Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển nhanh đến mức nhiều bên tham gia vào quá trình phát triển của nó hiện đang phải tích cực kêu gọi ban hành quy định chung đối với lĩnh vực này. Mặc dù AI mang lại nhiều lợi ích nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Không chỉ các nhà phân tích mà ngay cả các chính trị gia cũng đã lên tiếng thẳng thắn về các mối đe dọa do AI gây ra. Về mặt lý thuyết, các bên liên quan chỉ cần họp mặt và thiết lập các quy tắc chung nhằm điều tiết lĩnh vực này. Nhưng trên thực tế, mọi chuyện không đơn giản như vậy. Nguyên nhân chính là do là tất cả những người chơi chủ chốt của phương Tây đều muốn giành chiến thắng trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo.
Thời gian gần đây, các mối đe dọa từ trí tuệ nhân tạo thường là tâm điểm chú ý của các nhà phân tích và truyền thông. Nhiều người hoài nghi cho rằng AI có thể được sử dụng để tạo ra vũ khí sinh học hoặc vũ khí điều khiển từ xa. Ngoài ra, nếu bất kỳ mô hình AI nào bị đánh cắp hoặc công khai thì sẽ không thể ngăn chặn được làn sóng công nghệ này lan rộng trên toàn thế giới. Nhiều người thậm chí còn cho rằng trí tuệ nhân tạo có thể vượt khỏi tầm kiểm soát và biến con người thành nô lệ của chúng.
Tất cả những lời cảnh báo này không hẳn đều vô căn cứ, nhưng đây cũng chỉ là một giả định trong tương lai. Tuy nhiên, có một lĩnh vực mà mối đe dọa từ AI đã trở thành hiện thực. Đó là việc AI góp phần vào các chiến dịch truyền bá thông tin sai lệch trên diện rộng.
Những tin tức giả trên mạng xã hội đã phổ biến trước khi AI được sử dụng rộng rãi. Một trong những nhân vật chính trong quá trình này là cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Hiện ông vẫn tiếp làm như vậy. Tháng 5/2023, chính trị gia này đã đăng tải một đoạn video giả mạo từ một đoạn clip của CNN, trong đó người dẫn chương trình cho rằng Tổng thống Joe Biden "có thể vẫn sẽ tiếp tục nói dối, nói dối và nói dối".
Vấn đề là AI đã thúc đẩy thông tin sai lệch ngày càng lan rộng, khiến quá trình tạo ra những tin tức giả như vậy trở nên ngày càng đơn giản hơn nhiều. Giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể ngay lập tức trở thành nhà sáng tạo nội dung chính trị nhờ các công cụ trí tuệ nhân tạo tổng hợp mới như DALL-E, Reface hoặc FaceMagic.
Người dân nước Mỹ thực sự lo ngại về những công nghệ này vì có liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2024. Cựu Giám đốc điều hành Google Eric Schmidt đã cảnh báo rằng trong chiến dịch tranh cử, "không thể tin vào bất cứ điều gì mà chúng ta thấy hay nghe".
Các quan chức của EU, Mỹ và các nền kinh tế lớn khác trên thế giới đang tích cực đưa ra các đề xuất để điều tiết sự phát triển của AI. Tháng 4 vừa qua đã diễn ra một cuộc họp giữa các bộ phận công nghệ của G7 nhằm đề xuất các ý tưởng chung về quy định phát triển AI.
Bên cạnh đó, các quốc gia này cũng bộc lộ những mâu thuẫn ngày càng gia tăng, do mỗi bên đều đề cao mô hình giải pháp của riêng mình. Brussels mong muốn rằng luật của EU về AI, dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 12, sẽ làm nền tảng cho các biện pháp chung của phương Tây. EU khẳng định các hạn chế nghiêm ngặt đối với việc sử dụng AI cần được các quốc gia trên thế giới áp dụng.
Tuy nhiên, Mỹ và Nhật Bản đề xuất cách tiếp cận linh hoạt hơn. Họ đề nghị các công ty cho phép các quan sát viên bên ngoài kiểm tra hệ thống trí tuệ nhân tạo của họ để phát hiện các hình thức vi phạm.
Ngoài ra, Vương quốc Anh cũng khẳng định vai trò đặc biệt trong việc phát triển các cơ chế quản lý và lên kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh AI của riêng mình vào tháng 11 tại London. Thủ tướng Anh Rishi Sunak coi sự kiện này là cơ hội để nâng cao vai trò của nước này với tư cách là một người chơi toàn cầu.
Dù thế nào đi nữa, cơ hội để các nước phương Tây đạt được sự đồng thuận về trí tuệ nhân tạo vào mùa thu này cũng rất thấp. Những mâu thuẫn quá lớn và mỗi bên đều sẵn sàng ưu tiên đấu tranh cho dự án của mình. Trong trường hợp khả quan nhất, các quốc gia sẽ đạt được một thỏa thuận không rõ ràng, không có các bước hoặc cơ chế rõ ràng nào và chỉ dừng lại ở những khái niệm chung chung.