Thứ năm, 30/05/2019, 09:53 AM
  • Click để copy

Lời khai của phụ huynh có con được gian lận điểm thi 'khiến trẻ con cũng không thể tin'

Theo thầy giáo Nguyễn Văn Khải, lời khai của các phụ huynh có con em được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử ở Sơn La khiến trẻ con cũng khó tin, bởi hầu hết các phụ huynh khai chỉ cung cấp thông tin thí sinh để nhờ xem điểm thi, hoặc nhờ vả mà không mất tiền.

Các bị can trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La.
Các bị can trong vụ gian lận điểm thi ở Sơn La.

Truy tố 6 cán bộ Sở GD&ĐT Sơn La và 2 cán bộ Công an tỉnh

Liên quan đến vụ gian lận thi cử ở Sơn La, mới đây Cơ quan An ninh điều tra (ANĐT) Công an tỉnh Sơn La đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và đề nghị truy tố 8 bị can.

Trong số này, có 6 bị can là cán bộ thuộc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La gồm: Trần Xuân Yến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT; Lò Văn Huynh - Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục (KT&QLCLGD); Nguyễn Thị Thanh Nhàn - Phó trưởng phòng KT&QLCLGD; Nguyễn Thị Hồng Nga - chuyên viên Phòng KT&QLCLGD; Cầm Thị Bun Sọn - Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng; Đặng Văn Thủy - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu (TP Sơn La).

Hai bị can khác là cán bộ Công an tỉnh Sơn La gồm: Cựu Trung tá Đỗ Khắc Hưng và Thiếu tá Đinh Hải Sơn - cựu cán bộ Phòng An ninh chính trị nội bộ.

Cơ quan điều tra xác định, trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 tỉnh Sơn La, 8 bị can này đã lợi dụng chức vụ quyền hạn được giao, câu kết sửa bài thi, nâng điểm cho 44 thí sinh.

Theo kết luận điều tra, quá trình chỉ đạo xử lý bài thi trắc nghiệm, bị can Trần Xuân Yến đồng thuận cho phép thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm gồm: Nguyễn Thị Hồng Nga, Đặng Hữu Thủy, Cầm Thị Bun Sọn tìm, rút sửa bài thi nâng điểm cho nhiều thí sinh.

Khi biết thông tin Bộ GD&ĐT đến kiểm tra, lo sợ việc sửa bài thi nâng điểm bị phát hiện, bị can Yến đã chỉ đạo Nguyễn Thị Hồng Nga sao lưu dữ liệu bài trắc nghiệm và tìm phần mềm trên mạng xóa kết quả quét bài thi gốc nhằm che giấu hành vi sai phạm.

Người môi giới và phụ huynh có con được nâng điểm khai cung cấp thông tin nhờ xem điểm

Bản kết luận điều tra cũng nêu ra kết quả xác minh đối với nhóm đối tượng đã cung cấp thông tin của các thí sinh còn gọi là nhóm trung gian.

Theo đó, cơ quan điều tra đã triệu tập, xác minh với 18 trường hợp để làm rõ động cơ, mục đích việc nhân thông tin từ người thân thí sinh, trực tiếp thí sinh hoặc thông qua đối tượng khác.

Kết quả có 3 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin cá nhân thí sinh để nhờ nâng điểm, 13 trường hợp thừa nhận chuyển thông tin cá nhân thí sinh nhưng mục đích chỉ để nhờ xem điểm trước, 2 trường hợp phủ nhận và nói không liên quan.

Đáng chú ý, có trường hợp ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La. Ban đầu ông này thừa nhận cung cấp thông tin cá nhân 8 thí sinh cho cấp dưới là bị can Trần Xuân Yến. Tuy nhiên, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho rằng việc chuyển thông tin thí sinh chỉ nhằm mục đích là để nhờ xem điểm trước, không hưởng lợi vật chất từ người chuyển thông tin cũng như gia đình thí sinh.

Tuy nhiên, sau đó đến ngày 23/1/2019, ông Đức thay đổi lời khai phủ nhận việc chuyển thông tin thí sinh cho bị can Trần Xuân Yến.

