Triển lãm cơ thể người diễn ra ở TP HCM có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Theo luật sư Xuân Cường, “không ai hiến xác để mang đi triển lãm thương mại”. Đồng thời cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ nguồn gốc hiện vật cơ thể người, vì đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Đem thi thể người để triển lãm thương mại
Sự kiện triển lãm "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" đang diễn ra tại Nhà Văn hoá Thanh Niên (quận 1, TP HCM), đang gây lên làn sóng tranh cãi của dư luận.
Theo tìm hiểu, triển lãm trưng bày 131 mẫu vật cơ thể người thật (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người), đã được nhựa hóa (plastic hóa) bởi công nghệ Plastination trong bảo tồn xác người.
Công ty Mega Vina (đơn vị quảng bá và phát triển các nội dung chương trình Hàn Quốc tại Việt Nam) là đơn vị tổ chức sự kiện này cho biết, toàn bộ các mẫu vật là cơ thể người thật như đầu, tay chân, nội tạng,... thuộc quyền sở hữu của bảo tàng Mom (Hàn Quốc), được chuyển về Việt Nam và trưng bày công khai cho công chúng xem.
Triển lãm có tính thương mại khi tiền vé vào cổng là 200.000 đồng/người lớn, sinh viên 180.000 đồng và học sinh - trẻ em là 150.000 đồng (trẻ em dưới 90cm miễn phí vé vào cổng).
Mục tiêu triển lãm cơ thể người là cung cấp kiến thức y học về cấu trúc và hoạt động sinh học bên trong cơ thể người, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và xây dựng lối sống lành mạnh cho cộng đồng qua việc so sánh trực quan sinh động về cơ thể người giữa lối sống tốt và không tốt…
Tuy nhiên sự kiện triển lãm người thật hay còn gọi là trưng bày xác chết công khai có yếu tố thương mại đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi trong dư luận. Nhiều người ủng hộ, nhưng cũng không ít ý kiến phản đối vì tính nhân văn.
Có dấu hiệu vi phạm pháp luật
Nhận định về triển lãm này, luật sư Xuân Cường (Trưởng ban hình sự, Công ty Luật Trương Anh Tú) cho rằng: Hiện vật được trưng bày trong triển lãm này là những hiện vật đặc biệt mang yếu tố tâm linh. Đồng thời cho rằng cơ quan chức năng cần làm rõ nguồn gốc của những hiện vật trong triển lãm vì đã có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
Theo luật sư Xuân Cường: Ở góc độ pháp luật, việc hiến bộ phận cơ thể, hiến xác được quy định tại Điều 35 của Bộ luật Dân sự.
Theo đó, cá nhân có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến mô, bộ phận cơ thể, hiến xác của mình sau khi chết vì những mục đích sau: chữa bệnh cho người khác; nghiên cứu y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác… Ngược lại, cá nhân có quyền nhận mô, bộ phận cơ thể của người khác để chữa bệnh cho mình còn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, pháp nhân có thẩm quyền về nghiên cứu khoa học có quyền nhận bộ phận cơ thể người, lấy xác để chữa bệnh, thử nghiệm y học, dược học và các nghiên cứu khoa học khác.
“Việc hiến bộ phận cơ thể người, hiến, lấy xác phải tuân thủ theo các điều kiện và được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự, Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác và luật khác có liên quan.
Như vậy, với quy định rất rõ ràng về mục đích của việc hiến tặng và nhận bộ phận cơ thể, xác người hiến tặng nêu trên thì chưa cần xét tới việc đơn vị tổ chức triển lãm có được những bộ phận cơ thể, xác người chết có hợp pháp hay không thì với việc sử dụng những bộ phận cơ thể người, xác người vào mục đích triển lãm đã là không phù hợp với quy định của pháp luật”, luật sư Cường bày tỏ.
Theo luật sư, trong trường hợp, đơn vị sở hữu những hiện vật đem triển lãm có được những bộ phận cơ thể, xác người một cách bất hợp pháp như: Đào trộm, mua bán…thì hành vi này còn có dấu hiệu của “Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt được quy định tại Điều 319 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Ở góc độ đạo đức xã hội, việc tiến hành đem những bộ phận cơ thể, xác người đã chết vào một cuộc triển lãm, bán vé thu tiền (mục đích thương mại) là hành vi trái luân thường, đạo lý, vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
Luật sư Cường phân tích: “Trong văn hóa phương Đông nói chung cũng như của dân tộc Việt Nam nói riêng, khi một người đã chết thì phần xác của họ cần phải chôn cất theo đúng phong tục tập quán với ý niệm là để người chết được yên nghỉ ở nơi vĩnh hằng”.
