cầu xử lý trong trường hợp xảy ra hỏa hoạn tại các nhà chung cư cao tầng, Hà Nội đã đầu tư, nâng cấp và hiện đã có trang bị những xe thang chữa có thể vươn tới được đến tầng 20 của các tòa nhà.
Bên cạnh nhiệm vụ chữa cháy, những xe thang này còn được dùng để cứu nạn người dân trong trường hợp không còn lối nào thoát, người già, người tàn tật, bị thương không tự thoát khỏi tòa nhà.
Và để làm được điều đó, phát huy được vai trò của mình, điều kiện để làm được việc đó là đường phải rộng, ngõ phải to, khuôn viên quanh ngôi nhà phải đủ lớn…
Nhưng điều kiện này nhiều khi lại không hề đơn giản!
Lãnh đạo một công ty xây dung lớn ở Hà Nội cho biết, bất kỳ một tòa nhà cao tầng nào khi được cấp phép xây dựng thì hồ sơ bắt buộc phải có bản thiết kế hệ thống phòng cháy, chữa cháy. Bản thiết kế này phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật theo tiêu chuẩn được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Vậy nên, nếu tòa nhà cao tầng nào cũng áp dụng đủ yêu cầu về kỹ thuật thì bản thân nó có thể chữa cháy ngay từ khi phát hỏa và hoặc ít ra người dân cũng đủ thời gian để thoát ra ngoài.
Đó là câu chuyện trên lý thuyết, trên hồ sơ, còn thực tế, không phải chủ đầu tư nào cũng tuân thủ, xây dựng, đầu tư hệ thống phòng cháy, chữa cháy theo thiết kế. Bằng 1.001 lý do, trong đó có câu chuyện chi phí đầu tư đắt đỏ, mất diện tích…, chủ đầu tư tìm để cắt xén, làm “đơn giản hóa” hệ thống này khiến nó không thể phát huy hiệu quả, hoặc hiệu quả hạn chế, thậm chí không có tác dụng khi sự cố xảy ra. Một loạt các dự án, tòa nhà chung cư thời gian qua liên tục bị cơ quan chức năng nêu tên, không đủ điều kiện cấp sổ đỏ, xảy ra các tranh chấp… do hệ thống phòng cháy chữa cháy chưa đúng với hồ sơ thiết kế là minh chứng cho điều đó.
Lại chuyện hiểu biết và tâm lý chủ quan của một bộ phận không nhỏ người dân tại các tòa chung cư trước nguy cơ hỏa hoạn cũng rất đáng báo động. Tại các khu chung cư cao tầng, khi xảy ra cháy, bên cạnh lối thoát hiểm cầu thang bộ, mỗi phòng đều có ban công để lực lượng cứu hoả có thể tiếp cận được. Tuy nhiên rất nhiều phòng trong khu tái định cư, các khu nhà tập thể, người dân đã tự ý dựng “chuồng cọp”, bịt kín hoàn toàn ban công. Đây là điều rất nguy hiểm nếu có hoả hoạn xảy ra.
Đó là các chung cư thương mại, còn tại các khu chung cư mini thì câu chuyện này càng thêm phần nghiêm trọng. Theo ghi nhận của chúng tôi tại một chung cư mini ở làng Vọng (quận Cầu Giấy, Hà Nội), khả năng ứng phó với cháy nổ ở đây gần như… không có gì. Lối thoát duy nhất ở khu nhà 5,6 tầng là chiếc cầu thang bộ 2 người len qua nhau còn khó.
Tình trạng này là khá phổ biến.
Rồi chuyện giao thông. Có phải đường đến tòa nhà chung cư nào cũng thông thoáng, cũng đủ lớn để cho các xe chuyên dụng của lực lượng chữa cháy tiếp cận được đâu. Rồi nhiều khi tiếp cận được rồi có khi cũng chẳng có không gian để triển khai các biện pháp nghiệp vụ để chữa cháy...
Tôi có người bạn, nhà ở gần một khu chung cư mini ở phố Trần Bình (Cầu Giấy). Theo như lời chia sẻ, khu nhà này được xây trong ngõ nhỏ, các tầng trên thậm chí còn cơi nới khoảng không sát sạt đến mức nhà đối diện không mở nổi cửa sổ ra. Việc mất không gian thoáng đãng hàng ngày đã khiến các hộ dân xung quanh bực mình. Nhưng lo lắng nhất chính là việc nếu chẳng may hỏa hoạn thì chắc chắn với kiểu xây thế này, lửa sẽ bén nhanh sang nhà đối diện.
“Nếu chẳng may hỏa hoạn xảy ra, với các chung cư thương mại, có chủ đầu tư là doanh nghiệp lớn còn có thể hỏi trách nhiệm, chứ nhà dân xây kiểu tự phát thế này thì người dân chắc chỉ còn biết… nhìn nhau mà khóc”, người bạn tôi bày tỏ.
Nói vậy để thấy rằng, dù là chung cư thương mại hay chung cư mini thì vấn đề phòng chống cháy nổ vẫn là nguy cơ thường trực, rình rập cuộc sống của người dân. Và chỉ một sơ xuất nhỏ, để xảy ra hỏa hoạn, hậu quả là khôn lường, thiệt hại về người và của vô cùng lớn.
Phòng chống cháy nổ là công tác có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với sự phát triển bền vững của mô hình nhà chung cư cũng như sự phát triển bền vững của đô thị. Nhưng như đã đề cập ở trên, sự thiếu đồng bộ trong quy hoạch và kiểm soát thực hiện quy hoạch, sự tác trách, buông lỏng của một bộ phận cán bộ chuyên ngành, rồi cả sự thiếu trách nhiệm của chính chủ đầu tư… khiến vấn đề an toàn phòng chống cháy nổ bị đặt nhiều dấu hỏi. Vậy nên, khi mà điều kiện kinh tế còn hạn chế, chấp nhận việc chọn và sống ở chung cư, nhất là những tòa chung cư mini thì xem ra chúng ta phải tự trang bị cho mình những vật dụng như thang dây, mặt nạ chống độc… và phải có “võ” để mà phá, mà trèo, mà đu khi không may tòa nhà xảy ra hỏa hoạn.