Gian lận thi cử ở Hòa Bình, Sơn La: 'Cho thí sinh được nâng điểm tiếp tục theo học là đi ngược quy chế'
Nhiều người cho rằng, việc các trường đại học "nhân văn" để cho các thí sinh có tên trong danh sách “gian lận” điểm thi tiếp tục theo học vì điểm thực đủ trúng tuyển vào trường thì vô tình đi ngược lại đạo đức, trái với quy chế thi cử đã đề ra.
Các trường ĐH trái quan điểm
Liên quan đến bê bối gian lận thi cử xảy ra tại Hòa Bình, Sơn La đang được dư luận quan tâm. Bên cạnh những bức xúc về danh tính thí sinh được nâng điểm toàn con, cháu cán bộ thì một vấn đề gây tranh cãi nữa đó là việc một số trường đại học đến nay vẫn "nhân văn" để cho thí sinh có tên trong danh sách gian lận thi cử theo học vì lý do điểm thực đủ chuẩn để trúng tuyển.
Tiêu biểu như trường hợp thí sinh ở Sơn La được nâng đến 11 điểm nhưng vẫn được ĐH Luật Hà Nội cho tiếp tục theo học. Tương tự tại ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Sư phạm Hà Nội… cũng có những trường hợp tương tự.
Trả lời báo chí lãnh đạo trường ĐH Luật cho rằng, những sinh viên lọt vào trường nhưng điểm chấm thẩm định thấp hơn chuẩn đầu vào thì trường sẽ kiên quyết xử lý loại bỏ. Còn những thí sinh mà điểm sau thẩm định vẫn đủ chuẩn thì trước mắt vẫn phải công nhận trúng tuyển cho các em. Bởi không có căn cứ gì để buộc thôi học đối với sinh viên khi chưa xác định được do thí sinh hay do phụ huynh chạy điểm, gian lận hoặc thí sinh có biết đến việc chạy điểm này hay không?
Trái với các trường trên, vừa qua Bộ Công an đã thực hiện trả 53 thí sinh có trong danh sách sửa, nâng điểm thi gồm cả ở Sơn La và Hòa Bình về địa phương.
Trao đổi với báo chí, Thiếu tướng Bùi Minh Giám - Cục trưởng Cục Đào tạo Bộ Công an cho biết, nguyên tắc xử lý của Bộ Công an là tất cả học viên có điểm thi gian lận đều bị thu hồi kết quả trúng tuyển, bất kể điểm thực của thí sinh có đạt điểm chuẩn vào ngành mà thí sinh đang theo học hay không.
Lý do là ngành Công an là ngành bảo vệ pháp luật, vì thế yêu cầu với học viên của các trường Công an không phải chỉ là kiến thức, trình độ mà còn là sự trung thực, phải có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh đấu tranh với cái sai, cái xấu.
Được biết, khi nhập học, các trường của Bộ Công an đã yêu cầu tất cả thí sinh trúng tuyển phải viết giấy cam đoan điểm trúng tuyển là điểm thực tế bài thi của các em, nếu cơ quan chức năng phát hiện đó là điểm thi gian lận thì các em phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Nhân văn hay tạo tiền lệ vi phạm quy chế thi
Nhiều ý kiến cho rằng, đã là gian lận có nghĩa là vi phạm quy chế thi cử, do đó phải đuổi học và điểm thi không được công nhận.
Bày tỏ với PV chị Nguyễn Kim Lý (một phụ huynh ở Hà Nội) cho rằng: Trong thi cử đã gian lận là phải xử nghiêm, hủy kết quả. "Ngày trước thời chúng tôi đi thi đại học, chỉ cần bị phát hiện mang tài liệu vào phòng là đã bị đuổi thẳng cổ rồi, không có việc gian lận rồi vẫn được học đâu. Nếu gian lận mà vẫn chấm lại đủ vẫn cho học còn thừa bỏ đi thì được lợi quá", chị Lý bày tỏ.
Trong khi đó, anh Quang Vinh một độc giả khác cũng cho rằng: “Hủy bỏ kết quả thi năm trước và cho phép được thi lại trong năm nay đối với những thí sinh gian lận đã là nhân văn rồi. Họ có thể không tự mình chạy điểm, không tự mình gian lận nhưng họ là những người chấp nhận sự gian lận nên không thể nói họ không có lỗi. Nếu là thời xưa các thí sinh này chắc chắn sẽ bị cấm thi cả đời".