“Khi được pháp luật cho phép, trước khi chết những người hiến tặng bộ phận cơ thể, hiến xác được hiến tặng bộ phận cơ thể của mình cho những mục đích được pháp luật quy định rất hạn chế đó là mục đích chữa bệnh, mục đích nghiên cứu khoa học…… không ai hiến xác để người ta phục vụ mục đích thương mại. Và có thể thất đây là những ý nguyện vô cùng cao đẹp của người hiến tặng. Do vậy, khi đã nhận được bộ phận cơ thể, xác của người hiến tặng thì cá nhân, tổ chức thì cần phải sử dụng vào đúng mục đích pháp luật cho phép và theo ý nguyện của người hiến tặng.
Thực hiện đúng điều này mới thể hiện được hết hành động nhân văn và cũng law tôn trọng ý nguyện của người đã khuất. Do vậy, việc đơn vị tổ chức cuộc triển lãm lại đem bộ phận cơ thể của họ dùng vào việc trưng bày, bán vé thu tiền với mục đích thương mại thì rõ ràng đã làm trái với ý nguyện của người đã khuất, vi phạm vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội và rất đáng bị lên án”, vị luật sư kết luận.
Theo TS. Vũ Thế Long, người có nhiều năm nghiên cứu về cơ thể học và hình thái học, đem xác chết ra làm trò đùa là không phù hợp với văn hóa Việt. Nói là triển lãm để lấy tiền ủng hộ trẻ em bị dị tật thì cần phải minh bạch thực hư ra sao? Cứu được bao nhiêu trẻ và mọi thu chi như thế nào?
“Là người đã từng công tác, có tham gia nghiên cứu về cơ thể học và hình thái học người Việt, tôi không ủng hộ việc lấy cơ thể người dù đã chết ra để làm chuyện này. Một thứ sản phẩm quái dị, phản nhân văn.
Nói tóm lại là nên chấm dứt việc trưng bày hoặc tự ý bảo quản xác người chết dưới mọi hình thức. Chỉ nên lưu giữ có điều kiện như là những mẫu vật khoa học, những chứng tích trong trường hợp thật cần thiết mà thôi”, TS. Long nêu quan điểm.
Liên quan đến vụ triển lãm gây tranh cãi này, ông Nguyễn Thái Bình - Chánh văn phòng Bộ VHTTDL cũng cho biết: Cơ quan quản lý đang chờ báo cáo của Sở Văn hóa TP HCM để thông báo với báo chí và dư luận nhân dân.
Hà Nội từ chối, TP HCM cấp phép
Qua tìm hiểu được biết, sự kiện triển lãm cơ thể người do Sở Văn Hoá Thể Thao TP HCM cấp phép tổ chức. Tuy nhiên, trước đó sự kiện cũng xin được tổ chức tại Hà Nội nhưng cơ quan chức năng không đồng ý cấp phép.
Theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, triển lãm xác người đầy ám ảnh "Sự bí ẩn của cơ thể người" đã từng xin cấp phép tại Hà Nội nhưng bị từ chối thẳng thừng. Lý do là triển lãm quá phản cảm về hiệu ứng thị giác, gây nên sự sợ hãi, ghê rợn với người xem.
Ông Vi Kiến Thành cho biết thêm, ông đã nói thẳng với đơn vị xin cấp phép là công ty Mega Vina (đơn vị quảng bá và phát triển các nội dung chương trình Hàn Quốc tại Việt Nam) rằng, trừ khi triển lãm đem bày tại trường đại học y khoa, phục vụ cho sinh viên nghiên cứu hoặc xem xét một số vấn đề về giải phẫu thì may ra còn có cơ hội xuất hiện tại Hà Nội.
Còn nếu trưng bày với mục đích thương mại là bán vé với người vào xem thì nhất định không được. Đơn vị xin cấp phép cho triển lãm "Sự bí ẩn của cơ thể người" từng có ý định xin bày các mẫu phẩm cơ thể người tại tòa nhà Keangnam.
Trả lời báo chí, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cũng khẳng định, nếu triển lãm này xin cấp phép tại sở, ông cũng sẽ từ chối bởi Hà Nội không thể xuất hiện những triển lãm phản cảm và vi phạm những chuẩn mực đạo đức như "Sự bí ẩn của cơ thể người".
Triển làm cơ thể người ở TP HCM là gì mà gây tranh cãi gay gắtTriển lãm cơ thể người đang được tổ chức tại Nhà văn hóa Thanh niên tại TP HCM đã gây nhiều tranh cãi về tính pháp lý và tính nhân văn xung quanh triển lãm này. |
Bộ Văn hóa yêu cầu báo cáo về triển lãm cơ thể ngườiTriển lãm trưng bày những bộ phận cơ thể người chết tại thành phố Hồ Chí Minh đang gây tranh cãi gay gắt. |