Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội: 'Cấm xe máy càng sớm càng tốt'
Ông Vũ Văn Viện cho biết, trong lộ trình dừng hoạt động của xe máy ở trung tâm có tính tới dừng đăng ký mới.
Tại buổi làm việc của Bí thư Thành uỷ Hà Nội Hoàng Trung Hải với Sở Giao thông Vận tải ngày 9/3, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với các giải pháp kiểm soát phương tiện cá nhân.
Ông Vũ Văn Viện, Giám đốc Sở Giao thông cho hay, Sở đang nghiên cứu để trình UBND, HĐND hai đề án. Đề án thứ nhất là thu phí của một số loại phương tiện giao thông vào trung tâm dễ gây ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Theo ông Viện, chủ trương đã được Trung ương đồng ý và giao thành phố xây dựng đề án báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội xem xét thông qua, bổ sung loại phí trên vào danh mục phí, lệ phí. Dự kiến đề án sẽ được trình tại kỳ họp cuối năm của HĐND TP.
Đề án thứ hai là xây dựng lộ trình giảm dần, tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030, "cấm được xe máy càng sớm càng tốt", ông Viện nói và cho biết đang phối hợp cùng Viện chiến lược Giao thông nghiên cứu xây dựng đề án, trong đó có tính tới việc dừng đăng ký mới xe máy.
Cùng quan điểm, Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho rằng ôtô có tiêu chuẩn khí thải nhưng xe máy không có tiêu chuẩn nên thành phố "hạn chế và cấm xe máy sớm ngày nào hay ngày đấy" để cải thiện chất lượng không khí. Ông dẫn chứng, theo dõi kết quả quan trắc ba năm qua, trong những thời điểm các phương tiện đi lại nhiều, chất lượng không khí thường rất kém.
Ủng hộ các giải pháp trên, Bí thư Hà Nội Hoàng Trung Hải cho biết, số lượng phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố đang rất lớn và ngày càng gia tăng. Thành phố hiện có khoảng 6 triệu phương tiện (cả ôtô và xe máy), thêm khoảng 2 triệu phương tiện vãng lai, số lượng xe của lực lượng công an, quân đội khoảng 1 triệu. Từ thực tế đó, ông cho rằng, kiểm soát phương tiện cá nhân chính là vì lợi ích chung của xã hội và các đơn vị liên quan mạnh dạn nghiên cứu, đề xuất giải pháp để giảm ùn tắc, ô nhiễm.
Tại kỳ họp giữa năm 2017, HĐND TP Hà Nội thông qua nghị quyết quản lý phương tiện giao thông, trong đó, thành phố sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Kết quả khảo sát của cơ quan soạn thảo đề án công bố cho thấy, trong hơn 15.000 phiếu khảo sát thu về ở 30 quận, huyện có hơn 90% người được hỏi ủng hộ đề án và lộ trình cấm xe máy.
Đề xuất thí điểm xe điện trong nội đô
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cho biết, một số nước đang quay lại hình thức giao thông nội đô bằng xe điện (tramway).
Ông liệt kê các ưu điểm của xe điện: chạy bánh cao su hiện đại, thi công nhanh, chiếm diện tích nhỏ... và đề xuất cho Sở Giao thông đi nghiên cứu, học tập và thí điểm ở một số tuyến phố.
"Tramway cùng với các phương tiện vận tải công cộng khác sẽ kéo giảm lượng xe máy vào nội đô", ông Hùng nói.
Bê trễ metro, bus: 30 năm nữa cũng khó cấm xe máyNếu giao thông công cộng như tuyến metro lỗi hẹn, xe bus ế ẩm..., chính quyền chưa quyết tâm thì 10 năm hay thậm chí 20- 30 năm tới, cũng khó cấm xe máy. |
Tranh cãi đề xuất cấm xe máy sau vụ tai nạn giao thông ở Bến LứcSau vụ tai nạn giao thông ở Bến Lức đã có một số ý kiến cho rằng nên cấm xe máy, thế nhưng nhiều người lại chỉ ra rằng, lỗi trong vụ tai nạn trên thuộc về xe container. |
Lộ trình cấm xe máy ở TP.HCM: Thực hiện thế nào để người dân đồng thuận?TP.HCM vừa đưa ra đề án "Tăng cường vận tải giao thông công cộng", trong đó có việc cấm xe máy vào trung tâm. Việc hạn chế xe máy, tiến tới cấm hẳn vào năm 2030, được thực hiện theo lộ trình cụ thể để tạo sự đồng thuận trong dân. |