Thứ sáu, 09/03/2018, 20:26 PM
  • Click để copy

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh: ‘Đặt ga tàu điện ngầm ở cạnh Hồ Gươm là bất hợp lý’

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, việc đặt ga đường sắt đô thị ngầm C9 cạnh Hồ Gươm là bất hợp lý, gây xung động giao thông và gây lãng phí tiền của...!

kien-truc-su-tran-huy-anh-dat-ga-tau-dien-ngam-o-canh-ho-guom-la-bat-hop-ly
Mô hình mặt bằng ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm được trưng bày lấy ý kiến người dân.

Sự kiện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội trưng bày công khai mô hình mặt bằng ga ngầm C9 cạnh Hồ Gươm, thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo để lấy ý kiến, thu hút đông đảo người dân và giới chuyên gia.

Xung quanh vị trí đặt ga ngầm này hiện vẫn còn rất nhiều ý kiến tranh cãi, trong đó một số nhà chuyên môn cho rằng việc đặt ga ngầm chưa hợp lý, gây lãng phí tiền bạc.

Trao đổi với PV, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Việt Nam đồng thời cũng là một người dân Thủ đô) bày tỏ: “Tôi cho rằng phương án thiết kế này chưa phải phương án tối ưu. Tôi không đồng tình với việc đặt vị trí như thiết kế”.

Dẫn ra các lý do không đồng tình, kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng: Trong triển khai dự án này việc đầu tiên Hà Nội cần phải lưu ý đến là vấn đề đầu tư mà theo ông khi làm ga ngầm như trên chắc chắn chi phí giá vé sẽ không đủ bù cho chi phí vận hành.

kien-truc-su-tran-huy-anh-dat-ga-tau-dien-ngam-o-canh-ho-guom-la-bat-hop-ly
Kiến trúc sư Trần Huy Ánh.

“Đầu tiên phải tính đến vấn đề đầu tư, phải chọn phương tiện. Đầu tiên phải tính đến hiệu quả, đối tượng phục vụ và vấn đề là ai sẽ đi? Ở đây người ta nghĩ là phục vụ những người bình dân và nếu vậy thì giá vé phải rẻ, cuối cùng gánh nặng đầu tư vẫn phải phụ thuộc vào trợ giá. Nếu trợ giá xe buýt thì còn được còn tính trợ giá cái này thì khủng khiếp lắm… Đối với nước ngoài giá vé rẻ nhất là 2 đô la tức 50 ngàn” ông Ánh bày tỏ.

Vấn đề thứ 2 kiến trúc sư Trần Huy Ánh đề cập là vị trí đặt ga. Theo đó, vị kiến trúc sư cho rằng Hồ Gươm bình thường vốn đã là nơi đông đúc người qua lại áp lực giao thông vốn đã lớn do đó nếu làm ga tàu điện ngầm tại đây thì sẽ gây ra xung đột giao thông và như vậy là trái với mục đích giải quyết giảm bớt áp lực giao thông mà dự án này đề ra.

“Nếu đặt ga ở đây thì lượng người sẽ rất đông. Chúng ta cứ thử hình dung mỗi phút hàng chục toa tàu với hàng ngàn, hàng vạn lượt khách đổ đồn về thì thử hỏi giao thông có áp lực không?”, ông Ánh nêu vấn đề.

Bên cạnh đó vị kiến trúc sư cũng nêu quan điểm rằng Hà Nội nên tính đến phương án lùi ga ngầm này ra khu vực Hồ Gươm khoảng 2km so với thiết kế và khi đó toàn bộ ga sẽ được xây nổi vừa đỡ lãng phí tiền vốn đầu tư lại vẫn giải quyết được vấn đề giao thông.

“Chúng ta hãy đặt câu hỏi tại sao cứ phải đặt ga ngầm ở đây? Việc đặt ga ngầm ở đây có cần thiết không? Nếu làm ga ngầm thì sẽ rất tốn kém và bao giờ sẽ hoàn vốn? Đặt ở đây nó sẽ làm giàu những khu vực nào?” Kiến trúc sư Trần Huy Ánh băn khoăn.

Về ý kiến của kiến trúc sư Trần Huy Ánh, trả lời PV ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho hay: Mục tiêu đặt ngầm đường sắt đô thị vào những khu vực đông là nhằm giảm tải giao thông trên mặt đất. “Giao thông sẽ chuyển xuống ngầm, như thế sẽ hỗ trợ giảm bớt lưu lượng phương tiện cá nhân trên mặt đường. Đặc biệt, theo chủ trương chung của TP về lâu dài thì khu vực Hồ Gươm sẽ trở thành phố đi bộ nên việc đặt ga ở vị trí trên là nhằm để người dân có thể trực tiếp tiếp cận với khu vực Hồ Gươm”, ông Hiếu nói.

kien-truc-su-tran-huy-anh-dat-ga-tau-dien-ngam-o-canh-ho-guom-la-bat-hop-ly
Ông Lê Trung Hiếu - Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội.

Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cũng cho biết, đặc điểm khác nhau giữa ga ngầm Hồ Gươm với ga Hàng Cỏ hay những ga khác là khách của ga C9 là những người dân có nhu cầu di chuyển vào phía Trung tâm TP còn ga khác là người dân di chuyển từ các tỉnh thành vào và ngược lại từ TP đi các tỉnh thành.

“Nếu không có ga C9 thì chắc chắn người dân sẽ dùng phương tiện cá nhân để đi vào Trung tâm khiến giao thông ở đây trở nên đông đúc”, ông Hiếu nói.

Cũng theo Phó trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, trước khi xây dựng tuyến đường sắt thì các ngành chức năng đã điều tra về luồng khách và nhu cầu của người dân. “Nếu làm nổi thì cũng được nhưng chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến cảnh quan còn làm ngầm thì chắc chắn sẽ không tác động đến cảnh quan…” ông Hiếu bày tỏ thêm.

 

Hoàn thành nghiên cứu dự án đường sắt 5 tỷ USD nối TP HCM – Cần Thơ

Viện Khoa học và công nghệ Phương Nam đã cùng công ty Tư vấn thiết kế Phương Nam hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao TP HCM – Cần Thơ.

 

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông: Nhà thầu 'than' còn những hạng mục rất phức tạp

Sáng nay (6/3), ông Phan Xuân Dũng - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường Quốc hội dẫn đầu đoàn kiểm tra dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.

 

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ thay thế đơn vị quản lý?

Chia sẻ tại buổi làm việc, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông nói, "Hiện tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn do Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Tuy nhiên, giai đoạn sau sẽ do UBND TP Hà Nội quản lý".