"Cuộc chiến" ngăn chặn thuốc, thực phẩm chức năng giả: Đã tới lúc phải dùng các giải pháp công nghệ cao

Thứ ba, 23/08/2022, 19:23 PM

Với lợi nhuận "kếch sù" từ thuốc và thực phẩm chức năng (TPCN) giả, tội phạm đã không ngần ngại đầu tư sử dụng công nghệ cao. Nếu các nhà quản lý và doanh nghiệp (DN) không áp dụng các giải pháp công nghệ cao hơn thì cuộc chiến với vấn nạn này khó giành được kết quả mong muốn để bảo vệ người tiêu dùng và các DN làm ăn chân chính.

Nhiều hệ lụy

Trong những tháng đầu năm 2022, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện nhiều vụ gian lận thương mại trong lĩnh vực dược phẩm, TPCN. Trong đó có 162 vụ vi phạm xâm phạm bản quyền; 982 vụ hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; 357 vụ giả mạo về chỉ dẫn địa lý, nhãn biệu và 60 vụ giả về chất lượng…

Tại hội thảo "Thuốc và thực phẩm chức năng giả: Hiện trạng và giải pháp" do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Công nghệ chống hàng giả Việt Nam tổ chức sáng 23/8 tại Hà Nội, bà Lê Thị Thu Thủy - Phó Viện trưởng Viện Phát triển Doanh nghiệp (VCCI) khẳng định: Tình trạng hàng giả, hàng nhái không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp (DN), ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người tiêu dùng (NTD) mà còn phá vỡ môi trường kinh doanh cũng như uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Đáng lưu ý, những đối tượng kinh doanh, sản xuất hàng giả cũng ứng dụng một loạt công nghệ cao nên các sản phẩm giả, nhái được sản xuất với số lượng lớn và ngày càng khó phân biệt hơn, đánh lừa người tiêu dùng và làm khó cơ quan chức năng.

 Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, lợi nhuận rất lớn của ngành dược là một trong những nguyên nhân khiến loại tội phạm làm giả thuốc và TPCN ngày càng gia tăng.

 Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, lợi nhuận rất lớn của ngành dược là một trong những nguyên nhân khiến loại tội phạm làm giả thuốc và TPCN ngày càng gia tăng.

Lý giải nguyên nhân của vấn nạn này, ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, lợi nhuận rất lớn của ngành dược là một trong những nguyên nhân khiến loại tội phạm làm giả trong các sản phẩm thuốc, TPCN ngày càng gia tăng và chưa có hồi kết.

Điểm qua hàng loạt các vụ án trong ngành y tế trong thời gian vừa qua, điển hình là vụ án của Việt Á và VN Pharmar. Tổng giá trị của những vụ gian lận này lên đến con số hàng nghìn tỷ đồng.

Mặc dù lực lượng quản lý thị trường được phân bổ rộng rãi trên khắp cả nước nhưng vẫn không đủ "đối đầu" các đối tượng gian lận với số lượng đông đảo, ngày càng tinh vi và đến từ các ngành nghề khác nhau.

"Riêng ngành dược, trong đó có thuốc và TPCN là các sản phẩm mang tính chất đặc thù. Bằng phương pháp thông thường, chúng tôi không thể dễ dàng để phát hiện thật giả một cách chính xác. Việc kiểm nghiệm thành phần, chất lượng thuốc... là phương pháp được lựa chọn tối ưu để xác định độ thật giả của một sản phẩm. Tuy nhiên, chúng ta cần 1 khoản kinh phí lớn và thời gian dài để đánh giá, điều tra. Đây cũng là rào cản lớn trong việc phát hiện và xử lý kịp thời vấn nạn thuốc và TPCN giả trên thị trường", ông Nguyễn Đức Lê chia sẻ.

Công nghệ làm giả tinh vi

Ông Phạm Văn Thọ - Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ chống hàng giả Việt Nam (Bộ Khoa học & Công nghệ) cho rằng, vấn đề thuốc giả và TPCN giả đã tồn tại rất lâu trong đời sống xã hội, gây ra không biết bao nhiêu hệ lụy và đang diễn ra với quy mô ngày càng lớn và công nghệ ngày càng tinh xảo hơn. Tuy vậy, các giải pháp để chống lại vấn nạn này đến nay vẫn chưa có hiệu quả cao nhằm giúp các DN sản xuất, kinh doanh thuốc và TPCN nắm sâu hơn nữa các biện pháp quản lý, bảo vệ sản phẩm chính hãng của mình và giúp NTD mua được thuốc và TPCN thật.

