Mấy năm nay ngành văn hóa, các địa phương đã tăng cường công tác quản lý lễ hội. Việc tổ chức đã có nhiều tiến bộ. Người đi hội, đi lễ chùa đầu năm đã bớt bị “hành”, nhưng sự nhộn nhạo, bắt chẹt khách thập phương, nạn lừa đảo, chặt chém, trộm cắp thì vẫn còn tái diễn.
Đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mở cửa, hội nhập quốc tế, việc phục hồi, tổ chức tốt các lễ hội truyền thống nhằm góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa của đất nước và con người Việt Nam. Theo thống kê mới nhất, mỗi năm cả nước ta có hơn 8.000 lễ hội. Cùng với các lễ hội truyền thống còn có các lễ hội mới gắn với các sự kiện lịch sử hiện đại, cách mạng; gắn với quảng bá du lịch.
Cùng với những yếu tố tích cực như lễ hội là dịp ôn lại lịch sử, truyền thống dân tộc, mở rộng vòng tay kết nối cộng đồng, khơi dậy ý thức tôn tạo các công trình văn hóa, giáo dục các thế hệ trẻ tình yêu các môn nghệ thuật cổ truyền, đã và đang có nhiều mặt tiêu cực, hạn chế, cần sớm khắc phục.
Ngay trong những ngày đầu năm mới Giáp Thìn 2024, chúng tôi có dịp đến một số lễ hội, tham quan, vãn cảnh chùa chiền thấy còn nhiều điều tái diễn đáng chê trách. Ở một số nơi đền chùa được cho là “rất thiêng”, được người đi lễ tìm đến mong gột rửa tâm can, bụi trần dương gian, thậm chí là sám hối. Vậy nhưng có bao cảnh lộn xộn, chật cứng ô tô, xe máy, không ai nhường ai. Cảnh giành giật, kéo khách diễn ra chả khác chợ trời. Vàng mã nghi ngút cháy. Khói hương mịt mù. Tiền lẻ rải tràn khắp nơi, chảy từ đầu từ vai các pho tượng thâm nghiêm đến ngón tay, bệ đá.
Đây đó là cảnh ăn mày, ăn xin nhếch nhác. Những người tàn tật, những đứa trẻ mặt mũi lem luốc dặt dẹo từ cửa đền vào đến cửa chính. Năm nay mấy ngày đầu khai hội, chùa Hương tưởng “vỡ trận”, rồi đến Tam Chúc, Ba Vàng, đền Trần, đền Bà Chúa Kho...
Cổng đền Trần ngang nhiên đặt các quầy đổi tiền lẻ, mệnh giá từ 1.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, đến 50.000 đồng. Tiền còn nguyên seri trong mỗi cọc, chỉ có điều người đổi tiền phải chấp nhận giá cắt cổ, chịu mất đến 25%. Còn đến đền Bà Chúa Kho (phường Vũ Ninh, Bắc Ninh) thì liên tục nhận được lời mời khấn thuê, lễ mướn. Các cô môi đỏ, áo quần lòe loẹt, tay đeo chi chít vòng vàng, vòng bạc, cầm cái đĩa sứ trên có hai đồng tiền cổ để xin âm dương, liên tục mời khách khấn thuê. Nào là xin Phật phù hộ độ trì buôn may bán đắt, lên chức lên lương. Nào là cầu duyên, cầu lộc. Giá khấn thuê thì tùy yêu cầu của người “cầu” mà đặt lễ, có thể 100.000 đồng cho đến hàng triệu đồng.
Nhiều năm nay, ở Khu danh thắng Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) có cảnh bày bán dược liệu, hàng hóa trôi nổi. Dãy hàng dài cả trăm mét với những mẹt hàng đủ các loại thuốc nam thuốc bắc chữa các bệnh hiếm gặp, bệnh nan y. Những rễ cây, hạt chuối hột bỗng hóa thành “thần dược” và không ít du khách đã bị mắc lừa.
Ngay tại thủ đô Hà Nội cũng còn nhiều cảnh nhếch nhác. Một số đình, chùa vẫn có dịch vụ rút thẻ công khai, như chùa Hàm Long (trong quần thể Di tích đền Đức Thánh Cả), chùa Trăm Gian (Chương Mỹ), chùa Phúc Khánh (Đống Đa). Trên đường vào cụm di tích Bia Bà (phường La Khê, quận Hà Đông), đập vào mắt khách thập phương là ba hàng trưng biển dịch vụ xem tử vi, xem tay, xem tướng. Từ nay đến Rằm tháng Giêng sẽ là thời điểm đẹp để các chùa thiêng như Phúc Khánh, chùa Hà dâng sao giải hạn. Liệu tình trạng hàng nghìn người chen chúc từ trong nhà đến sân chùa, ra đường phố có còn tái diễn?
Phật Thích Ca Mâu Ni dạy rằng: Tất cả giáo lý nhà Phật chỉ có một “vị” là giải thoát. Phật không cho ai, ai xin Phật cũng không có gì cho cả. Vì vậy cầu xin là không phù hợp với giáo lý nhà Phật. Giải thoát tức là trạng thái đời sống tinh thần con người vượt ra khỏi mọi sự ràng buộc của thế giới nhục dục. Giải thoát để “diệt” hết mọi dục vọng, hay dập tắt ngọn lửa dục vọng và đạt tới cảnh trí Niết bàn với cái tâm tuyệt đối thanh tịnh.
Vì lẽ đó ngôi đền thiêng nhất của chúng ta chính là ngôi đền dựng trong lòng người. Ai đó trong lòng không từ bi thì có quỳ dưới chân Thần Phật trong tiếng mõ, tiếng chuông, trong oản, chuối, hương, đèn thì vẫn không chế ngự được cái xấu, cái ác.
Những ngày đầu xuân, viết những dòng này, chúng tôi chỉ mong sao mỗi du khách, mỗi Phật tử khi đi lễ hội, khi đến với đền chùa linh thiêng hãy hướng vào cái tâm của mình. Người xưa nói “tu tâm” là vì thế. Chớ đừng đua chen lễ hội để chen chúc, để buồn bực, tả tơi lúc về.