Thứ tư, 29/05/2019, 13:18 PM
  • Click để copy

Khói bay mù mịt, nước thải tràn lan ở cơ sở đúc đồng giữa khu dân cư

Khói bụi bay mù mịt, tiếng ồn lớn, nước thải tràn ra mặt đường gây nhếch nhác, ô nhiễm... là thực trạng đã và đang diễn ra tại một cơ sở đúc đồng nằm ngay trong khu dân cư ở TP Huế (Thừa Thiên Huế).

khoi-bay-mu-mit-o-co-so-duc-dong-ngay-khu-dan-cu-gay-o-nhiem
Người dân phản ánh cơ sở đúc đồng này gây ô nhiễm.

Thời gian gần đây, người dân xung quanh cơ sở đúc đồng (ở số 212, đường Bùi Thị Xuân, phường Phường Đúc, TP Huế) phản ánh, cơ sở này hoạt động gây ô nhiễm môi trường khiến họ bất xúc.

Theo ghi nhận của chúng tôi, cơ sở đúc đồng này rộng khoảng gần 1.000m2, nằm sát khu dân cư ở kiệt 212 (đường Bùi Thị Xuân), cạnh bên UBND phường và đối diện với trường tiểu học Phường Đúc.

khoi-bay-mu-mit-o-co-so-duc-dong-ngay-khu-dan-cu-gay-o-nhiem
Cơ sở đúc đồng này tồn tại đã lâu.

Người dân ở đây cho biết, cơ sở đúc đồng này tồn tại từ lâu. Nơi đây thường xuyên nấu đồng khiến khói bụi bay mù mịt, tiếng ồn lớn, nước thải tràn ra mặt đường gây nhếch nhác... Đối diện cơ sở đúc đồng là trường tiểu học Phường Đúc nên hàng trăm học sinh đang theo học có nguy cơ bị ảnh hưởng.

Bà Trương Thị P. chia sẻ: “Khói bụi thường bay vào nhà tôi rất nhiều. Do đó, chúng tôi phải thường xuyên đóng cửa. Chúng tôi thường nhức đầu, chóng mặt khi hít phải mùi hôi từ cơ sở đó. Ở đây là khu vực dân cư đông nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng lại cho tồn tại?”.

khoi-bay-mu-mit-o-co-so-duc-dong-ngay-khu-dan-cu-gay-o-nhiem
Khói bụi bay mù mịt, gây ô nhiễm.

Được biết, làng nghề đúc đồng Phường Đúc - Thủy Xuân là một trong những cơ sở làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 64/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Long, Phó Chủ tịch UBND phường Phường Đúc cho biết, nghề đúc đồng ở Huế tồn tại chủ yếu ở phường Phường Đúc và một phần nhỏ ở phường Thủy Xuân với khoảng 32 cơ sở.

Các cơ sở nằm xen lẫn trong các khu dân cư. Đây là làng nghề truyền thống lâu đời, nổi tiếng của Cố đô Huế nên việc di dời rất khó cho cơ quan chức năng, dù biết là ô nhiễm.

Ông Long thông tin: “Cơ sở đúc đồng ở số 212, đường Bùi Thị Xuân là của hộ ông Nguyễn Văn Niệm. Chúng tôi mới nghe sơ qua việc phản ánh ô nhiễm từ người dân mà chưa nhận được đơn chính thức. Bây giờ, nếu chỉ nhìn bằng mắt, mũi thì cũng khó xác định. Nếu sắp tới có đơn, phường sẽ mời cán bộ Sở TN&MT đến để đo các thông số kĩ thuật, mức độ ô nhiễm vì chúng tôi không có thiết bị đo”.

khoi-bay-mu-mit-o-co-so-duc-dong-ngay-khu-dan-cu-gay-o-nhiem
Nằm sát khu dân cư.

“Nếu sai phạm, sẽ cho dừng, báo cáo cấp trên và buộc lắp đặt các hệ thống xử lý phù hợp. Sắp tới, không chỉ cơ sở trên, phường sẽ vận động tất cả các cơ sở đúc đồng khác trên địa bàn tăng cường lắp đặt các thiết bị hạn chế ô nhiễm môi trường. Nghề này đang được tỉnh, thành phố hỗ trợ rất nhiều trong công tác hạn chế ô nhiễm”, ông Long nói thêm.

Hiện tại, do công nghệ lạc hậu, máy móc cũ kỹ, chủ yếu làm thủ công, lại sử dụng cao su, lốp xe hỏng và dầu nhớt phế thải để đốt lò... nên tình trạng ô nhiễm không khí từ các cơ sở đúc đồng trên địa bàn TP Huế đã ít nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Hơn lúc nào hết, người dân xung quanh cơ sở đúc đồng rất mong lực lượng chức năng sớm giải quyết tình trạng trên, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, đồng thời bảo vệ môi trường trong lành.

 

Hà Nội đề xuất phụ thu ô nhiễm môi trường với phương tiện vào nội đô: Phải chăng ‘phí chồng phí’?

Theo các chuyên gia trong cơ cấu giá xăng đã có thuế bảo vệ môi trường, việc phụ thu ô nhiễm môi trường theo mức khí thải của phương tiện như đề xuất của Hà Nội chưa hợp lý.

 

Xử phạt nhà máy tinh bột sắn gây ô nhiễm môi trường

Nhà máy tinh bột sắn của Công ty Cổ phần Nông sản thực phẩm Việt Nam bị xử phạt 50 triệu đồng do đã xả nước thải gây ô nhiễm môi trường.

 

Gây ô nhiễm môi trường Liwayway Hà Nội bị xử phạt 77 triệu đồng

UBND tỉnh Bắc Ninh quyết định xử phạt 77 triệu đồng và buộc Công ty TNHH công nghiệp thực phẩm Liwayway Hà Nội phải xử lý nước thải.