Do những sự cố thường xuyên diễn ra tại chuỗi nhà máy đốt than già cỗi của công ty điện lực nhà nước Eskom, nền kinh tế phát triển nhất lục địa châu Phi phải đối mặt với tình trạng cắt điện hàng ngày. Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cho biết, nước này cần đến 4.000 - 6.000 MW công suất để bù đắp thâm hụt sản xuất điện.
Trải qua 6 năm gián đoạn, vào năm 2021, Nam Phi đã tổ chức một vòng gọi thầu cho những dự án năng lượng mặt trời và gió, thu hút hồ sơ của hơn 100 công ty và tập đoàn.
Một quan chức chính phủ tham gia trực tiếp vào chương trình năng lượng tái tạo cho biết: “Chúng tôi đã vui mừng biết bao khi biểu thuế cho chương trình năng lượng tái tạo thứ năm được công bố. Lẽ ra, đây sẽ là chương trình năng lượng tái tạo rẻ nhất từ trước đến nay, nếu tất cả dự án đều được thỏa mãn yêu cầu tài chính".
Nhưng giờ đây, theo ông, chính phủ dự kiến chỉ có một nửa công suất mới sẽ đi vào hoạt động, trong tổng số 2.583 MW công suất được đưa ra đấu thầu.
Trong 6 doanh nghiệp trúng thầu, liên doanh năng lượng Ikamva Consortium (Nam Phi) giành được đến 12 trong số 25 dự án được gọi thầu, nhờ bỏ giá thầu cực thấp.
Theo nguồn tin từ hai quan chức chính phủ cấp cao nói với Reuters, số dự án trên đã thất bại.
Cả hai nguồn tin đều yêu cầu được ẩn danh, vì họ không được phép bình luận công khai về vấn đề này.
Bộ Năng lượng Nam Phi, cơ quan chịu trách nhiệm giám sát chương trình năng lượng tái tạo, đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Liên doanh Ikamva có sự góp mặt của Mainstream - công ty con của Aker Horizon, công ty Africa Rainbow Energy & Power của tỷ phú Nam Phi Patrice Motsepe, công ty địa phương H1 Holdings, và Globeleq - nằm dưới sự sở hữu của nhiều tổ chức tài chính của Vương quốc Anh và Na Uy.
Hai nguồn tin cho biết, sau khi trúng thầu, Ikamva chưa ký tham gia thỏa thuận pháp lý cho 6 dự án điện gió. Còn 6 dự án năng lượng mặt trời thì không đạt được thỏa thuận tài chính trước thời hạn 30/6.
Khi trả lời phỏng vấn với Reuters, Ikamva cho biết: Những yếu tố như lãi suất tăng cao, đội giá chi phí năng lượng và hàng hóa khác, cũng như tiến độ sản xuất thiết bị chậm hơn sau thời kỳ đại dịch COVID 19… đã gây ảnh hưởng đến tính toán của họ. Như vậy, những vấn đề trên đã làm "chi phí xây dựng tăng quá mức”.
Nhiều công ty khác cũng ghi nhận những trở ngại tương tự, khiến việc huy động vốn trở nên phức tạp. Cho đến nay, chỉ có 9 trong tổng số 25 dự án đã thỏa mãn được yêu cầu tài chính.
Một vài dự án khác, trong đó có 3 dự án thuộc về Engie của Pháp và một dự án thuộc về Mulilo của Nam Phi, có hạn chót huy động tài chính là ngày 30/9.
Engie và Mulilo đã không trả lời yêu cầu bình luận. Nguồn tin từ vị quan chức chính phủ thứ hai cho biết, ông mong họ có đủ số tiền cần thiết để bắt đầu xây dựng.
Ikamva nói với Reuters rằng những dự án của họ đã "sẵn sàng đi vào xây dựng" và họ đang đàm phán với chính phủ để tìm ra "một hướng đi chung".
Khi giới đầu tư tư nhân chuyển sang ủng hộ những dự án nhằm thúc đẩy sản xuất điện, tình trạng khan hiếm năng lực truyền tải điện đã xuất hiện, gây cản trở nỗ lực chấm dứt khủng hoảng năng lượng của Nam Phi.
Liên doanh Nam Phi đã không trả lời câu hỏi về mong đợi của họ đối với công suất truyền tải điện được phân bổ cho những dự án của họ.