Chủ nhật, 19/05/2019, 10:25 AM
  • Click để copy

Những nơi lưu giữ dấu ấn Bác Hồ ở mảnh đất xứ Huế

Khoảng thời gian 10 năm Bác Hồ sống cùng gia đình ở mảnh đất kinh kỳ chính là gốc rễ của một tâm hồn, một nhân cách, một tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh sau này.

nhung-noi-luu-giu-dau-an-bac-ho-o-manh-dat-xu-hue
Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ.

Hiện nay, ở mảnh đất xứ Huế có hơn 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc có liên quan trực tiếp đến gia đình Người. Trong đó, phải kể đến như ngôi nhà số 112 (đường Mai Thúc Loan), Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế, đình làng Dương Nỗ đã được Nhà nước cấp Bằng công nhận là Di tích quốc gia. 

Theo tìm hiểu, thuở thiếu thời, có hai lần Bác Hồ theo bố đến sống trên đất Huế. Cụ thể, lần đầu từ năm 1895 - 1901 với cái tên Nguyễn Sinh Cung, lần hai từ năm 1906 - 1909, khi đã ở tuổi thanh niên và mang tên Nguyễn Tất Thành.

Nhà lưu niệm Bác Hồ (số 112, đường Mai Thúc Loan, phường Thuận Lộc, TP Huế) là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống khi theo gia đình vào Huế lần thứ 1 từ 1895 - 1901.

Nhà lưu niệm Bác Hồ là một ngôi nhà gỗ rộng 3 gian, gồm 4 vài cột, kiến trúc theo kiểu nhà rường truyền thống của Huế mái lợp ngói liệt, tường bao quanh bằng gạch vồ. Mặt trước là hệ thống cửa bản khoa “thượng song, hạ đố”, nối với nhà chính là nhà bếp, vách trát đất, mái lợp tranh. Ngôi nhà nằm trong tổng thể nhà - sân - vườn hoàn chỉnh.

nhung-noi-luu-giu-dau-an-bac-ho-o-manh-dat-xu-hue
Bến tắm bằng đá đơn sơ cũng đã gắn liền với tuổi thơ của Bác Hồ trong 2 năm sống ở làng Dương Nỗ.

Vào năm 1894, ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) thi đỗ Cử nhân ở trường thi Hương Nghệ An. Năm 1895, ông vào Huế thi Hội nhưng không đỗ.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tiếp theo, ông xin vào học trường Quốc Tử Giám - Huế và được chấp nhận. Tuy nhiên, học bổng của trường rất ít, không đủ để ông sinh sống tại đất kinh đô. Vì vậy, ông về quê bàn với gia đình đưa vợ con cùng vào Huế để gia đình có điều kiện giúp đỡ ông học hành và ông cũng có thời gian chăm sóc và nuôi dạy các con.

Đến Huế, nhờ người quen giới thiệu ông đã thuê được một gian nhà nhỏ ở đường Đông Ba (là ngôi nhà di tích hiện nay).

Ngôi nhà đã lưu giữ nhiều kỷ niệm thủa thiếu thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chứng kiến những năm tháng miệt mài đèn sách, khổ công học hành của ông Nguyễn Sinh Sắc, sự trung hậu, đảm đang của bà Hoàng Thị Loan, chứng khiến sự lớn lên và trưởng thành của hai anh em Khiêm, Cung (Chủ tịch Hồ Chí Minh).

Đặc biệt, ngôi nhà này là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh người con thứ 4 là cậu bé Nguyễn Sinh Xin và cũng là nơi bà đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 33 vào ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý (tức 10/2/1901).

Ngôi nhà đã được Bộ Văn Hoá Thông tin công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia theo Quyết định số 74/VH-QĐ ngày 2/2/1993.

nhung-noi-luu-giu-dau-an-bac-ho-o-manh-dat-xu-hue
Điểm di tích Am Bà là nơi Người thường xuống đây chơi và học bài.

Ngoài ra, ở làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, huyện Phú Vang) cũng là nơi ngày xưa Bác Hồ thường vui chơi, học tập với bạn bè và lưu giữ bao ký ức thời niên thiếu có ngôi đình, dòng sông, bến nước…

Ngôi làng này cách trung tâm TP Huế khoảng 7 cây số. Tại làng này, có nhiều nơi lưu giữ tuổi thơ của Người ở Huế như nhà lưu niệm Bác Hồ, miếu Am Bà, di tích Bến Đá, đình làng.

