Thứ bảy, 21/12/2019, 11:55 AM
  • Click để copy

Lễ hội mừng lúa mới được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế) được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

le-hoi-mung-lua-moi-duoc-dua-vao-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia
Đông đảo đồng bào tham gia ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình. 

Ngày 21/12, Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin, lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô, huyện A Lưới được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, trong đó có lễ hội truyền thống ADa Koonh của người Pa Cô, huyện A Lưới.

Trong giai đoạn năm 2018 - 2019, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế đã chủ trì, phối hợp Phân Viện nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện A Lưới xây dựng bộ hồ sơ khoa học và phục dựng lễ hội ADa Koonh truyền thống của người Pa Cô, huyện A Lưới nhằm bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

le-hoi-mung-lua-moi-duoc-dua-vao-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia
Đồng bào Pa Cô mang lễ vật đến nhà cộng đồng.

Sau khi được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia, Sở Văn hóa và Thể thao Thừa Thiên Huế sẽ tiếp tục phối hợp UBND huyện A Lưới thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị lễ hội này.

Theo tìm hiểu, lễ hội ADa Koonh của người Pa Cô được thực hiện thông qua nhiều nghi lễ: Lễ tẩy rửa, lễ chuẩn bị, lễ mời mẹ lúa, lễ cúng A da (các vị giống cây trồng), lễ cúng cho Giàng Xứ (giàng sông, suối, gió, núi, mây, lửa, đất…), lễ cúng Giàng Pa nuôn (Vị thần chở che khi đi buôn bán)…

Lễ hội ADa Koonh không ấn định khoảng cách thời gian tổ chức, năm nào cả làng được mùa lớn thì tổ chức, lễ hội diễn ra vào khoảng tháng 12 Âm lịch. 

le-hoi-mung-lua-moi-duoc-dua-vao-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia
Người dân bản làng tham gia các nghi lễ của lễ hội.

Trong ngày lễ hội này, khi già làng đánh kẻng để báo hiệu, các hộ dân và dòng họ trong làng sẽ cúng tại nhà. Sau đó, họ đưa lễ vật đến nhà cộng đồng của làng để bắt đầu vào lễ cúng chính thức của lễ hội ADa Koonh.

Lễ vật để cúng Lễ hội ADa là cơm trắng, xôi, bánh, gà, heo, vịt, dê, hạt giống cây trồng, "tâng họt"- một loại hoa làm từ tre và vải dzèng.

Già làng Quỳnh Quyền (làng A Năm, xã Hồng Vân, huyện A Lưới) cho hay, ADa Koonh là lễ hội truyền thống quan trọng của người Pa Cô nói riêng và đồng bào thiểu số ở huyện miền núi A Lưới nói chung. Đây là dịp để thể hiện lòng thành kính đến các vị thần linh mang đến mùa màng tốt tươi, bội thu. Đồng thời, thể hiện lòng biết ơn đến mẹ của các giống cây trồng, đặc biệt là mẹ cây lúa đã nuôi dưỡng lớp lớp con cháu từ thế hệ này đến thế hệ khác.

le-hoi-mung-lua-moi-duoc-dua-vao-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia
Lễ cúng chính thức của lễ hội.

Cũng theo già làng này, lễ hội còn cầu nguyện cho mưa thuận gió hòa, đem lại mùa màng bội thu cho năm sau, và là dịp để khẳng định tình cảm gắn bó, thiêng liêng của bà con trong làng bản.

Lễ hội ADa Koonh là một trong những nét tinh hoa văn hóa tốt đẹp, độc đáo luôn được gìn giữ, phát huy và duy trì tổ chức.

 

Massage Thái trở thành di sản văn hoá phi vật thể nhân loại

Các kỹ thuật xoa bóp cơ thể của massage Thái Lan vừa được thêm vào danh sách di sản uy tín của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) hôm 12/12.

 

Thừa Thiên Huế: Ký kết hợp tác đưa di sản văn hóa vào trường học

Việc đưa chương trình giáo dục di sản văn hóa vào trường học sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn lịch sử địa phương mình, nuôi dưỡng niềm tự hào về truyền thống của dân tộc để có ý thức bảo vệ, giữ gìn các di sản văn hóa tốt hơn.

Link gốc: https://baosuckhoecongdong.vn/le-hoi-mung-lua-moi-duoc-dua-vao-danh-muc-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-146624.html