Chủ nhật, 12/08/2018, 19:45 PM
  • Click để copy

Gần 700 người vận hành tàu Cát Linh – Hà Đông có phải là nhiều?

Các chuyên gia giao thông đưa ra những nhận định về con số 681 người để quản lý, vận hàng tàu Cát Linh – Hà Đông.

duong-sat
Cần 681 nhân sự để quản lý, vận hành và khai thác tàu Cát Linh - Hà Đông - (Ảnh: Chí Hiếu).

Vừa qua, tại buổi tọa đàm về vận hành tuyến đường sắt trên cao, tàu Cát Linh – Hà Đông diễn ra sáng 10/8 tại Hà Nội, lãnh đạo Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho biết: Để vận hành được toàn tuyến, cần đến 681 nhân viên.

Theo ông Vũ Hồng Phương, Phó giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT): “Sẽ có 681 nhân sự tham gia vào việc vừa đào tạo tại hiện trường vừa tiếp nhận dự án để sau này quản lý, vận hành và khai thác. Trong đó, trực tiếp đào tạo lực lượng cho dự án là 651 (có 201 người được đào tạo ở Trung Quốc, số còn lại được đào tạo ở Việt Nam), còn 30 nhân sự quản lý thông qua đào tạo. Lực lượng này được Ban Quản lý dự án đường sắt phối hợp với tuyển dụng, đào tạo, tới đây sẽ được đưa lên tuyến trong giai đoạn vận hành”.

Thông tin số người vận hành tàu Cát Linh – Hà Đông ngay lập tức khiến nhiều người bàn tán. Trong số đó, có người cho rằng với chiều dài 13km thì số 681 người nói trên là quá nhiều. Tuy nhiên cũng có ý kiến nói số nhân viên trên còn ít.

Để có góc nhìn khách quan hơn, PV có cuộc trao đổi cùng các chuyên gia hàng đầu về giao thông đô thị hiện nay.

gan-700-nguoi-van-hanh-tau-cat-linh-ha-dong-co-phai-la-nhieu
TS. Nguyễn Xuân Thủy.

TS. Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông vận tải cho rằng, để vận hành tàu đường sắt trên cao là phải cần nhiều nhân lực, bởi có nhiều khâu. Tuy nhiên, ông Thủy cho rằng con số 681 người để vận hành một tuyến đường như Cát Linh – Hà Đông là tương đối nhiều.

“Cần phải làm rõ số người điều hành, số lái tàu, số người phục vụ, những người làm bảo dưỡng... cũng cần nhiều nhân công, nhân lực đấy nhưng con số gần 700 như đã nói để vận hành tàu Cát Linh – Hà Đông là tương đối nhiều. Nếu vào giờ cao điểm thì mỗi đoàn tàu cách nhau khoảng 2 phút và vì thế cần rất nhiều… Theo tôi chỉ cần cỡ 200 -300 nhân công. Tuy nhiên, có thể trong giai đoạn đầu thì cần nhiều người hơn, sau này còn phải đào tạo và phân bổ cho các tuyến khác như Nhổn – ga Hà Nội”, TS. Nguyễn Xuân Thủy bày tỏ.

Ts Phạm Sanh (trường Đại học Giao thông vận tải TP.HCM) cho rằng số nhân lực nói trên để chạy tàu đường sắt trên cao so với thế giới là tương đối nhiều. Tuy nhiên, nếu đào tạo thì rất tốt bởi đây sẽ là những hạt nhân đầu tiên để phân bổ ra các tuyến đường sắt metro khác ở Hà Nội.

Theo một số thông tin được biết, quá trình lập kế hoạch vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được tính toán kỹ và tham khảo các công nghệ vận hành đường sắt đô thị của các nước trên thế giới. Quy chuẩn quốc gia của Trung Quốc GB 50157 – 2003, ban hành ngày 1/8/2013, về quy phạm thiết kế Metro thì việc bố trí cơ cấu vận doanh của tuyến đầu tiên bình quân số lượng nhân viên quản lý nên khống chế trong khoảng 100 người/km.

Được biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông có 13 đoàn tàu, do Công ty TNHH Trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) chế tạo. Mỗi đoàn tàu có bốn toa xe với tổng chiều dài 79m, trong đó toa đầu dài 20m, toa giữa dài 19,5m.

gan-700-nguoi-van-hanh-tau-cat-linh-ha-dong-co-phai-la-nhieu
Tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ được vận hành vào tháng 8 tới đây - (Ảnh: Pháp luật TPHCM).

Tốc độ thiết kế tối đa của đoàn tàu là 80km/giờ, tốc độ khai thác trung bình lớn hơn hoặc bằng 35 km/giờ, sức chở khoảng 960 người, tối đa 1.326 người. Dự kiến khi đi vào khai thác ở giai đoạn đầu tần suất chạy tàu 5-6 phút/chuyến, về sau sẽ nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách.

Trong khi đó, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông khi đưa vào khai thác sẽ phục vụ hành khách tới 18 tiếng/ngày tương đương khoảng 2,5 ca. Như vậy, phải đổi ca chứ không phải chỉ 1 ca như các công việc hành chính thông thường. 

Dự án Cát Linh – Hà Đông gồm có 55 lái tàu (Trong đó, lái tàu chính tuyến 46 người; lái thử tàu, dồn tàu trong Depot 9 người). Hiện tại, toàn bộ 55 lái tàu đã được tuyển dụng đầy đủ, đã hoàn thành công tác đào tạo đáp ứng yêu cầu.

 

Vé tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ được Nhà nước trợ giá, đắt hơn xe buýt

Theo lãnh đạo Công ty TNHH Đường sắt Hà Nội, vé tàu trên cao Cát Linh - Hà Đông sẽ được Nhà nước trợ giá nhưng sẽ cao hơn giá vé của các phương tiện công cộng khác.

 

Lý giải chữ Trung Quốc in trên thẻ đi thử tàu Cát Linh-Hà Đông

Đoàn tàu ở dự án đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam chạy thử từ ga Cát Linh (Đống Đa) đi Yên Nghĩa (Hà Đông, Hà Nội), người dân chưa được lên tàu.

 

Bác tin chi 1 triệu USD sơn lại tàu Cát Linh - Hà Đông

Ban quản lý Dự án đường sắt khẳng định, không có chuyện chi 1 triệu USD để sơn lại tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị vẽ bậy như một số trang mạng thông tin.

 

Tàu Cát Linh - Hà Đông bị vẽ trộm: Chi 1 triệu USD sơn lại?

Trước thông tin cho rằng Tổng thầu Trung Quốc đã đề nghị chi 1 triệu USD để sơn lại đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông bị vẽ hình “kỳ lạ”, Ban Quản lý dự án Đường sắt, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) khẳng định không nhận được đề xuất chính thức nào và nếu có cũng không chi tiền.