Phát ngôn ngược thực tế của ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La trong vụ gian lận thi cử 2018. (Nguồn: Zing.vn).
Phát ngôn ngược thực tế của ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La trong vụ gian lận thi cử 2018. (Nguồn: Zing.vn).

Về trường hợp của ông Lê Văn Thời -  Giám đốc Công ty TNHH ĐT&XD Sơn Hải khai rằng: "Khoảng cuối tháng 6/2018, tại nhà hàng Sơn Hồng Phúc của ông Thời có một vị khách (ông Thời không nhớ tên) đã đọc thông tin cá nhân của 1 thí sinh (gồm họ tên, số báo danh, môn thi xét đại học) cho ông Thời để nhờ xem trước điểm thi và được ông này đồng ý.

Cùng lúc đó, ông Hoàng Tiến Đức (Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La) là bạn của ông Thời cũng đến ăn, tiếp khách tại nhà hàng nên ông Thời đã đến gặp ông Đức chuyển thông tin cá nhân để nhờ giúp đỡ.

Về động cơ mục đích, vị Giám đốc doanh nghiệp khẳng định việc chuyển thông tin cá nhân thí sinh cho ông Hoàng Tiến Đức chỉ nhờ xem điểm chứ không nhờ nâng điểm cho thí sinh, không trao đổi hứa hẹn gì về tiền bạc và vật chất.

Cũng với mục đích nhờ xem điểm thi, ông Nguyễn Ngọc Hà - Trưởng Phòng GD Trung học (Sở GD&ĐT Sơn La) khai rằng, có chuyển thông tin cá nhân của 10 thí sinh cho một số thành viên ban chấm thi.

Lý do được Trưởng Phòng GD Trung học đưa ra là: "Các thí sinh trên sau khi thi xong THPT Quốc gia 2018, đã tự tính toán và dự đoán ra số điểm các môn xét đại học đạt được. Sau đó, gia đình các thí sinh đã trực tiếp hoặc thông qua người khác nhờ ông Hà giúp đỡ xem kết quả chấm thi có đạt được với điểm số dự báo hay không".

Tương tự là trường hợp của ông Nguyễn Minh Khoa (SN 1972, nguyên Phó Trưởng Công an huyện Mai Sơn, hiện là cán bộ Công an tỉnh Sơn La) có chuyển thông tin cá nhân của 5 thí sinh.

Ông Khoa khai, việc nhận và chuyển thông tin cá nhân thí sinh là để nhờ xem trước kết quả điểm thi trước khi Bộ GD&ĐT công bố. "Khi biết trước các thí sinh sẽ có thời gian tính toán, lựa chọn thay đổi nguyện vọng vào trường phù hợp với điểm số đạt được". Bên cạnh đó, ông Khoa khẳng định không nhận tiền và vật chất từ gia đình thí sinh và không chuyển tiền, lợi ích vật chất cho người mà khoa nhờ xem điểm thi cho thí sinh.

Về phụ huynh và người thân của thí sinh, bản kết luận điều tra cho thấy: 6 trong số 42 trường hợp bị triệu tập thừa nhận chuyển thông tin cá nhân thí sinh để nhờ nâng điểm. Có 21 trường hợp chuyển thông tin thí sinh để nhờ xem điểm, 15 trường hợp không thừa nhận liên quan.

Trường hợp của ông Nguyễn Quang Việt - Cục Trưởng Cục Thuế Sơn La (bố thí sinh Nguyễn Đức A. nguyện vọng xét vào học viện An ninh nhân dân), ông này khai rằng: Bản thân và gia đình không trao đổi, không cung cấp thông tin của con cho bất kỳ ai để nhờ tác động nâng điểm và xem điểm thi.

Theo cơ quan điều tra, lời khai của ông Việt mâu thuẫn với lời khai của ông Hoàng Tiến Đức Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La. "Trước đây, ông Đức khai, cuối tháng 6/2018, tại kỳ họp giao ban tháng 6/2018, tại UBND tỉnh Sơn La, ông Việt có đưa thông tin cá nhân nhờ ông Đức xem sớm kết quả thi cho con".

