Ngày hội văn hóa vì hòa bình: Tái hiện những ký ức hào hùng của Thủ đô Hà Nội
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954–10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999–16/7/2024), sáng 6/10, thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình”
Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954–10/10/2024) và 25 năm Hà Nội được UNESCO trao danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” (16/7/1999–16/7/2024), sáng 6/10, thành phố Hà Nội tổ chức chương trình “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Tham dự chương trình có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; cùng các lãnh đạo Trung ương, các bộ ngành.
Các đại biểu đã thực hiện nghi lễ dâng hương tại Tượng đài vua Lý Thái Tổ, tưởng nhớ công lao các bậc tiền nhân đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng và xây dựng Thủ đô. Tiếp theo là lễ chào cờ, tái hiện buổi lễ chào cờ đầu tiên tại Hà Nội vào ngày 10/10/1954, sau khi Thủ đô được giải phóng.
Ngày hội Văn hóa vì hòa bình có sự giao lưu giữa các nghệ nhân, nghệ sĩ và nhân dân đại diện cho 30 quận, huyện, thị xã của Thủ đô. Chương trình được chia làm ba phần chính: Ký ức Hà Nội; Dòng chảy di sản và Hà Nội: Thành phố vì hòa bình, thành phố sáng tạo.
Chương trình nhằm lan tỏa thông điệp về giá trị của văn hóa, hòa bình và sức sáng tạo của con người Thăng Long - Hà Nội qua các thời kỳ.
Đặc biệt, sự kiện này thực sự là ngày hội của người dân Hà Nội vì được thực hiện bởi gần 10.000 quần chúng, nhân dân Thủ đô, cùng tham gia tái hiện những mốc son lịch sử của Thủ đô qua các thời kỳ; giới thiệu, trình diễn các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các lễ hội và các làng nghề tiêu biểu của Thủ đô...
Điểm nhấn ấn tượng là màn thực cảnh tái hiện thời khắc lịch sử trọng đại của Thủ đô và đất nước ngày 10/10/1954, khi đoàn quân tiến về tiếp quản Thủ đô trong rợp trời cờ hoa và niềm hân hoan chiến thắng, kết thúc 9 năm trường kỳ kháng chiến gian khổ, ác liệt.
Sau cách mạng tháng Tám, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, Hà Nội trở thành trung tâm chính trị của cả nước. Núp dưới danh nghĩa đồng minh có nhiệm vụ tước vũ khí của quân đội phát xít Nhật ở Đông Dương, đế quốc Anh và phản động Tưởng Giới Thạch kéo vào Việt Nam. Được quân Anh che chở và sau thỏa thuận với Tưởng Giới Thạch, quân Pháp quay trở lại xâm chiếm Việt Nam .Ngày 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Từ 19/12/1946 đến 17/2/1947, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô đã chiến đấu bảo vệ Hà Nội với lực lượng, vũ khí và trang bị rất chênh lệch so với kẻ thù. Sau 60 ngày đêm cầm chân quân Pháp, Trung đoàn Thủ đô rút khỏi thành phố lên chiến khu tham gia cuộc kháng chiến 9 năm gian khổ.
Với thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, thực dân Pháp buộc phải ký Hiệp định Geneva ngày 21/7/1954 về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, công nhận độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia; chấp nhận rút quân khỏi miền Bắc nước ta.
Theo các điều khoản của Hiệp định, Hà Nội nằm trong khu vực tập kết 80 ngày của quân đội Pháp. Tuy nhiên, thực dân Pháp lợi dụng thời gian này để phá hoại các cơ sở kinh tế, văn hóa, lôi kéo người dân di cư vào Nam, gây rối loạn và làm cho mọi công việc bị đình trệ. Biết trước âm mưu của Pháp, ý thức rõ quy mô và tầm quan trọng của việc tiếp quản Hà Nội, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng đã cử các đồng chí: Võ Nguyên Giáp, Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu trực tiếp lãnh đạo và chỉ đạo công tác tiếp quản Thủ đô.
Ngày 17/9/1954, theo quyết nghị của Chính phủ, Ủy ban Quân chính thành phố Hà Nội được thành lập để làm nhiệm vụ tiếp quản thành phố. Hội đồng Chính phủ đã công bố các chính sách đối với thành thị mới giải phóng, chính sách đối với tôn giáo, các điều kỷ luật của bộ đội, cán bộ và nhân viên công tác khi vào thành phố mới giải phóng. Bộ Tổng Tư lệnh đã ra lệnh cho các đơn vị bộ đội đang tiến về giải phóng Hà Nội phải giữ vững trật tự an ninh của thành phố, bảo vệ nhân dân, bảo vệ ngoại kiều, triệt để chấp hành các chính sách và kỷ luật mà Chính phủ đã đề ra, luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu khiêu khích, phá hoại.
Đúng 16 giờ ngày 9/10/1954, những tên lính Pháp cuối cùng đã rút qua cầu Long Biên; quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Sáng 10/10/1954, Ủy ban Quân chính thành phố và các đơn vị quân đội nhân dân gồm cả bộ binh, pháo binh, cao xạ, cơ giới... chia làm nhiều cánh lớn đã mở cuộc hành quân lịch sử vào Hà Nội. Hai mươi vạn nhân dân Thủ đô náo nức trong rừng cờ đỏ sao vàng với niềm vui sướng tột độ đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. 15 giờ cùng ngày, hàng vạn nhân dân trang nghiêm dự lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội nhân dân tham gia tiếp quản thành phố. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột cờ cổ kính...
Bên cạnh đó, “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” còn là dịp để tôn vinh nền văn hiến, bản sắc văn hóa vì hòa bình của Thủ đô Hà Nội, vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi lắng đọng hào khí Thăng Long, hồn thiêng sông núi, nơi kết tinh và tỏa sáng trí tuệ Việt Nam, tỏa sáng lương tri và phẩm giá con người.
“Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 là mốc son sáng chói trong lịch sử nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội, đánh dấu thời khắc Hà Nội sạch bóng quân thù, mở ra trang sử mới cho Thủ đô và đất nước. Đóng góp vào thành quả cách mạng to lớn đó có đóng góp của những người con ưu tú của Hà Nội với tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh” đã chiến đấu, hy sinh và làm nên những chiến công vẻ vang rất đáng tự hào”, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài khẳng định khi đến thăm, tặng quà tri ân gia đình người có công nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10.