Thứ tư, 03/10/2018, 10:15 AM
  • Click để copy

Đề xuất chửi mắng học sinh bị phạt 20 triệu: ‘Nhiệm vụ bất khả thi, phản giáo dục’

Trước việc thầy cô chửi mắng học sinh có thể bị phạt đến 20 triệu đồng theo như Dự thảo của Bộ GD&ĐT, nhiều chuyên gia đánh giá đây là “nhiệm vụ bất khả thi”, phản giáo dục.

de-xuat-chui-mang-hoc-sinh-bi-phat-20-trieu-nhiem-vu-bat-kha-thi-phan-giao-duc
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: "Thầy cô chửi mắng học sinh như thế nào thì bị coi là xúc phạm và bị phạt tiền, tôi thấy không khả thi".

Trò hư cũng chẳng dám chê?

Dự thảo Nghị định Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục vừa được Bộ GD&ĐT công bố đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

Đáng chú ý nhất là việc dự thảo đề xuất xử phạt đến 20 triệu đồng cho hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học hay nói theo cách khác là thầy cô giáo chửi mắng học sinh có thể bị xử phạt đến 20 triệu đồng.

Trước thông tin trên, nhiều giáo viên và các chuyên gia giáo dục đã bày tỏ băn khoăn, thắc mắc và cho rằng đây là “nhiệm vụ bất khả thi”, phản giáo dục.

Nhiều giáo viên cho rằng, việc thầy cô giáo chửi mắng học trò của mình là chuyện hết sức bình thường bởi có yêu, có quý thầy cô mới mắng chửi. Và mục đích không gì khác là mong muốn học trò của mình được tốt hơn.

“Nếu các em ngang bướng mà mắng chửi cũng bị phạt tiền thì phải làm thế nào? Thầy chẳng nhẽ không được mắng trò? Trò hư thầy vẫn phải lễ phép”, thầy giáo Nguyễn Đức Thắng (ở Bắc Ninh) băn khoăn.

Tương tự, cô Lê Thị Hương (giáo viên một trường THPT tại Hà Nội) chia sẻ: Ông bà ta có câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Học trò là đối tượng được giáo viên dạy dỗ, sẽ có người ngoan, người hư. Nếu trò hư cô thầy phải la mắng, bảo ban.

“Nếu tôi mắng học trò, phạt đứng vào góc bảng nhưng phụ huynh kiện lên trên, nói cô giáo này xúc phạm con tôi, làm nhục con tôi thì giáo viên làm sao còn đường mà dạy dỗ. Chưa kể học trò cấp 2, cấp 3 là thời điểm cá tính các em mạnh mẽ, không phải ai cũng ngoan ngoãn để nghe lời”, cô Hương nói.

Cùng thắc mắc, một số giáo viên khác thì cho rằng dự thảo này có thể làm khoảng cách thầy cô với học sinh thêm xa cách nhau. Thầy cô phải khách sáo với học trò, không dám nói thẳng, nói thật.

de-xuat-chui-mang-hoc-sinh-bi-phat-20-trieu-nhiem-vu-bat-kha-thi-phan-giao-duc
Dự thảo của Bộ GD&ĐT gây nhiều tranh cãi - (Ảnh minh họa).

“Xúc phạm thân thể thì còn có khả năng để lại vết tích để xác định. Còn việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự thì dựa vào cái gì để xác định? Tôi thường hay nói thẳng với học trò. Đối với học sinh nghịch ngợm, tôi thường la mắng với mục đích mong em tốt hơn. Chẳng lẽ những lời nói đó của tôi sẽ bị phạt. Như vậy, tôi phải giữ khoảng cách với học trò lắm. Không dám khen cũng chẳng dám chê”, một giáo viên bày tỏ.

Chửi mắng như thế nào thì phạt?

