Chuẩn dầu Brent vượt 80 USD/thùng khi nguồn cung thắt chặt
Dầu thô Brent đã tăng lên trên 80 USD/thùng lần đầu tiên kể từ đầu tháng 5, một dấu hiệu cho thấy nguồn cung đang dần thắt chặt và nhu cầu ngày càng tăng. Giá dầu tăng bất chấp dữ liệu cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ tăng gần 6 triệu thùng vào tuần trước với các thương nhân tập trung vào nhu cầu nội địa tăng cao trong mùa lái xe mùa hè.
Đợt tăng giá dầu mới nhất diễn ra sau khi Ả Rập Xê-út, trong tháng thứ hai liên tiếp, gia hạn cắt giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày tự nguyện thêm một tháng nữa, lần này là đến tháng 8. Việc cắt giảm sẽ đưa sản lượng của nước này xuống ngưỡng 9 triệu thùng/ngày, mức thấp nhất trong vài năm qua.
Vương quốc này đã "đơn thương độc mã" hy sinh sản lượng bán ra để cứu giá dầu yếu, nhưng cho đến nay đã gặt hái được rất ít phần thưởng, nhờ nguồn cung tăng lên của các nhà khai thác ngoài OPEC bao gồm cả Mỹ.
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) đã báo cáo rằng sản lượng dầu thô của Mỹ đang trên đà lập kỷ lục trong năm nay, tăng 9% so với cùng kỳ cho đến tháng Tư. EIA đã dự báo tổng sản lượng của Mỹ sẽ đạt 12,61 triệu thùng/ngày trong năm hiện tại, cao hơn kỷ lục trước đó là 12,32 triệu thùng/ngày được thiết lập vào năm 2019 và dễ dàng vượt qua mức 11,89 triệu thùng/ngày của năm ngoái.
Mặc dù OPEC và các đồng minh đã thông báo cắt giảm khoảng 6% sản lượng của năm 2022, nhưng Rystad Energy ước tính sản lượng ở các quốc gia bên ngoài OPEC chiếm khoảng 2/3 lượng cắt giảm đó, làm thất bại nỗ lực của OPEC.
Các công ty dầu mỏ cố gắng tối ưu lợi nhuận
Mặc dù ủng hộ quá trình chuyển đổi xanh thông qua thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và sử dụng các công nghệ khử carbon, nhưng phần lớn các ông lớn năng lượng không có kế hoạch loại bỏ dầu khí trong thời gian sớm.
Ngày càng có nhiều công ty khai thác dầu khí mở rộng danh mục đầu tư của họ bao gồm các hoạt động năng lượng tái tạo, năng lượng gió và mặt trời đến hydro xanh. Nhưng điều này không có nghĩa là họ từ bỏ các nguồn năng lượng đã mang lại cho họ sự thịnh vượng.
Các công ty năng lượng trên toàn cầu đang tăng tốc thực hiện các kế hoạch dầu khí để đảm bảo họ tiếp tục thu được lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch trong khi nhu cầu toàn cầu vẫn cao. Thay vì chuyển sang các giải pháp thay thế, họ đang thúc đẩy cả hoạt động kinh doanh nhiên liệu hóa thạch và thay thế xanh, đồng thời đầu tư mạnh vào các công nghệ khử carbon để đối phó với áp lực từ chính phủ và các tổ chức quốc tế.
Dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho thấy nhu cầu dầu mỏ sẽ giảm khoảng 75% vào năm 2050, từ mức của năm 2020. Do đó, giá dầu dự kiến sẽ giảm xuống khoảng 35 USD một thùng vào năm 2030 và 25 USD một thùng vào năm 2050. Nhưng thay vì dự đoán này ngăn cản các công ty dầu mỏ lớn đầu tư vào các hoạt động mới, nó dường như đang thúc đẩy họ tiếp tục.
Các công ty dầu khí trên khắp thế giới không muốn bỏ lỡ bất kỳ khoản thu nhập nào từ dầu khí tiềm năng, đặc biệt là trong khi nhu cầu toàn cầu tiếp tục duy trì ở mức cao. Điều này đã khiến một số công ty dầu mỏ phải tăng tốc khai thác để đảm bảo sản lượng của họ ở mức cao trước khi nhu cầu suy giảm.
Các nhà giao dịch không thể phớt lờ trước thực trạng thiếu hụt nguồn cung
Khi Ả Rập Xê-út tuyên bố tại cuộc họp tháng 6 của OPEC về việc sẽ giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng mỗi ngày, các nha về cơ bản đã phớt lờ điều đó.
Sau đó, trong bối cảnh Ả Rập Xê-út tuyên bố sẽ gia hạn đợt cắt giảm cho đến tháng 8, còn Nga tuyên bố sẽ cắt giảm xuất khẩu dầu nửa triệu thùng mỗi ngày, các nhà giao dịch cũng không mấy quan tâm.
Giới phân tích đã cảnh báo về một cuộc khủng hoảng nguồn cung đang diễn ra, nhưng một lần nữa, những người tham gia thị trường phần lớn đã phớt lờ cảnh báo này. Ở thời điểm hiện tại, những lời cảnh báo đang gây chú ý hơn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), vốn không phải là tổ chức quan tâm nhiều đến nhu cầu dầu mỏ, đã cho biết vào đầu tuần này rằng mặc dù sự phục hồi không đồng đều từ Trung Quốc, nhưng nhu cầu dầu thô trên phạm vi toàn cầu vẫn đủ phục hồi để khiến cho nguồn cung thắt chặt hơn trong nửa cuối năm nay.
Hãng Reuters dẫn lời người đứng đầu IEA, Fatih Birol nói: "Ngay cả trong tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp, nhu cầu của Trung Quốc và các nước đang phát triển khác vẫn rất cao. Cùng với việc cắt giảm sản lượng đến từ các nước khai thác lớn, chúng tôi vẫn tin rằng chúng ta có thể thấy sự thắt chặt trên thị trường trong nửa cuối năm nay".
IEA đã dự báo nguồn cung sẽ thắt chặt trong nửa cuối năm nay. OPEC cũng có suy nghĩ tương tự. Và ngày hôm qua, Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cũng dự đoán như vậy.