Thứ tư, 31/07/2019, 08:34 AM
  • Click để copy

Đề xuất thu phí ô tô vào nội đô: 'Chính quyền đẩy cái khó về phía người dân'

Theo luật sư Trương Anh Tú, việc thu phí ô tô vào nội đô sẽ dẫn đến tình trạng loạn phí , phí chồng phí, đẩy người dân vào thế khó trong việc di chuyển.

Đề xuất thu phí ô tô vào nôi đô của Hà Nội đang gặp nhiều ý kiến trái chiều.
Đề xuất thu phí ô tô vào nôi đô của Hà Nội đang gặp nhiều ý kiến trái chiều.

Đề xuất chống ùn tắc nhưng làm ngược lại?

Liên quan đến những thông tin Hà Nội đang đề xuất thu phí ô tô vào nội đô tính từ vành đai 3, đang gây xôn xao dư luận.

Xung quanh đề xuất này, nhiều chuyên gia, người dân đã đưa ra những phân tích, ý kiến không tán đồng. Nhiều người cho rằng việc Hà Nội muốn thu phí ô tô vào nội đô hay thu phí các phương tiện cơ giới vào nội đô là đang đẩy cái khó về phía nhân dân.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc Hà Nội đề xuất thu phí phương tiện vào nội đô để giảm ùn tắc hay việc di chuyển các cơ quan nhà nước, trường học ra ngoại thành... bấy lâu nay vẫn chưa thực hiện được nhưng hiện tại TP lại đang cho xây dựng rất nhiều chung cư, nhà cao tầng. Đây là việc làm trái ngược với mục đích giảm ùn tắc giao thông mà các cơ quan quản lý vẫn hô hào.

Theo chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy trong cuộc trao đổi với PV từng nói: "Việc Hà Nội đề xuất thu phí ô tô vào nội đô, thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô đồng nghĩa với việc cho rằng, nguyên nhân dẫn đến ùn tắc giao thông là do người dân. Tôi cho rằng, đây là quan điểm không đúng".

"Ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân, chủ yếu là tầm nhìn chiến lược phát triển đô thị của Hà Nội còn hạn chế, chúng ta chỉ lo những hoạt động khác mà quên đi quy hoạch giao thông đô thị. Những năm gần đây mới bắt đầu quy hoạch, nhưng làm quá chậm, công nghệ kém nên không đáp ứng đủ cho người dân.

Việc thu phí có phải là phục vụ nhân dân không? Tôi cho rằng, việc này đang thiếu cơ sở khoa học lẫn thực tiễn. Khi phương tiện công cộng chưa đảm bảo, chưa hấp dẫn thì người dân không có giải pháp thay thế để đi làm ngoài việc sử dụng phương tiện cá nhân. Họ bỏ tiền ra để mua phương tiện nhưng giờ lại tăng phí. Vậy, nếu thu thêm phí, cấm đoán thì người dân sử dụng phương tiện gì?

Việc thu phí không có tác động giảm ùn tắc giao thông, mà đánh vào đời sống của người lao động. Cách làm này không hợp lòng dân, không khoa học, không thực tế và không nhân văn”, ông Thủy chia sẻ.

Chung cư cao tầng mọc san sát trong nội thành Hà Nội.
Chung cư cao tầng mọc san sát trong nội thành Hà Nội.

Mới đây, trao đổi với PV, luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) nhìn nhận: "Việc thu phí dịch vụ là đánh thẳng vào túi tiền của người dân. Thế nhưng vấn đề ở chỗ tại sao người dân phải đóng phí trong khi họ đã đóng rất nhiều các loại thuế phí khác liên quan đến ô tô như: Thuế nhập khẩu ô tô, thuế giá trị gia tăng, thuế trước bạ, đăng kiểm, phí giao thông đường bộ, phí cầu đường…

Đề xuất này có khẳng định được kết quả sẽ không xảy ra tình trạng ùn tắc hay ngược lại người dân phải nộp “thuế chồng thuế”, “phí chồng phí” mà tắc nghẽn giao thông vẫn xảy ra hàng ngày và để lại thêm các hệ lụy mới?"

Luật sư Trương Anh Tú nói: Xuất phát từ những tranh cãi về mục đích của đề xuất thu phí mang lại liệu có tính thực tiễn và giải pháp ưu việt chống ùn tắc giao thông tại các thành phố lớn hiện nay?

Luật sư Tú cho rằng, với các nước đã có loại hình giao thông công cộng phát triển và đồng bộ, người dân có nhiều lựa chọn trong việc sử dụng dịch vụ nào là phù hợp và tốt nhất theo điều kiện hoàn cảnh của mình thì việc thu phí phương tiện sẽ khác.

