EU tăng nhập khí đốt Azerbaijan

Thứ ba, 19/07/2022, 07:03 AM

Ủy ban châu Âu hôm nay ký thỏa thuận tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Azerbaijan lên ít nhất 20 tỷ m3 một năm vào năm 2027.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) bắt tay Tổng thống Azerbaijani Ilham Aliyev tại Baku ngày 18/7. Ảnh: AFP

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (trái) bắt tay Tổng thống Azerbaijani Ilham Aliyev tại Baku ngày 18/7. Ảnh: AFP

"Hôm nay, theo bản ghi nhớ mới ký kết, chúng ta đang mở ra chương mới trong hợp tác năng lượng giữa EU với Azerbaijan, đối tác quan trọng trong nỗ lực từ bỏ nhiên liệu hóa thạch của Nga", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm nay tuyên bố.

Trước đó, bà thông báo trên Twitter "EU đang chuyển sang các nhà cung cấp năng lượng đáng tin cậy hơn. Hôm nay tôi đến Azerbaijan để ký thỏa thuận mới".

"Mục tiêu của chúng tôi là tăng gấp đôi lượng khí đốt chuyển từ Azerbaijan tới EU trong vài năm. Azerbaijan sẽ là đối tác quan trọng đảm bảo nguồn cung năng lượng cho chúng tôi và thực hiện mục tiêu trung hòa khí thải", bà viết.

Trước chuyến đi của bà von der Leyen, cơ quan này tuyên bố "ưu tiên số một là đa dạng hóa nguồn năng lượng nhập khẩu trong bối cảnh Nga tiếp tục vũ khí hóa nguồn cung cấp năng lượng".

Năm ngoái, Azerbaijan cung cấp 8,1 tỷ m3 khí đốt tự nhiên cho châu Âu nhờ đường ống chạy qua Gruzia và Thổ Nhĩ Kỳ. Ủy ban châu Âu cho hay Azerbaijan sẽ tăng lượng khí đốt lên 12 tỷ m3 trong năm 2022 và lên 20 tỷ m3 vào năm 2027.

Hồi tháng 5, các lãnh đạo EU thống nhất dừng đa số hoạt động nhập khẩu dầu của Nga vào cuối năm nay, theo gói trừng phạt Moskva vì chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tuy nhiên, EU chưa cấm nhập khẩu khí đốt của Nga. Năm 2021, EU nhập khẩu 155 tỷ m3 khí đốt của Nga, tương đương 40% nhu cầu khối. Hồi tháng ba, EU nhất trí cắt giảm khoảng 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga trong năm nay. Moskva sau đó đe dọa cắt hoàn toàn dòng khí đốt sang châu Âu, khiến các nước phải chạy đua tìm nguồn cung thay thế và chuẩn bị đối mặt một mùa đông khó khăn.

Nga trong khi đó hưởng lợi từ giá năng lượng tăng vọt. Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch ở Helsinki ước tính Moskva kiếm được khoảng 100 tỷ USD từ xuất khẩu năng lượng trong 100 ngày đầu xung đột, trong đó 60% đến từ EU.