Kya đã về Việt Nam khi tròn 2 tháng tuổi. Thế rồi, hơn 4 năm qua, cháu không về được vì Covid-19. Còn Hanzo thì sinh trong thời gian nước Mỹ ở đỉnh dịch. Đây là lần đầu tiên Hanzo trở về quê ngoại. Ông Thiều kể, suốt gần một năm qua, Kya thường hỏi mẹ khi nào về Việt Nam. Chiều muộn một ngày mưa xuân đã dăng đầy phố, nhà thơ “trốn cơ quan” về giúp bà ngoại Kya chuẩn bị đón các cháu. Ông cảm thấy mùa xuân tràn ngập ngôi nhà của mình bởi không khí sum vầy.
Hình ảnh cả gia đình Việt, ba, bốn thế hệ quây quần bên nhau trong những ngày tết cổ truyền của dân tộc là nét đặc sắc văn hóa, được lưu truyền qua bao thế kỉ. Truyền thống cùng những phong tục, tập quán tốt đẹp thể hiện trong cộng đồng, trong mỗi gia đình, hình thành nên gia phong, gia bản, làm nên giá trị tinh thần to lớn. Có người nói một cách hình ảnh: Tết là ngày sinh nhật chung của tất cả mọi người.
Nhớ sao những tết xưa, ông bà, cha mẹ, con cháu quây quần bên nồi bánh chưng trong đêm giao thừa, cùng nhắc đến những kỷ niệm, mơ ước trong tương lai. Tết cũng là dịp để con cháu tỏ lòng thành kính, biết ơn Tiên tổ, các bậc sinh thành.
Mỗi thời mỗi khác. Nồi bánh chưng đêm 30 Tết sôi sùng sục, tỏa hương thơm ngào ngạt, nay hầu như chỉ còn thấy ở nông thôn. Phong tục tết cũng mai một ít nhiều. Ở các đô thị lớn, nhiều gia đình trẻ rủ nhau du lịch nước ngoài vào dịp tết, vì chỉ có tết mới có thời gian nghỉ dài, phần nữa cũng là dịp “trốn” chúc tụng dềnh dang, cỗ bàn lu bù! Có người bảo, cảm giác rằng, tết càng ngày càng... nhạt. Lại cũng có ý kiến bàn rằng, nên gộp Tết ta vào Tết tây.
Tuy có ý kiến này nọ, nhưng số đông thì vẫn yêu cái Tết nguyên đán của dân tộc mình. Đây là dịp cả nhà, cả dòng họ có dịp quây quần bên nhau sau cả năm vất vả, bận rộn. Những người con sinh sống, làm ăn xa quê ai có điều kiện cũng cố gắng sắp xếp về cố hương đón tết. Những người phải làm nhiệm vụ như các chiến sĩ quân đội làm việc nơi biên giới hải đảo, kĩ sư, cán bộ làm việc trên các giàn khoan dầu khí... không về quê được đành kìm giữ nỗi nhớ gia đình, người thân, lo làm tròn công việc.
Nhiều câu chuyện của các kỹ sư làm việc trên các giàn khoan cách xa đất Việt nửa vòng trái đất thật cảm động. Vào thời khắc giao thừa nơi đất mẹ thì ở đất nước xa xôi Algeria, do lệch múi giờ mới chỉ 6 giờ chiều. Mặt trời như quả cầu đỏ rực trên vùng trời Địa Trung Hải như muốn nghiêng xuống trò chuyện với các anh trên giàn khoan. “Tết này con không về” là lời nhắn thiết tha của các anh gửi về cha mẹ, anh em. Những giờ khắc ấy, hai chữ “sum vầy” vang lên mới nặng nghĩa nặng tình, sâu lắng xiết bao!
Được cái mươi năm trở lại đây, Internet, sóng điện thoại đã gần như phủ khắp làng quê, chân trời góc bể, cho nên người thân gặp người thân qua “sóng trời” dễ dàng hơn. Nỗi nhớ niềm thương, vì thế, cũng vợi đi đôi phần.
Chúng tôi muốn nói đến sự sum vầy ở một góc độ khác. Đó là sự quan tâm của chính quyền các cấp, của các đoàn thể, tổ chức xã hội, lo cho mọi người, mọi nhà đều có tết. Đã thành nét đẹp trong nhiều năm qua, cứ mỗi dịp giáp tết, người lao động lại được tổ chức công đoàn tặng quà, tặng vé tàu xe, chắp cánh cho những cuộc đoàn viên trên khắp mọi miền Tổ quốc. Để rồi sau tết, những người con xa quê lại lên đường, mang theo hơi ấm quê hương, mang theo ngọn gió trong lành của quê hương đi khắp chân trời góc biển. Nét đẹp văn hóa truyền thống trở thành sức mạnh tinh thần quý giá không chỉ của riêng mỗi người mà là của cả cộng đồng.
Tết sum vầy, chúng ta nhớ đến hơn 3.000 trẻ em ở Làng trẻ SOS - Hà Nội, đang được những người mẹ đặc biệt tự nguyện chăm sóc, nuôi dưỡng. Nhớ đến Trường Hy Vọng (Đà Nẵng) do Công ty FPT đỡ đầu đang nuôi dạy hơn 300 em học sinh và sẽ tiếp tục tiếp nhận các em theo kế hoạch nuôi dưỡng 1.000 em mồ côi do đại dịch Covid-19. Và còn bao “mái ấm”, còn nhiều những tấm lòng nhân ái đang lặng lẽ, âm thầm nuôi mầm thiện, nuôi lớn ước mơ của các em chịu nhiều thua thiệt, bất hạnh. Ước mơ của các em sẽ nở những bông hoa đẹp trên cây thiện. Bạn ơi hãy cùng ươm mầm thiện và đừng ngắt hoa.
Vậy đó, sum vầy, không dừng lại ở cái nghĩa sum họp, đoàn tụ, mà được xem là sự gắn kết, chia sẻ yêu thương như bầu bí chung giàn, như chim có tổ. Và như thế gió lành cuối chạp, mưa ấm tháng giêng hóa miền ký ức thân thương trong suốt cuộc đời mỗi người. Nay ta bước vào thời kinh tế số, xã hội số. Người máy đã dần thay thế nhiều công việc của con người. Nhưng có nhiều điều không gì có thể thay thế được. Và cái tết sum vầy sẽ còn mãi, còn mãi với muôn sau, đậm đà bản sắc Việt Nam.