Chuyên gia phân tích cấp cao Jim Burkhard thuộc Công ty nghiên cứu thị trường S&P Global Commodity Insights (Mỹ), cho biết “thị trường hoạt động theo nhiều cách khác nhau so với trước khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra”.
Phần lớn các nước châu Âu đã ngừng nhập khẩu dầu của Nga và thay thế bằng dầu thô từ các mỏ xa hơn, chủ yếu là ở Trung Đông và Hoa Kỳ. Trong khi đó, Nga đã chuyển hướng thị trường sang châu Á.
Các nước thuộc khu vực châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ có thể tiếp cận nguồn năng lượng giá rẻ từ Nga, trong khi những nước khác từ chối mua dầu thô của Nga phải trả thêm phí để nhập khẩu từ các nhà cung cấp khác.
Ông Jim Burkhard cho biết: “Thị trường toàn cầu với sự cạnh tranh đã không còn tồn tại, thay vào đó là tình trạng phân vùng thị trường”.
Ông còn nói: “Giữa Nga, Venezuela và Iran, gần 20% nguồn cung dầu mỏ toàn cầu bị cắt khỏi nhiều thị trường, trong đó có Mỹ và châu Âu”, “và giờ đây, dầu mỏ được định giá theo xuất xứ chứ không theo chất lượng”.
Tại Hội nghị Năng lượng CERAWeek ở Houston (Texas), ông Torbjorn Tornqvist, Giám đốc điều hành và nhà đồng sáng lập của Gunvor, cho biết phải vận chuyển dầu xa hơn mới đến được tay người dùng. Vì vậy, cùng một số lượng tàu nhưng cung đường xa hơn sẽ làm tăng chi phí vận chuyển vốn đã ở mức rất cao.
Ông Jose Fernandez, Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, cho biết: “Thị trường đã thay đổi và sẽ không quay trở lại”.
Ông Eirik Wearness, nhà kinh tế trưởng của Công ty dầu khí Equinor (Na Uy), cho biết: “Châu Âu không tin năng lượng của Nga sẽ trụ vững lâu dài”.
Tại CERAWeek, Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Quốc gia Kuwait (KPC), ông Bader Al-Attar cho biết, các tập đoàn nhà nước khai thác tài nguyên dầu mỏ của Kuwait đã mở các cửa hàng dầu hỏa mới ở châu Âu.
Ông Torbjorn Tornqvist cũng cho biết: “Hiện châu Âu đang mua dầu diesel từ Trung Đông, Ấn Độ và Trung Quốc”.
Thị trường “căng thẳng”
Việc gián đoạn thị trường liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) trở thành trung tâm của vấn đề.
Ông Jim Burkhard nhấn mạnh: “OPEC vẫn rất quan trọng, vì họ có thừa khả năng, chủ yếu ở Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất”.
Mặt khác, năm 2016, khi giá dầu đặc biệt xuống thấp, OPEC đã liên kết với 10 quốc gia sản xuất dầu không thuộc OPEC để hình thành nên OPEC+. Từ đó hình thành trục chính của thị trường trước chiến tranh.
Diễn biến thị trường dầu mỏ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine đã củng cố vai trò của Mỹ trên thị trường dầu mỏ thế giới.
Tuần trước, quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới này đã lập kỷ lục mới về xuất khẩu dầu thô với 5,6 triệu thùng/ngày, gần gấp đôi mức trung bình trong năm 2021. Tuy nhiên, sản lượng dầu thô của Mỹ vẫn thấp hơn đáng kể so với mức ghi nhận trước đại dịch COVID-19.
Ông Eirik Waerness cho biết: “Khối lượng vẫn tiếp tục tăng, nhưng còn có thể còn tăng nhiều hơn nữa”. Trích dẫn mong muốn của ông đối với ngành công nghiệp dầu đá phiến đang suy giảm của Mỹ, do tình trạng suy giảm sản lượng ở các giếng dầu và thiếu nhân sự.
Để trợ giá, vào đầu tháng 10 năm ngoái, OPEC đã quyết định cắt giảm sản lượng dầu còn 2 triệu thùng/ngày.
Kết quả là thị trường “căng thẳng”, ông Eirik Waerness mô tả. “Công suất dư thừa, dù là dầu mỏ hay khí đốt, đều rất thấp”. “Và chúng tôi không biết Nga sẽ duy trì sản xuất 11 hay 12 triệu thùng dầu mỗi ngày trong bao lâu”, ông nói.
Sau chiến sự ở Ukraine, tất cả tập đoàn dầu mỏ nước ngoài đã rút khỏi Nga, “liệu Nga có giải pháp thay thế không?” Nhà kinh tế Eirik Waerness đặt câu hỏi.
Thêm vào đó, ngành dầu mỏ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt đầu tư chưa từng thấy, vốn đang ngày càng gia tăng do quá trình chuyển đổi năng lượng, đồng thời dẫn đến tình trạng nguồn cung bị thu hẹp.
Ông Jim Burkhard cảnh báo sau chiến sự Nga - Ukraine, thị trường Ukraine sẽ bị phân mảnh và căng thẳng. Mặc dù thị trường vẫn có những chu kỳ biến động giá cả lên xuống, “nhưng giá dầu sẽ rơi vào khoảng 70 USD hoặc 80 USD/thùng, cao hơn những gì chúng ta đã thấy trong 20 hay 30 năm qua”, ông nói.