Thứ tư, 18/07/2018, 03:22 AM
  • Click để copy

'Tham nhũng giáo dục' tại Hà Giang đã khiến xã hội đánh mất niềm tin vào giáo dục?

Theo chuyên gia giáo dục TS. Nguyễn Tùng Lâm, vụ sửa điểm thi ở Hà Giang đã gây ra nhiều hệ lụy xấu và đặc biệt là làm mất niềm tin của thế hệ học trò trẻ vào những người cầm cân nảy mực.

chuyen-gia-giao-duc-chi-ra-mat-mat-lon-nhat-trong-vu-sua-diem-thi-o-ha-giang
TS. Nguyễn Tùng Lâm: "Mất mát lớn nhất trong vụ sửa điểm thi ở Hà Giang là niềm tin của thế hệ trẻ, của các em học trò". 

Tham nhũng giáo dục, đánh mất lòng tin thế hệ trẻ

Liên quan đến câu chuyện ông Vũ Trọng Lương, Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Giang) trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh trong vụ việc điểm thi bất thường trong kì thi THPT quốc gia 2018 ở Hà Giang, nhiều chuyên gia công tác trong ngành giáo dục đã lên tiếng bày tỏ quan điểm riêng của mình.

Hầu hết đều cảm thấy bất ngờ và thất vọng với việc làm của vị Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng thuộc Sở GD&ĐT Hà Giang, đồng thời cũng đưa ra những ý kiến phân tích, bày tỏ mong muốn sự việc sẽ được xử lý đến cùng, nghiêm minh.

TS. Nguyễn Tùng Lâm (Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội) cho rằng: “Đây là việc làm hết sức tồi tệ gây nhiều hệ lụy xấu, đánh mất niềm tin của xã hội vào nền giáo dục nước nhà”.

Theo đánh giá của vị chuyên gia giáo dục, đây là sự cố “gian lận” có tính lịch sử của ngành giáo dục từ trước đến nay. Đặc biệt, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội chỉ ra mất mát lớn nhất mà sự việc này mang lại đó là đánh mất niềm tin của thế hệ trẻ, của những học trò vào người cầm cân nảy mực, vào công lý xã hội.

“Xưa nay, gian lận trong thi cử thường là xuất phát từ thí sinh như các em mang phao, coi cóp chẳng hạn… Thế nhưng đằng này gian lận lại xuất phát từ cấp quản lý, người ở trên các em, người cầm cân nảy mực. Liệu rằng, sau sự cố này niềm tin của học trò vào những người quản lý giáo dục có còn như trước không? Việc làm trên cũng là thói nuôi dưỡng cho những cái xấu khi những thí sinh không cần cố gắng học tập vẫn đương nhiên có điểm cao, còn những thí sinh có năng lực thì thiệt thòi…”, TS. Nguyễn Tùng Lâm nói.

Theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, việc làm của Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Hà Giang có thể gọi là “tham nhũng giáo dục” bởi người gây ra hành vi là có quyền hạn nhất định.

chuyen-gia-giao-duc-chi-ra-mat-mat-lon-nhat-trong-vu-sua-diem-thi-o-ha-giang
Những con số tiêu cực trong vụ sửa điểm thi ở Hà Giang - (Ảnh: Vietnamnet).

“Chắc chắn không phải thí sinh nào cũng được vị này sửa điểm. Động cơ, mục đích, việc làm ra sao là điều cơ quan chức năng phải làm rõ”, TS. Lâm nói.

Vị chuyên gia giáo dục này cũng đề nghị Bộ GD&ĐT, Công an cần phải làm nghiêm, xử lý đến nơi đến chốn trường hợp ở Hà Giang để làm gương cho những kẻ có ý định gian lận phải lùi bước. “Làm sao cho họ nhìn vào tấm gương đó mà sợ không dám gian lận”, ông Lâm đề nghị.

Cần mở rộng thanh tra tất cả các địa phương

Bên cạnh câu chuyện được mất trong vụ việc sửa điểm thi ở Hà Giang, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, sự cố trên cho thấy vẫn còn lỗ hổng trong thi cử mà theo ông Bộ GD&ĐT cần khắc phục ngay.