Trao đổi với nguyên ĐBQH Bùi Thị An cho hay: "Những thí sinh ngay thẳng, trung thực mà bị cướp mất cơ hội mới là những người cần được nhận sự nhân văn. Còn những thí sinh được nâng điểm các em đã đủ 18 tuổi và thừa biết lực học của mình vì thế nói các em không liên quan đến việc gian lận là khó tin".
Chia sẻ với PV, TS. Nguyễn Văn Khải nói rằng: "Để những thí sinh liên quan đến gian lận thi cử được nâng điểm, sửa điểm theo học là đi ngược lại đạo đức, ngược lại quy chế thi".
"Quy chế thi ở nước ta và cả nước ngoài cấm tuyệt đối việc gian lận. Thí sinh có bài gian lận phải bị hủy kết quả trả về địa phương. Tôi hoan nghênh việc làm của các trường Công an và thấy rằng các trường khác nên học theo", ông Khải nhấn mạnh.
Trả lời báo chí về việc xử lý thí sinh được "nâng điểm", Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Tất cả các hành vi gian lận trong kỳ thi THPT quốc gia nói riêng và bất cứ kỳ thi nào khác đều sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Hiện nay, các trường đại học thuộc khối Công an đã huỷ kết quả trúng tuyển, trả về địa phương đối với các thí sinh được nâng điểm. Các trường khối dân sự cũng huỷ kết quả trúng tuyển đối với các thí sinh có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm chuẩn.
Riêng 12 thí sinh có điểm chấm thẩm định không thấp hơn điểm trúng tuyển thì trước mắt, trong quá trình điều tra, các trường đang cho tiếp tục theo học.
Tuy nhiên, khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật. Quan điểm của Bộ Giáo dục là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử.
Không thể chấp nhận cán bộ, giáo viên liên quan đến gian lận thi cử
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, thi cử phải nghiêm túc, kết quả thi phải đảm bảo trung thực, khách quan.
Tôi rất đau lòng và không thể chấp nhận những cán bộ, viên chức ngành giáo dục bị kết luận là có hành vi gian lận điểm thi cho thí sinh. Hành vi này vi phạm đạo đức nhà giáo, thậm chí còn vi phạm nghiêm trọng pháp luật. Bộ Giáo dục và Đào tạo không chấp nhận những cán bộ, viên chức với nhân cách như thế được tiếp tục đứng trong hàng ngũ của ngành.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương xem xét xử lý nghiêm những cán bộ, công chức, viên chức trong ngành giáo dục có hành vi gian lận điểm thi cho con em mình. Tinh thần là cương quyết đưa ra khỏi ngành Giáo dục những cán bộ này.
"Bộ đang tích cực phối hợp với Bộ Công an nhanh chóng xác định đối tượng vị phạm để xử lý nghiêm minh, công bằng, chính xác, không bao che và công khai, minh bạch" - Bộ trưởng Nhạ cho hay.
Hà Nội: Bí ẩn hang ngầm dưới đình cổ giáp hồ TâyĐình Quán La ở Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) có một cửa hang dẫn xuống một hầm ngầm rộng lớn bí ẩn với nhiều giai thoại như là nơi để mộ của người Hán, hầm luyện Đan Sa, hầm chứa của cải.... |
Thừa Thiên Huế tổ chức thi tuyển thiết kế cầu vượt sông HươngSau 2 cuộc thi tuyển thiết kế cầu vượt sông Hương, phương án được trao giải đều không được chọn để làm phương án xây cầu. Năm nay, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục tổ chức cuộc thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc công trình cầu vượt sông Hương trên đường Nguyễn Hoàng. |
25 thí sinh ở Sơn La bị trường công an trả về là những ai?Trong số 25 thí sinh tỉnh Sơn La vừa bị các trường công an trả về địa phương, có 12 trường hợp là chiến sĩ nghĩa vụ và 13 trường hợp là học sinh phổ thông. Trong đó, có thí sinh được nâng 'khủng' tới 26,55 điểm. |