Trong báo cáo thị trường bất động sản quý III mới công bố, Bộ Xây dựng dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 31/8/2023 dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản đạt 986.477 tỷ đồng.
Trước đó, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản tính đến cuối năm 2022 đạt khoảng 800.000 tỷ đồng. Như vậy, trong 8 tháng đầu năm 2023, các ngân hàng đã bơm thêm gần 186.500 tỷ đồng cho hoạt động kinh doanh bất động sản.
Cũng theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế trong 8 tháng đầu năm chỉ đạt 5,57%, tương đương quy mô tăng thêm là gần 663.900 tỷ đồng.
Như vậy, hơn 28% tổng quy mô tín dụng tăng thêm trong 8 tháng đầu năm được đóng góp bởi lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Hay nói đơn giản, cứ 100 đồng tín dụng tăng thêm trong 8 tháng đầu năm thì có 28 đồng chảy vào hoạt động kinh doanh bất động sản.
Tín dụng cho vay bất động sản tăng, tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài
Khảo sát báo cáo tài chính quý III/2023 của nhiều ngân hàng cho thấy, tín dụng cho vay kinh doanh bất động sản (cho vay doanh nghiệp, chủ đầu tư) tăng rất mạnh trong khi cho vay cá nhân tăng rất chậm, thậm chí giảm.
Cụ thể, tại VPBank, tín dụng kinh doanh bất động sản tính tới cuối tháng 9/2023 tăng 45% lên 98.192 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,83% tổng dư nợ cho vay của ngân hàng. Trong khi đó, cho vay cá nhân mua nhà ở, nhận quyền sử dụng đất mua nhà ở chỉ tăng 6,6%, tỷ trọng giảm so với trước.
Tại Techcombank, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản tính tới cuối tháng 9/2023 tăng 47,2%, chiếm tỷ trọng 34,63% tổng dư nợ tín dụng (tăng so với tỷ trọng 26,4% cùng kỳ năm ngoái). Không thống kê riêng cho vay cá nhân mua nhà, song thống kê cho thấy, dư nợ cho vay cá nhân tại Techcombank giảm tới 9,2%. Đồng thời, tỷ trọng cho vay cá nhân tại 30/9/2023 cũng chỉ còn hơn 42%, giảm mạnh từ mức 53% cùng kỳ năm ngoái.
Tại MSB, dư nợ cho vay kinh doanh bất động sản cũng tăng 20% trong khi cho vay cá nhân chỉ tăng 5,8%.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/10/2023, tổng số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam (bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài) đạt gần 25,76 tỷ USD, tăng 14,7% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, ngành kinh doanh bất động sản tiếp tục đứng vị trí thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,14 tỷ USD, chiếm hơn 8,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm gần 45% so với cùng kỳ năm trước. Bất động sản đánh mất vị trí thứ 2 trong trong bảng xếp hạng các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6. Tuy nhiên, kể từ tháng 7 đến nay, ngành này đã giành lại được ngôi vị á quân.
Số lượng bất động sản rao bán giảm 50%
Theo ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, số lượng bất động sản rao bán tại TPHCM và Hà Nội trong 9 tháng đầu năm 2023 giảm khoảng 50% so với cùng kỳ.
Một số nhà đầu tư lo ngại, Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả của “bong bóng” bất động sản, điều này sẽ cản trở tăng trưởng kinh tế của đất nước trong vài năm tới.
“Tình hình thị trường bất động sản Việt Nam hoàn toàn khác so với Trung Quốc, nơi có lượng cung nhà trống quá lớn. Thị trường bất động sản Việt Nam về cơ bản vẫn đang ở mức bình ổn, dù phải hứng chịu những khó khăn ngắn hạn”, ông Michael Kokalari khẳng định.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, khó có sự trỗi dậy của thị trường bất động sản năm 2023. Tín hiệu hồi phục có thể xuất hiện từ giữa năm 2024 khi các chính sách của Chính phủ, những gói cho vay bất động sản tác động mạnh đến thị trường. Đáng chú ý, năm 2024, ngân hàng có thể khai thông nguồn vốn mạnh mẽ hơn. Thị trường trái phiếu có cơ hội khôi phục năm 2024.