Nhiều vấn đề bất thường trong vụ gửi con đi chữa bệnh nhận hũ tro cốt
Theo Thạc sĩ Tâm lý Trần Cao Quanh - Giám đốc chuyên môn Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hoà nhập Minh Anh, việc gia đình anh N. gửi con lên Lâm Đồng cho ông Q. để điều trị bệnh chậm phát triển nhưng chỉ sau 25 ngày đau đớn nhận lại hũ tro cốt được cho là của con trai mình có nhiều bất thường về mặt chuyên môn.
Vì sao gia đình sập bẫy bác sĩ "rởm"?
Liên quan đến vụ việc gửi con đi chữa bệnh nhận hũ tro cốt, trao đổi với báo chí, Thạc sĩ Tâm lý Trần Cao Quanh - Giám đốc chuyên môn Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hoà nhập Minh Anh (một đơn vị chuyên tư vấn, can thiệp sớm cho trẻ chậm phát triển ở Thừa Thiên - Huế) cho biết: “Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng tôi có nắm được thông tin việc gia đình anh N.H.N (SN 1977, trú TP Huế) gửi con lên Lâm Đồng cho một người tên L.M.Q để điều trị bệnh chậm phát triển nhưng chỉ sau 25 ngày đau đớn nhận lại hũ tro cốt được cho là của con trai mình.
Tôi nhận thấy có nhiều vấn đề bất thường về mặt chuyên môn khi bắt bệnh cũng như can thiệp sớm cho cháu bé của ông L.M.Q - người tự xưng là có khả năng điều trị cho trẻ chậm phát triển”.
Theo Thạc sĩ Trần Cao Quanh, chậm phát triển là một tình trạng rối loạn bẩm sinh; nguyên nhân gây ra chậm phát triển chưa rõ ràng, bao gồm nhiều nhóm yếu tố có nguy cơ gây ra chậm phát triển như yếu tố môi trường, di truyền và các yếu tố tâm lí thần kinh.
Thạc sĩ Trần Cao Quanh phân tích, những trẻ có bị chậm phát triển hiện nay phải được can thiệp trị liệu thông qua phương pháp giáo dục được kiểm chứng. Tùy vào khả năng, năng lực của trẻ và mức độ khó khăn trẻ gặp phải kết hợp với phương pháp can thiệp phù hợp. Đồng thời, với sự nỗ lực can thiệp từ gia đình thì trẻ sẽ có sự phục hồi, phát triển ở các lĩnh vực ở những mức độ khác nhau.
Các phương pháp can thiệp, chương trình can thiệp đều chú trọng phát huy vai trò can thiệp, trị liệu cho trẻ của cha mẹ tại gia đình. Cha mẹ là một đội ngũ can thiệp hiệu quả cho con của mình.
Tuy nhiên, theo chia sẻ của gia đình anh N.H.N thì trong quá trình điều trị chậm phát triển cho cháu N.L.M.Q. đi chữa bệnh thì ông L.M.Q lại sử dụng cách tách trẻ hoàn toàn ra khỏi gia đình, không cho cha mẹ gặp trẻ trong lúc can thiệp, trị liệu; cha mẹ không được đến thăm con và cũng không cho cha mẹ đến nơi tìm hiểu nơi con mình sẽ được can thiệp, điều trị thế này là một cách can thiệp “phi giáo dục” và “phản khoa học”. Đặc biệt, trong trường hợp này trẻ mới khoảng 3 tuổi, một độ tuổi cần sự yêu thương, đùm bọc của gia đình.
Liên quan đến vụ việc gửi con đi chữa bệnh nhận hũ tro cốt, ngày 13/9, Sở LĐ-TB&XH Lâm Đồng cho biết, tại TP.Bảo Lộc chỉ có 3 cơ sở ở xã Lộc Thanh, xã Đam B’ri và phường Lộc Phát được cấp phép nuôi dạy trẻ khuyết tật, chậm phát triển; còn trên địa bàn phường Lộc Tiến không có cơ sở nào được cấp phép.
Nhiều người dân trong xóm thông tin, ông Q. bị tật 2 chân, đi khập khiễng. Những người trong gia đình này thường rời nhà từ sáng sớm, đến tối mới về; không thân thiết, nói chuyện với ai.
Đầu tháng 3/2022, ông N. giao con cho ông Q. cùng với số tiền ứng trước là 600 triệu đồng để ông này chữa bệnh cho con mình; thế nhưng, ngày 27/3 gia đình nhận hung tin cháu N.L.M.Q chết vì mắc COVID-19, thi thể bị hỏa táng bằng than củi.
Uẩn khúc cần làm rõ
Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, Trạm Y tế phường Lộc Tiến không ghi nhận trường hợp nào có tên N.L.M.Q bị mắc COVID -19 và cũng không có người nào chết do COVID-19.
Ngay ngày hôm sau, ông N. đã gửi đơn cho Cơ quan CSĐT Công an TP.Huế xin tố giác tội phạm đối với ông L.M.Q về việc gây ra cái chết cho bé Q. rồi tự ý đốt xác. Công an TP.Huế đã chuyển đơn này cho Công an Lâm Đồng theo thẩm quyền.
“Đến ngày 9/4, do đang lo mai táng cho con và sợ ông bà nội biết chuyện sẽ bị sốc, đột quỵ; sợ thông tin bị đưa lên mạng xã hội hoặc ra tòa sẽ ảnh hưởng đến vợ và con gái, nên tôi đã viết đơn xin rút đơn tố giác tội phạm. Tôi cũng đã 2 lần xin hoãn làm việc với Công an Lâm Đồng vì lo xây mộ, hương khói và do sức khỏe chưa ổn định sau biến cố quá lớn này”, ông N. trình bày.
Sau đó, bình tâm suy nghĩ lại, thấy có nhiều dấu hiệu nghi vấn rằng con mình bị xâm hại nên đến ngày 3/8, ông N. đã làm đơn gửi Công an Lâm Đồng xin rút lại đơn không tố giác tội phạm.
“Ông Q. phải đi lại bằng 2 nạng. Vậy ai là người giúp ông ta đưa thi thể của con tôi lên xuống xe, ai giúp ông Q. thiêu thi thể của cháu? Liệu bình tro cốt đó có phải là xương cốt của con trai tôi không?”, ông N. trăn trở.
Theo lãnh đạo Công an Lâm Đồng, quá trình làm việc với ông Q.và bà T. thì 2 người này khai lúc thì nói đốt xác cháu bé ở Đắk Lắk, lúc thì nói ở huyện Đam Rông (Lâm Đồng). Tuy nhiên, khi cơ quan điều tra yêu cầu đưa đến các địa điểm trên để kiểm tra, xác minh, ông Q. đưa ra giấy tờ với lý do bị ốm, sức khỏe yếu chưa đi được.
Công an Lâm Đồng đang chờ kết quả giám định ADN; đồng thời làm việc với các bên để làm rõ, xử lý vụ cháu bé bị thiêu không rõ ràng gây xôn xao dư luận này.