Chia sẻ với PV, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đánh giá, Dự thảo của Bộ GD&ĐT còn rất nhiều điều bất hợp lý. Đặc biệt là quy định xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học hay nói cách khác là thầy cô chửi mắng học sinh có thể bị phạt đến 20 triệu đồng.

Ông Nhĩ đánh giá đây là “nhiệm vụ bất khả thi”. Theo PGS.TS Trần Xuân Nhĩ , việc thầy cô mắng chửi học trò là điều không nên song việc mắng chửi là rất khó tránh khỏi bởi học trò thì rất tinh nghịch và việc mắng chửi các em cũng là hình thức dạy dỗ.

“Ông bà ta từng bảo yêu cho vọt… không phải cứ chửi là ghét là xúc phạm. Bởi thầy cô cũng là con người, cũng có lúc nóng tính, có muốn trò tốt thầy cô mới la mắng. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp thì việc chửi mắng cũng cần phải có chừng mực.

“Như vụ giáo viên tiếng Anh chửi học viên là đồ óc lợn vừa qua chẳng hạn, bị phạt thì chẳng sai. Nhưng nếu học sinh nghịch ngợm, học dốt thầy cô có bảo tối dạ, học ngu như bò hay hơn thế nữa … thì xử phạt có đúng không?”, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ nêu quan điểm, đồng thời cho rằng chưa có một định lượng nào quy định rằng mắng chửi thế nào thì bị coi là xúc phạm nên rất khó có cơ sở áp dụng dự thảo trên.

Ngoài ra, quy định phạt tiền từ 8 triệu đến 10 triệu đồng đối với hành vi ép buộc học sinh học thêm ông Nhĩ cho rằng cần phải minh bạch rạch ròi trường hợp thế nào thì bị phạt, trường hợp nào không chứ không thể đánh đồng.

“Nếu học sinh học dốt quá thì thầy cô bắt buộc phải dạy thêm. Hoặc giả học sinh có tiềm năng thì nên dạy thêm để bồi dưỡng cho các em phát triển, hoặc học thêm kỹ năng sống… đó là điều rất đáng khuyến khích. Tuy nhiên, nếu thầy cô mà ở lớp dạy thì nhác, để kiến thức phục vụ dạy thêm thì cần xử lý mạnh tay chứ không chỉ phạt tiền”, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT kết luận.

Bên cạnh đó, PGS.TS Trần Xuân Nhĩ cho rằng, việc quy tất cả lỗi ra tiền không phải là phương pháp tốt nhất, đặc biệt là trong môi trường giáo dục.

Nêu quan điểm về dự thảo, GS Phạm Minh Hạc - Nguyên Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, việc xúc phạm học sinh , thầy cô giáo thì nên có hình phạt: “ Bây giờ chúng ta có nhiều hình phạt và thước đo bằng tiền là một trong thước đo bên cạnh thước đo về đạo đức. Cho nên quy định hình phạt là hợp lý, nhưng mức phạt cũng cần phải hợp lý theo”.

“Nếu xác định được mức phạt thì trong văn bản phải quy định được mức độ và hình thức sai phạm. Hình phạt nào thì đi theo hình thức vi phạm đó. Ngoài ra, ai phạt và tiền thu về đâu? Những cái đó phải tính có đầu, có đuôi, chứ không phải nói một câu là áp dụng phạt ngay được", ông Hạc bày tỏ.

 

Giáo viên xúc phạm, đánh học sinh bị đình chỉ, phạt tiền: Phụ huynh, học sinh nói gì?

Dự thảo quy định về người có hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự học sinh có thể bị phạt 10 - 30 triệu đồng và phải xin lỗi công khai nhận được sự quan tâm đặc biệt của các phụ huynh.

 

Giáo viên chửi học sinh có thể bị phạt 20 triệu đồng, ép học thêm phạt 10 triệu đồng

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục quy định phạt đến 20 triệu đồng nếu xúc phạm nhân phẩm học sinh, phạt tiền đến 10 triệu đồng nếu ép học sinh học thêm.