Đại diện cho các DN dược, bà Nguyễn Diệu Hà - Tổng thư ký, Chánh văn phòng Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam thông tin, trong 5 năm qua, số lượng thuốc giả, xâm nhập vào hệ thống cung ứng thuốc và đến tay bệnh nhân đang ngày càng gia tăng. Thời gian vừa qua, các vụ án liên quan đến thuốc giả được phát hiện đã đẩy lên một cao trào với làn sóng dư luận và thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Thuốc giả được sản xuất khá tinh vi, chỉ có thể phát hiện những điểm khác nhau khi so sánh vỏ hộp, tờ hướng dẫn sử dụng, thuốc thật và giả khi để cạnh nhau, tuy nhiên điều này người tiêu dùng rất khó để phân biệt.

"Để bảo vệ lợi ích khách hàng và uy tín của doanh nghiệp dược, nhiều công nghệ chống hàng giả đang được các công ty dược phẩm áp dụng. Tuy nhiên, hiệu quả mang lại không đạt được như mong đợi. Thật trái ngang khi công nghệ làm giả đã làm giả cả tem chống giả và còn đẹp hơn cả tem chống giả thật", bà Nguyễn Diệu Hà phản ánh.

Cần giải pháp công nghệ cao

Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp Dược Việt Nam cho rằng, cùng với việc công nghệ thông tin ngày càng phát triển, cần nghiên cứu và phát triển công nghệ chống giả tiên tiến, hiện đại để giải quyết vấn đề chống hàng giả.

Song song với đó, các DN dược cũng nên chủ động tiếp cận, ứng dụng các công nghệ chống giả phù hợp, có khả năng chống giả để bảo vệ uy tín thương hiệu của mình, cũng như bảo vệ sức khỏe cộng đồng là trách nhiệm và sứ mệnh của người thầy thuốc.

PGS. TS Lê Văn Truyền - Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế khuyến nghị, các nhà sản xuất chân chính cần đầu tư các giải pháp khoa học - công nghệ nhằm giúp người tiêu dùng và nhà quản lý nhận diện thương hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bảo vệ hình ảnh sản xuất và sản phẩm, chống giả mạo.

Trong bối cảnh CMCN 4.0, giới tội phạm đã sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, các nhà quản lý và sản xuất cũng cần sử dụng các công nghệ tiên tiến khác nhau để tự bảo vệ sản phẩm của mình.

 Thuốc và TPCN giả được sản xuất khá tinh vi khiến người tiêu dùng khó phân biệt với hàng thật.

 Thuốc và TPCN giả được sản xuất khá tinh vi khiến người tiêu dùng khó phân biệt với hàng thật.

Theo đó, cần áp dụng các công nghệ tiên tiến như công nghệ chuỗi khối truyền tải dữ liệu an toàn trên hệ thống mã hóa, internet vạn vật, nhận dạng qua tần số vô tuyến, xử lý ảnh kỹ thuật số.

Đặc biệt cần áp dụng công nghệ nhận dạng đối tượng bằng sóng vô tuyến (RFID - Radio Frequency Identification) để theo dõi sản phẩm từ khâu sản xuất và quá trình phân phối đến tận NTD.

"Khi giới tội phạm, với lợi nhuận "kếch sù" của các hoạt động buôn lậu và hàng giả không ngần ngại đầu tư sử dụng công nghệ cao trong sản xuất và buôn bán hàng giả, nếu các nhà quản lý và DN chân chính không sử dụng các giải pháp công nghệ cao hơn thì cuộc chiến chống hàng giả khó giành được kết quả mong muốn để bảo vệ NTD", nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.

Chia sẻ kinh nghiệm chống hàng giả, bà Trần Hoàng Kim Anh - đại diện Công ty TNHH Tập đoàn Y – Dược Sâm Ngọc Linh Việt Nam cho biết, sâm Ngọc Linh bị nhiều đối tượng làm giả hết sức tinh vi nhằm trục lợi bất chính. Có đến 90% sâm giả trên thị trường, từ đó dẫn đến hệ lụy rất lớn là khách hàng quay lưng lại với sâm Ngọc Linh.

Đối với các chuyên gia thì việc phân biệt sâm thật và giả là điều đơn giản, nhưng đối với người tiêu dùng thì hoàn toàn không thể phân biệt. Nhiều người nhầm tam thất là sâm.

"Để thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, DN đã tiến hành gắn chip truy xuất cho toàn bộ hệ thống. Mỗi cây sâm được gắn chip ghi lại toàn bộ quá trình chăm sóc từ vườn ươm, cho đến khu trồng. Đây là bước đột phá về công nghệ chống giả nhằm lấy lại uy tín cho sản phẩm", bà Trần Hoàng Kim Anh nói.