Trường hợp ông Đỗ Kim Quang - Giám đốc VNPT Sơn La (Bố thí sinh Đỗ M.H. xét tuyển vào ĐH Kinh tế Quốc Dân) khai rằng, cung cấp thông tin của con cho Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La để nhờ xem trước kết quả và không hứa hẹn, trao đổi gì.

Tương tự cũng khai nhờ xem điểm cho con là trường hợp của Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La - Nguyễn Duy Hoàng (bố thí sinh Nguyễn H.C. xét tuyển vào ĐH Sư Phạm Hà Nội).

Ông Lê Trọng Bình - Phó chủ tịch UBND TP Sơn La cung cấp thông tin của con xét tuyển vào Học viện An ninh nhân dân và cháu để nhờ giúp xem điểm thi...

Trường hợp bà Nguyễn Thị Bình - nghề nghiệp là trồng trọt (có con là thí sinh Đinh Văn Q. từng tham gia nghĩa vụ Công an tại Công an tỉnh Sơn La, trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 Q. có nguyện vọng xét tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân). Bà Bình và người thân không nhờ ai tác động nâng điểm thi con con...

Tuy nhiên, theo kết luận điều tra, có rất nhiều tình tiết khai mâu thuẫn nhau giữa các bị can và người trung gian khi một số bị can khai nhận có việc nhận tiền nhưng người trung gian thì phủ nhận.

Những lời khai của các phụ huynh và người trung gian như đã nêu ở trên khiến nhiều người cảm thấy "hài hước" và khó tin bởi cho rằng, chẳng thể tự nhiên các bị can lại đi nâng điểm cho thí sinh mà không được nhờ vả hay lợi ích gì. Nhiều người cho rằng, nếu bản thân trong trường hợp trên họ cũng "không dại gì thừa nhận" nhưng đây chỉ là lời khai một phía vì thế các cơ quan chức năng cần phải điều tra.

Chia sẻ quan điểm với PV, thầy giáo, tiến sĩ Nguyễn Văn Khải nói rằng "lời khai của phụ huynh thí sinh được nâng điểm khiến trẻ con cũng không thể tin". Đồng thời thầy giáo này khẳng định cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra độc lập, không nên để địa phương tự điều tra.

"Đây là bê bối gian lận thi cử lớn nhất trong lịch sử và trên thế giới mà tôi được biết. Không lẽ các bị can đường đường có học vấn họ tự dưng đi nâng điểm cho thí sinh, thậm chí mang bài thi về nhà để sửa mà không hưởng lợi ích gì... Xin đừng xử lý qua vụ việc này nếu muốn thế hệ sau còn niềm tin vào công lý, vào giáo dục", ông Khải nói thêm.

Bên cạnh đó, ông Khải cũng cho rằng, ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La với vai trò là người đứng đầu ngành giáo dục lại làm chuyện cung cấp thông tin cá nhân thí sinh trái với quy chế Bộ GD&ĐT đưa ra mà vô sự trong việc này thì khó khiến dư luận phục. "Bản thân ông Đức cũng không thể liều lĩnh vi phạm quy chế để rồi chẳng hưởng lợi ích gì...", ông Khải bày tỏ.

 

Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La sắp nghỉ hưu giữa ồn ào về gian lận thi cử

Trong khi dư luận đang quan tâm đến vụ gian lận thi cử ở Sơn La, thì ông Hoàng Tiến Đức - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La lại chuẩn bị nghỉ hưu từ ngày 1/7 tới đây.

 

Đề thi và đáp án môn Toán vào lớp 10 Trường chuyên Khoa học tự nhiên Hà Nội 2019

Đề thi và đáp án môn Toán vào lớp 10 Trường chuyên Khoa học tự nhiên Hà Nội 2019

 

Điểm chuẩn vào lớp 10 trường chuyên tại Hà Nội qua các năm

Từ ngày 26/5 đến 4/6, thí sinh bắt đầu tham gia kỳ thi vào lớp 10 tại các trường THPT chuyên trên địa bàn Hà Nội.