Nhà lưu niệm Bác Hồ là ngôi nhà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng sinh sống trong khoảng thời gian năm 1898 – 1900.

Trong khi đó, điểm di tích Am Bà là nơi Người thường xuống đây chơi và học bài. Am Bà là miếu thờ thần Thiên-Y-A-Na, một trong những tín ngưỡng thờ "mẫu" của người Việt mang màu sắc Chăm-pa.

nhung-noi-luu-giu-dau-an-bac-ho-o-manh-dat-xu-hue
Đình làng Dương Nỗ.

Bến tắm bằng đá đơn sơ cũng đã gắn liền với tuổi thơ của Bác Hồ trong 2 năm sống ở đây. Người thường ra Bến Đá tắm giặt và ngồi hóng mát. Bến đá là một bến nước nhỏ nằm bên sông Phổ Lợi, cách ngôi nhà lưu niệm Bác Hồ khoảng 10m.

Đình làng Dương Nỗ là nơi Bác Hồ thường ra ngồi học, vui chơi, quan sát và tìm hiểu về lịch sử ngôi đình cũng như đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân trong làng.

nhung-noi-luu-giu-dau-an-bac-ho-o-manh-dat-xu-hue
Trường THPT Chuyên Quốc học Huế nằm bên dòng sông Hương thơ mộng.

Một địa điểm cũng gắn liền với Bác Hồ ở mảnh đất xứ Huế chính là ngôi trường THPT Chuyên Quốc học Huế (tọa lạc ở đường Lê Lợi, TP. Huế). Đây là một trong 3 ngôi trường THPT lâu đời nhất Việt Nam (sau THPT Lê Quý Đôn ở TP. HCM và THPT Nguyễn Đình Chiểu ở TP. Mỹ Tho).

Trường được thành lập dưới thời vua Thành Thái (năm 1896) với tên gọi “Quốc học Pháp tự trường môn” với diện tích 4.237 m2. Đây cũng là ngôi trường Pháp - Việt của toàn xứ Đông Dương và là trường trung học đệ nhất đầu tiên ở xứ Huế.

nhung-noi-luu-giu-dau-an-bac-ho-o-manh-dat-xu-hue
Nơi lưu dấu ấn của Bác Hồ.

Vào năm 1908, Nguyễn Tất Thành (tức là Chủ tịch Hồ Chí Minh) là 1 trong 10 học sinh giỏi nhất của trường tiểu học Pháp - Việt Đông Ba thi vượt cấp vào lớp đệ nhị niên trung học tại ngôi trường Quốc học niên khoá 1908 - 1909. 

Vào năm 1989, giữa sân trường có đặt bức tượng Nguyễn Tất Thành bằng thạch cao và ngày nay được phủ đồng để tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trải qua 123 năm, trường THPT Chuyên Quốc học Huế là cái nôi ươm mầm, nuôi dưỡng, đào tạo nhiều thế hệ nhân tài cho đất nước qua các thời kỳ như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp…

nhung-noi-luu-giu-dau-an-bac-ho-o-manh-dat-xu-hue
Giữa sân trường có đặt bức tượng Nguyễn Tất Thành.

Mảnh đất kinh kỳ chính là nơi đã góp phần nuôi dưỡng, hun đúc và bước đầu hình thành tư tưởng yêu nước, thương dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, để từ đó Người quyết định ra nước ngoài tìm đường cứu dân, cứu nước.

 

Bộ Quốc phòng thông tin về việc giữ gìn, bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh

Theo thông tin từ Bộ Quốc phòng, sau năm 1991, khi Liên Xô tan rã, các cán bộ, chuyên gia vận hành kĩ thuật rút hết về nước, cán bộ, công nhân kĩ thuật của Việt Nam đã thay thế vững chắc trong việc giữ gìn bảo quản thi hài Bác và vận hành Lăng Bác.

 

Tổng cục Du lịch yêu cầu thực hiện biện pháp cảnh vệ tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Mới đây, Tổng cục Du lịch đã có Công văn số 1869/TCDL-LH gửi Sở Du lịch, Sở VHTTDL các địa phương thông báo về việc thực hiện biện pháp cảnh vệ tại khu vực Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quảng trường Ba Đình.

 

Từ ngày 16/8: Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa trở lại

Sau 2 tháng đóng cửa, dừng đón khách để phục vụ cho quá trình tu bổ, từ ngày 16/8, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ mở cửa trở lại.