Nguyên cục trưởng giám định nhà nước nói về việc 'nhà máy nước Sông Đuống chưa nghiệm thu đã hoạt động'
PGS.TS Trần Chủng - nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình (Bộ Xây dựng) cho rằng, việc Nhà máy mặt nước Sông Đuống chưa nghiệm thu đã hoạt động, bán nước cho dân là coi thường pháp luật.
Phớt lờ cảnh báo đưa công trình vào hoạt động dù chưa nghiệm thu
Dư luận đang quan tâm đến việc Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng đường ống của Trung Quốc... gây nhiều tranh cãi.
Đáng chú ý, mới đây, Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) đã có thông tin đến báo chí và khẳng định chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư đối với dự án.
Trước đó, cũng chính Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình xây dựng đã có văn bản gửi UBND TP Hà Nội về việc cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình nhà máy nước mặt sông Đuống – giai đoạn 1, do chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng.
Tại Văn bản Cục Giám định nêu rõ, chủ đầu tư đã cung cấp các hồ sơ, tài liệu bổ sung, tuy nhiên còn một số tồn tại như: Chưa cung cấp thiết kế ống qua đường, đường cao tốc; chưa làm rõ căn cứ thực hiện và kết quả thí nghiệm bổ sung thí nghiệm vật liệu ống, chiều dày lớp sơn phủ epoxy; kết quả thử áp chưa bổ sung đầy đủ đối với các chủng loại ống…
Theo Cục Giám định, tại sự cố vỡ ống ngày 3/6/2019 của Nhà máy nước mặt sông Đuống, xảy ra ở vị trí chân cầu vượt Phú Thụy, Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, hiện trường cho thấy chất lượng thi công đường ống chưa đảm bảo yêu cầu theo thiết kế.
“Vì vậy, căn cứ theo quy định tại Điều 31, 32 Nghị định số 46/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng thì công trình chưa đủ điều kiện nghiệm thu đưa vào khai thác, sử dụng” - văn bản của Cục Giám định nêu rõ.
Theo đó, để bảo đảm an toàn khai thác, sử dụng và tuổi thọ công trình, Cục Giám định đề nghị UBND TP Hà Nội cân nhắc việc tổ chức khánh thành công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn một. Đồng thời chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại để đảm bảo chất lượng công trình theo thiết kế.
Thế nhưng bỏ qua cảnh báo, công trình nói trên vẫn được "bấm nút" khánh thành vào hôm 5/9 vừa qua và đưa vào hoạt động để bán nước cho người dân.
Mở đường cho vi phạm?
Sáng 30/10, trao đổi với PV, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình cho rằng, việc một công trình chưa đủ nghiệm thu đã đưa vào khai thác là coi thường pháp luật.
Theo ông Trần Chủng, việc này có thể tạo ra một tiền lệ xấu cho các công trình tiếp theo, khi đó các quy định pháp luật bị "ngó lơ".
"Việc nghiệm thu công trình cũng như các quy định pháp luật sinh ra là để ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư, nhằm đảm bảo các yếu tố an toàn, bền vững. Một công trình khi đi vào khai thác nhất thiết phải được nghiệm thu... Và vì thế việc Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình có cảnh báo mà chủ đầu tư vẫn đưa công trình vao vận hành khai thác là không thể chấp nhận được. Đây là hành vi coi thường quy định pháp luật cần phải bị xử lý nghiêm bởi nếu không nó sẽ là tiền lệ, mở đường cho việc phá vỡ quy định pháp luật", TS Trần Chủng bày tỏ.
Cũng theo PGS.TS Trần Chủng, đối với công trình nhà máy nước sạch thuộc công trình xây dựng liên quan đến an toàn sinh mạng người tiêu dùng nên cần phải rất khắt khe trong nghiệm thu, đánh giá. Đặc biệt phải kiểm tra đánh giá về sản phẩm cuối cùng mới có thể đưa vào sử dụng.
"Quy định công trình cấp 1 trở lên do Bộ Xây dựng có thẩm quyền về chất lượng công trình, kiểm tra về công tác nghiệm thu của chủ đầu tư và đánh giá kết quả nghiệm thu. Việc nghiệm thu sẽ kiểm tra về kết quả xây dựng có đạt yêu cầu không, công nghệ có đạt yêu cầu không, đã có nghiệm thu về chất lượng nguồn nước chưa… Trên cơ sở xem xét tất cả đã đủ điều kiện rồi thì Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) sẽ ra văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư về công trình và công trình mới đủ điều kiện để đưa vào khai thác”, PGS.TS Trần Chủng phân tích.
Theo vị guyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về Chất lượng công trình, để xảy ra việc này trách nhiệm trước tiên là thuộc về Chủ đầu tư, tiếp đến là các cơ quan chức năng của TP Hà Nội.
"Tại sao lại có chuyện công trình xây dựng chưa nghiệm thu mà vẫn hoạt động khánh thành, đưa vào khai thác? Theo tôi đến hiện tại thì cần phải kiểm tra chất lượng nước đầu ra xem có đảm bảo an toàn chưa?", TS. Trần Chủng chia sẻ thêm.
Trong khi đó, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng: Việc gần đây các nhà máy nước sạch bán nước cho người dân bị nhiễm bẩn, bán nước khi chưa được nghiệm thu công trình trách nhiệm chính là chủ đầu tư đã không trung thực với khách hàng.
Nhà máy nước mặt sông Đuống do Công ty CP nước mặt sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne làm chủ đầu tư. Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị. Dự án cung cấp nước sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc, khánh thành giai đoạn 1 và đưa vào khai thác.
Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) còn giữ vai trò Chủ tịch hàng loạt các công ty như: Công ty CP Nước mặt Sông Đuống, Công ty CP Nước Xuân Mai - Hoà Bình, Chủ tịch Quỹ Môi trường xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund), kiêm Hiệu trưởng trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM).