Thứ tư, 12/09/2018, 10:59 AM
  • Click để copy

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa: 'Ăn thịt chó rất phản cảm'

Giáo sư Hoàng Chương, Giám đốc Trung tâm NCVH truyền thống cho rằng, mong muốn người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó của TP Hà Nội là đúng đắn bởi ăn thịt chó là rất phản cảm.

giao-su-o-ha-noi-ung-ho-mong-muon-bo-an-thit-cho
Thịt chó Nhật Tân từng được nhiều người coi là một "đặc sản" của Hà Nội.

Tin tức về việc UBND TP Hà Nội vừa có văn bản tuyên truyền mong muốn người dân từ bỏ thói quen ăn thịt chó, mèo... đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.

TP Hà Nội cho rằng, việc kinh doanh, giết mổ, sử dụng thịt chó, mèo gây ra những hình ảnh phản cảm đối với du khách quốc tế và người nước ngoài đến làm việc, sinh sống tại Hà Nội, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Thủ đô văn minh hiện đại. Đồng thời mong muốn người dân thấy được ý nghĩa nhân văn của việc đối xử nhân đạo với súc vật.

Nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng có nhiều người phản đối các lý do mà Hà Nội đưa ra vì cho rằng, không thể nói việc giết mổ, ăn thịt chó là không nhân văn bởi thịt chó cũng là một món ẩm thực như bao món ăn khác, thậm chí đã đi vào văn thơ. 

Bên cạnh đó, có người còn cho rằng, du khách nước ngoài nhập gia phải tuỳ tục, tôn trọng tập tục sinh hoạt của người dân bản địa bởi mỗi đất nước mỗi khác, không thể lấy lý do ăn thịt chó là phản cảm, là không văn minh.

"Có cấm thì cấm người ta thả chó rông ra hè phố, cấm việc thả chó không rọ mõm. Hơn nữa, tôi thấy Hà Nội còn nhiều thứ cần tuyên truyền và cần thay đổi để văn minh hơn là việc bảo người dân bỏ ăn thịt chó. Đó là tình trạng hàng quán chặt chém, gửi xe chặt chém, rác thải bữa bãi...", anh Quang, một người dân Hà Nội bày tỏ.

Trao đổi với PV, Giáo sư Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa truyền thống cho rằng, mong muốn của Hà Nội là rất đúng đắn.

"Hiện nay chúng ta đã hội nhập. Hà Nội có rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, du lịch do đó hình ảnh và ẩm thực cũng phải thay đổi theo hướng văn minh hơn để gây thiện cảm với họ và một trong số đó chính là bỏ thói quen giết mổ và ăn thịt chó", Giáo sư Hoàng Chương bày tỏ.

Theo Giáo sư Hoàng Chương, thịt chó mặc dù được nhiều người gọi là món ẩm thực đặc sản có từ lâu đời, thậm chí ở Hà Nội thì có hẳn một làng nổi tiếng về thịt chó như Nhật Tân nhưng đây không phải món ăn hay ẩm thực truyền thống mà chúng ta không thể bỏ.

giam-doc-trung-tam-nghien-cuu-van-hoa-an-thit-cho-rat-phan-cam
Giáo sư Hoàng Chương - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa truyền thống.

"Trong văn hóa phương Đông và Việt Nam chó được coi là con vật trung thành với chủ, thậm chí ở một số đền miếu người ta còn thờ chó đá để giữ cửa... Ở phương Tây, chó được coi như người bạn thân cận, khi chết người ta đem đi chôn, đối xử như người thân. Do đó khi thấy người dân chúng ta ăn thịt chó họ thấy rất phản cảm và cho rằng chúng ta ăn thịt ngay cả "bạn" của mình", Giáo sư Hoàng Chương bày tỏ. 

Giáo sư Hoàng Chương cũng cho rằng, giết mổ và ăn thịt chó, mèo không đơn thuần gây phản cảm mà còn có nguy cơ lây nhiễm nhiều bệnh tật "bởi con chó ở Việt Nam thì gì nó cũng ăn".

Hơn nữa, theo Giám đốc Trung tâm nghiên cứu văn hóa truyền thống, ngoài Việt Nam thì còn có một số nước ở châu Á cũng ăn thịt chó như Hàn Quốc... Tuy nhiên, hiện họ cũng đã hạn chế. Từ những lý do đưa ra, Giáo sư Hoàng Chương cho rằng việc tuyên truyền để người dân bỏ thói quen ăn thịt chó là hoàn toàn đúng đắn.

Đồng quan điểm, PGS Hà Đình Đức (một nhà nghiên cứu văn hóa Hà Nội) kể lại một câu chuyện giữa ông và người bạn nước ngoài: "Khi đó tôi dắt ông bạn ra ngoài chợ và khi đó ông ta nhìn thấy cảnh giết mổ chó ông ta rất sợ".

PGS Hà Đình Đức cho rằng, thịt chó từng đi vào thơ văn và thậm chí ở làng Nhật Tân ở Hà Nội đã từng rất nổi tiếng về thịt chó nhưng hiện nay còn rất ít. "Đa số đã bỏ hết, bởi người dân bây giờ cũng không ăn nhiều như trước, nhiều người đã thay đổi nhận thức coi chó như một người bạn của mình", PGS Hà Đình Đức chia sẻ.

Theo lương y Lương Cao Cường - Hội Đông Y TP Hà Nội: Thịt chó chứa một số thành phần dinh dưỡng cơ bản như protein, lipit, vitamin A, vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, Vitamin C, canxi, sắt... Theo quan niệm của Đông y, thịt chó có vị mặn, tính ấm, xương chó có vị ngọt, tính ấm làm mạnh gân cốt, sinh cơ chống rét và hoạt huyết. 

Tuy thịt chó giàu chất đạm nhưng lại có tính nhiệt, vì thế khi ăn quá nhiều thịt chó dễ gây nóng, khó tiêu, chướng bụng. Thường xuyên ăn thịt chó trong thời gian dài, cơ thể khó tiêu hóa, thận, gan làm việc không đáp ứng được nên dễ mắc các bệnh về gan như xơ gan hay suy thận, gout. 

Đối với phụ nữ mang thai, ăn thịt chó không chỉ gây khó tiêu, đầy bụng mà còn ảnh hưởng đến việc ăn uống những loại thức ăn khác, bên cạnh đó còn làm tăng axit uric trong máu khiến thai phụ đối mặt với nguy cơ tiền sản giật hoặc sản giật cao.

Đối với người bệnh gout, cao huyết áp, người bị bệnh đái tháo đường, tim mạch tuyệt đối không nên ăn thịt chó do thịt chó chứa lượng đạm cao, khiến bệnh nặng hơn bởi dư hàm lượng axit uric. 

Đặc biệt, trong cơ thể chó chứa nhiều loại sán, giun, ấu trùng có thể nhiễm bệnh cho người. Lây nhiễm sán dãi chó và ấu trùng sán dãi chó (Toxocara canis) có thể gây mù mắt, chứng điên loạn hoặc suy yếu các bộ phận nơi sán trú ngụ khác như gan, lách, phổi. Người bệnh có thể tử vong do nhiễm trùng. Đặc biệt, nhiễm virus dại từ chó rất nguy hiểm.
 
Về nguyên tắc, virus dại sẽ chết nếu được nấu chín hoàn toàn. Tuy nhiên trong quá trình mang chó về, người ta không phân biệt được con chó nào bị dại, con nào không. Nước dãi của chó chứa các virus dại, dễ rơi rớt sang các chỗ khác như quần áo của người giết thịt chó, rơi vào dao thớt, qua ruồi rồi rơi vãi vào thức ăn gây hiện tượng nhiễm chéo.
 
Dù chó chưa lên cơn dại vẫn có thể có virus dại tiềm ẩn bên trong. Do đó, chơi, vuốt ve hoặc tiếp xúc với chó có virus dại khi có vết thương hở khiến nguy cơ lây bệnh rất cao. Do bệnh dại có thời gian ủ bệnh trung bình từ 10 ngày đến 2 năm khiến việc điều trị khó khăn...