"Họ có thể lựa chọn theo nhu cầu, sẵn sàng bỏ phí để sử dụng theo nhu cầu hoặc đương nhiên sử dung hệ thống giao thông công công đã đáp ứng các nhu cầu tối thiểu của người dân trong việc đi lại.

Điều này ngược lại với thực trạng giao thông ở Việt Nam, là một nước đang phát triển, giao thông công cộng là trách nhiệm của nhà nước gắn liền với quyền lợi của người dân, do đó trường hợp chưa xác định được nguyên nhân chính gây ùn tắc và có các giải pháp triệt để thì việc thu phí nói trên có thể nói là sự “cưỡng bức” đối với người dân, thể hiện sự bế tắc của cơ quan quản lý nhà nước và ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân".

Có trái hiến pháp?

Luật sư Trương Anh Tú cho hay: Theo quy định tại Điều 23 Hiến pháp năm 2013 nêu rõ: “Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước người về nước. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật qui định”.

Ngoài ra, những quy định về việc đi lại, cư trú của công dân Việt Nam và người nước ngoài ở Việt Nam cũng được quy định tại Bộ luật dân sự, Luật quốc tịch, luật đầu tư, luật cư trú và các văn bản pháp luật khác có liên quan và ngày càng được bổ sung sửa đối theo hướng cởi mở, tự do đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước và cộng đồng quốc tế.

Luật sư Trương Anh Tú. (Ảnh: NVCC).
Luật sư Trương Anh Tú. (Ảnh: NVCC).

Như vậy, có thể hiểu rằng việc tự do đi lại, tự do cư trú của mọi công dân Việt Nam ở bất cứ nơi nào trên lãnh thổ Việt Nam đều là hợp pháp và hợp hiến.

Do vậy, không thể có bất cứ quy định nào có thể hạn chế quyền tự do đi lại và cư trú của công dân trái với qui định của Hiến pháp. Đây là một trong những quyền nhân thân quan trọng được nhà nước bảo hộ, có quyền tự do đi lại đến nơi mình muốn mà không gặp cản trở từ phía người khác, loại trừ những khu vực bị nhà nước cấm như các khu quân sự, khu bảo vệ rừng phòng hộ hay những người có hành vi vi phạm pháp luật bị hạn chế đi lại theo Bản án, quyết định của Tòa án.

Về cơ sở pháp lý, có thể thấy rằng với đề án này loại phí được thu không nằm trong qui định tại Luật phí và lệ phí có hiệu lực từ ngày 1/1/2017. Do đó nếu áp dụng thu loại phí này dẫn đến tình trạng loạn phí , thu phí chồng phí bởi người dân thành phố đã phải nộp rất nhiều các loại phí khác nhau.

Do đó, nội dung của đề xuất đã đi ngược lại các quy định nói trên và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của người dân", luật sư Tú nêu ý kiến.

Ở một góc độ khác, khi hệ thống giao thông công cộng của Việt Nam đã được đầy đủ và đồng bộ thì việc thu phí xe ô tô vào nội đô sẽ đẩy người dân vào thế khó trong việc di chuyển. Cần thống nhất quan điểm rằng, nghĩa vụ “giải bài toán” là trách nhiệm chính thuộc thuộc về cơ quan quản lý nên không thể đẩy cái khó về phía dân, để người dân phải chịu trách nhiệm đối với mục tiêu giảm tải giao thong, nhưng không đạt được của nhà nước.

Hà Nội có đi trái lại mục tiêu chống ùn tắc giao thông khi cho xây dựng các công trình cao tầng tại khu vực nội đô?
Hà Nội có đi trái lại mục tiêu chống ùn tắc giao thông khi cho xây dựng các công trình cao tầng tại khu vực nội đô?

Do đó cần nhìn nhận thẳng thắn và trực diện vào những nguyên nhân chính gây ùn tắc đối với giao thong, để đưa ra các giải pháp phù hợp, hiệu quả nhưng không ảnh hường đến quyền tự do đi lại của người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế đến Việt Nam.

 

Không chỉ thu phí ô tô, Hà Nội còn tiếp tục lập đề án cấm xe máy vào nội đô?

Mới đây, Sở GTVT Hà Nội đã trình UBND TP chấp thuận nhiều đề án giao thông khác có tác động tới người dân. Trong đó, Sở GTVT được giao lập đề án phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy

 

Hà Nội thu phí vào nội đô: Quy hoạch băm nát, xe buýt đi chậm, đường sắt trên cao thì chưa biết khi nào có... người thủ đô đi gì?

Hàng loạt chuyên gia về giao thông đã đưa ra ý kiến liên quan đến đề án thu phí vào nội đô của Hà Nội. Phần lớn đều cho rằng cần tính toán kỹ để không ảnh hưởng đến đời sống người dân.