“Việc chấm điểm trắc nghiệm là nhằm hạn chế, không có gian lận thế nhưng người ta vẫn sửa được điểm thế này thì chứng tỏ có quá nhiều lỗ hổng. Vì vậy, Bộ cần xem xét rà soát toàn bộ quy trình và khắc phục ngay để không tái diễn trong những kỳ thi tiếp. Tôi ví dụ như nên hoán đổi bài thi, không để bài thi ở các địa phương. Làm sao cho họ có muốn thay đổi, gian lận cũng không làm được”, TS. Nguyễn Tùng Lâm bày tỏ quan điểm.

TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng đánh giá cao sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ GD&ĐT, tỉnh Hà Giang. Tuy nhiên, ông cho rằng, Bộ cần vào cuộc mở rộng thanh tra ở các địa phương khác vì Hà Giang có thể sửa điểm thì nơi khác cũng có thể. Ngoài ra, cần làm rõ xem những năm trước có xảy ra sự cố tương tự nhưng chưa bị phanh phui không?

Trong khi đó, PGS.TS.Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết, ông không bất ngờ vì sự việc này. “Vì cách thi và tổ chức thi như vậy nên tôi không thấy bất ngờ. Tôi lo ngại cứ thi cử kiểu này thì sang năm lại có chuyện tương tự”,  PGS.Phạm Tất Dong nêu quan điểm.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị nên bỏ kỳ thi chung như bây giờ, thay vào đó là xét tốt nghiệp và giao cho các trường ĐH tổ chức thi, chỉ có như vậy mới không làm khổ học sinh.

Trả lời báo chí, TS. Nguyễn Thị Thu Huyền, ĐH Sư phạm TPHCM đã phải thốt lên là quá kinh khủng. Không phải 1-2 bài mà sửa hàng trăm bài thi. Từ sự việc này, theo bà Huyền, để công bằng, cần thanh tra các địa phương khác.

Bà Huyền nói: "Bắt đầu vào năm học mới chậm một chút không sao, các trường ĐH có thể chờ. Nhưng nếu nhắm mắt cho qua sự dối trá, bất công thì đồng nghĩa với việc hủy hoại xã hội, đất nước".

Một cá nhân có thể gây tiêu cực?

Cùng quan điểm với các chuyên gia giáo dục khi cho rằng mất mát lớn nhất trong sự cố sửa điểm thi ở Hà Giang là niềm tin của các em học sinh, khiến tinh thần các em bị tổn hại nặng nề, nguyên ĐBQH Bùi Thị An đặt câu hỏi rằng một người có thể thực hiện được việc sửa điểm, gian lận thi ở Hà Giang hay không?

"Chúng tôi rất hi vọng rằng, số người mắc sai phạm ở vụ việc này là số ít, nếu chỉ là một người thì quá tốt, nhưng điều này khó có thể xảy ra. Bởi lẽ cả quá trình chấm thi không chỉ có một người tham gia. Bởi để tổ chức cụm thi quốc gia tại một địa phương cần rất nhiều người, ở từng khâu đã được phân công rõ ràng bao gồm những ai, vị trí nào..", bà An nhận định.

Từ nhận định trên, bà An đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xác minh, chỉ rõ để thông tin được minh bạch trước dư luận rằng ai đã tham gia, ai đã vi phạm, vi phạm ở mức nào và cần được xử lý theo pháp luật như thế nào.

 

Người can thiệp điểm thi ở Hà Giang có thể bị khởi tố, đối mặt 20 năm tù

Theo nhận định của luật sư người can thiệp, sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm thi trái quy định trong vụ việc ở Hà Giang có thể bị xử lý hình sự về tội "Giả mạo trong công tác" với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

 

Bộ GD&ĐT yêu cầu hủy kết quả hơn 330 bài thi có điểm sai ở Hà Giang

Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu hủy kết quả hơn 330 bài thi có kết quả sai lệch đã được Sở GD&ĐT Hà Giang công bố điểm ngày 11/7, lấy kết quả chấm thẩm định để xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học cho các thí sinh.

 

Từ vụ gian dối điểm thi tại Hà Giang: Giải pháp nào cho kỳ thi THPT quốc gia?

Theo TS Lê Thống Nhất sau gian dối điểm thi tại Hà Giang chứng tỏ dù quy trình chặt nhưng yếu tố con người vẫn "chui qua" mọi sự kiểm soát, phần mềm và cao nhất là quy chế.