Sáng 18/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Với 100% biểu quyết tán thành, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua đề nghị bổ sung một số dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, gồm các dự án: Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ (sửa đổi).
Báo cáo tổng hợp, rút gọn về đề nghị bổ sung vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 đối với 4 dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, bên cạnh kết quả đạt được quá trình triển khai luật bộc lộ một số khó khăn, bất cập yêu cầu phải sửa đổi luật hiện hành.
Trong đó, về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Bộ trưởng Lê Thành Long nêu rõ, Luật Thuế giá trị gia tăng được Quốc hội thông qua năm 2008 và có hiệu lực thi thành năm 2009. Để tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, hồ sơ đề nghị xây dựng luật với 5 nhóm chính sách: Hoàn thiện các quy định về đối tượng không chịu thuế VAT; Hoàn thiện quy định về cách tính thuế VAT; Hoàn thiện các quy định về thuế suất thuế VAT; Hoàn thiện các quy định về khấu trừ thuế VAT đầu vào; Hoàn thiện các quy định về hoàn thuế VAT.
Báo cáo về việc thẩm tra đề nghị bổ sung 4 dự án luật này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng tán thành với sự cần thiết sửa đổi 4 luật nêu trên để kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục những hạn chế, bất cập đã được chỉ ra qua tổng kết thi hành các luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Liên quan đến xây dựng luật, pháp lệnh của năm 2024, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Lê Quang Mạnh cho biết, Tổng Thư ký Quốc hội đã có Thông báo số 2186 về nội dung này, trong đó đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 và năm 2024. Tuy nhiên, ngoài Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp chưa được chuẩn bị. Đây là nội dung rất quan trọng để bảo đảm đồng bộ với việc triển khai các quy định mới về thu nhập doanh nghiệp theo thuế tối thiểu toàn cầu. Do vậy, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh đề nghị Bộ Tài chính và Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hai dự án luật này để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng cho rằng, trình các dự án Luật phải tính toán tổng thể như các luật về thuế không phải chỉ có riêng thuế VAT. Khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế tối thiểu toàn cầu đã yêu cầu phải rà soát tổng thể với pháp luật về ưu đãi đầu tư, các luật về thuế… nên cần phải chủ động để tính toán tổng thể thuế gồm các luật về các loại thuế và Luật Quản lý thuế. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan đẩy nhanh tiến độ, tránh tình trạng có gì làm nấy dẫn đến thiếu tính đồng bộ, thống nhất.
Cho ý kiến về Luật Thuế giá trị gia tăng, Chủ tịch Quốc hội băn khoăn về phạm vi quy định mặt hàng chịu thuế VAT nhất là đối với nông sản. Trước đây làm rất kỹ lưỡng đối với vấn đề nông sản dù rất phức tạp nhưng sau này phát sinh nhiều sai phạm tiêu cực liên quan đến hóa đơn VAT, cà phê, tôm, cá… thì vấn đề này lại không được tính toán đầu ra, đầu vào, mà lại loại trừ phạm vi rất lớn trong lĩnh vực này. Không thể vì gian lận ở một bộ phận mà hủy hết tất cả; nếu không sẽ không bảo đảm bản chất của thuế VAT; trường hợp có gian lận thì phải đấu tranh xử lý mạnh hơn nữa. Trong khi đó trong chính sách trong hồ sơ dự án luật cũng không đề cập đến vấn đề này.
Ngoài ra, về thuế VAT của thủy điện, nếu phân bổ thuế là không đúng bản chất. Thuế VAT đối với các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư mở rộng, hiện còn nhiều nội dung được cử tri nêu ra cần được rà soát để sửa đổi. Vấn đề về phân bón đã tồn tại từ lâu đến nay chưa được giải quyết triệt để vấn đề thuế suất, đối tượng chịu thuế. Quy định về thuế VAT nằm ở nhiều nghị định khác nhau nên cần rà soát luật hóa tối đa, tránh tình trạng “luật khung”, “luật ống”, nhất là đối với luật về thuế. Hoàn thuế VAT cũng là vấn đề cần được quan tâm.
Phát biểu tiếp thu, giải trình ý kiến về dự án Luật Thuế giá trị gia tăng được nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án Luật điều chỉnh thuế suất và điều chỉnh mặt hàng từ không chịu thuế VAT sang chịu thuế VAT và ngược lại tăng hay giảm thuế suất… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế. Và Bộ Tài chính chịu trách nhiệm chính đánh giá kỹ lưỡng vấn đề này. Hầu hết các nước đều dùng thuế VAT, tuy nhiên tên gọi có thể khác nhau, phạm vi các mặt hàng gọn hơn phạm vi các mặt hàng đánh thuế VAT ở Việt Nam.
Đối với các vấn đề cụ thể, VAT đối với các dự án đầu tư, Bộ trưởng cho biết, hiện dự kiến sẽ đưa vào dự thảo luật này. Đối với phân bón, dự kiến cũng sẽ đưa vào và luật hóa các nội dung cũng như điều chỉnh thuế suất đối với một số mặt hàng.
Thay mặt Bộ Tài chính và Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long ghi nhận và tiếp tục làm kỹ hơn nữa trong quá trình xây dựng dự án Luật này, đặc biệt là báo cáo đánh giá tác động, phân tích ưu điểm, hạn chế, điều chỉnh chính sách đối với các mặt hàng cụ thể.
Tiến độ trình Quốc hội 4 dự án luật
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất, đối với dự án Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 như Chính phủ đề nghị.
Đối với dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Đối với dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (sửa đổi), trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Trong quá trình chuẩn bị, nếu Chính phủ chuẩn bị tốt, đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 được các đại biểu Quốc hội đồng thuận cao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, phối hợp với Chính phủ trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 theo quy trình tại 1 Kỳ họp.