Trong bối cảnh các nền kinh tế của EU đang bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc xung đột Nga - Ukraine, EC tuyên bố sẽ không đưa ra mức trần giá khí đốt tự nhiên theo yêu cầu của một số quốc gia thành viên.
Trước đó, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí giao nhiệm vụ cho EC đề xuất một mức giá trần tạm thời để giảm chi phí cho người tiêu dùng. Cộng hòa Séc là quốc gia tiên phong đề xuất vấn đề này và tới nay đã có khoảng 15 quốc gia thành viên ủng hộ và thúc giục EU để đưa ra một khung tạm thời về giới hạn giá năng lượng.
Về phần mình, EC nhận định việc đưa ra mức trần giá khí đốt sẽ làm ảnh hưởng đến các hợp đồng dài hạn hoặc an ninh nguồn cung hiện nay của các quốc gia, do đó cơ quan này không thể đưa ra mức giá trần theo đề xuất của các nước. Vấn đề này đang gây chia rẽ ở các nước EU kể từ hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Praha hồi đầu tháng 10.
Trong bối cảnh các quốc gia châu Âu phải xoay sở với khủng hoảng năng lượng và lạm phát cao kỷ lục, sự bất đồng giữa các quốc gia trong khối đang khiến nguy cơ suy thoái kinh tế của khối trong mùa đông này trở nên hiện hữu.
Được biết, một cơ chế điều chỉnh thị trường có thể sẽ được thực hiện, song động thái này có thể không đủ mạnh để hạn chế ngay mức tăng đột biến giá năng lượng ở nhiều quốc gia. Cũng có ý kiến cho rằng ý tưởng về cơ chế điều chỉnh thị trường có thể dẫn tới những rủi ro an ninh năng lượng và sự ổn định kinh tế của nhiều nước.
Các Bộ trưởng Năng lượng EU sẽ thảo luận về vấn đề này vào ngày 24/11, trong khi nội dung này cũng sẽ là một trong những trọng tâm tại Hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ diễn ra vào 15 - 16/12 tới.