Thứ ba, 17/07/2018, 19:09 PM
  • Click để copy

PGS Trần Xuân Nhĩ: ‘Nếu gian lận thi cử ở Hà Giang không bị vạch trần thì bao ước mơ đã bị giết chết’

Nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Trần Xuân Nhĩ cho biết bản thân rất buồn vì câu chuyện sửa điểm thi THPT ở Hà Giang. Ông nói: “Nếu việc gian lận thi cử không phát hiện kịp thời, thì có biết bao ước mơ của thí sinh khác đã bị giết chết”.

pgs-tran-xuan-nhi-neu-gian-lan-thi-cu-o-ha-giang-khong-bi-vach-tran-thi-bao-uoc-mo-da-bi-giet-chet
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cùng lãnh đạo tỉnh Hà Giang tại cuộc họp chiều 17/7, về vụ gian lận điểm thi gây rúng động.

Liên quan đến câu chuyện điểm thi cao bất thường tại Hà Giang, theo kết quả công bố của cơ quan chức năng, ông Vũ Trọng Lương - Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Giang) là người trực tiếp can thiệp vào kết quả thi của thí sinh.

Bày tỏ quan điểm trong vụ việc này trong cuộc trao đổi với PV, PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, là một người từng công tác trong ngành giáo dục bản thân ông rất buồn khi đón nhận những thông tin như vụ việc sửa điểm thi ở Hà Giang.

“Tôi chỉ mong sao ngành giáo dục, những cán bộ, giáo viên sống và công tác đóng góp xây dựng xã hội… không được làm những chuyện hại thế hệ trẻ”, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT bày tỏ.

Cũng theo PGS Trần Xuân Nhĩ: “Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua đã đạt được sự thành công nhất định. Khâu ra đề, tổ chức thi đã tương đối nghiêm túc. Tuy nhiên, câu chuyện bất bình thường xảy ra ở Hà Giang như thể một con sâu bỏ rầu nồi canh, làm niềm tin của người dân vào ngành giáo dục vơi đi”.

Đặc biệt, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, nếu vụ việc gian lận này không được phát hiện và xử lý kịp thời thì sẽ có bao nhiêu thí sinh có năng lực, bao ước mơ chân chính bị “giết chết. ”.

Bởi vậy ông Nhĩ cho rằng, các cơ quan chức năng cần phải làm rõ nguyên nhân, mục đích, động cơ và hành động sửa điểm thi của Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng Hà Giang qua đó để xử nghiêm, loại bỏ khỏi ngành giáo dục những người gian lận.

pgs-tran-xuan-nhi-neu-gian-lan-thi-cu-o-ha-giang-khong-bi-vach-tran-thi-bao-uoc-mo-da-bi-giet-chet
PGS Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT.

“Giáo dục là dạy học sinh những điều tốt đẹp, sống trung thực không thể tồn tại những con người gian lận như thế. Nếu không bị phát hiện thử hỏi có bao nhiêu thí sinh xứng đáng, bao nhiêu ước mơ chân chính bị "giết hại". Thay vì trường đại học nào đó tuyển được những thí sinh có năng lực, học giỏi thật sự thì lại là những người kém năng lực nhưng được sửa điểm bởi chỉ tiêu có hạn…”, ông Nhĩ nêu quan điểm.

Bên cạnh việc xử lý đối với cá nhân trực tiếp sửa điểm thi ông Nhĩ còn cho rằng, cơ quan chức năng phải tìm ra người đứng sau. Thậm chí xử lý cả những người nhắn tin nhờ vả vị Phó Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng.

Về giải pháp xử lý đối với các thí sinh bị sửa điểm, PGS Trần Xuân Nhĩ nêu ý kiến: "Không nên tổ chức thi lại mà cứ kết quả chấm ra sao thì lấy thực tế đó. Ví dụ được 6 điểm mà sửa thành 9 thì lấy 6 điểm, được 1 điểm mà sửa thành 10 thì lấy 1 điểm...  chứ không nên tổ chức thi lại để gây ảnh hưởng đến những thí sinh khác cũng như làm tốn tiền bạc của xã hội". 

Tại cuộc họp báo chiều 17/7, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) cho biết, Hội đồng chấm thẩm định Bộ GD&ĐT đã đưa ra quyết định, lấy kết quả chấm thẩm định được sử dụng để thay thế cho toàn bộ kết quả chấm bài thi trắc nghiệm do Hội đồng thi Sở GD&ĐT công bố ngày 11/7.

Kết quả chấm thẩm định này được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung cấp năm 2018 theo quy chế.Như vậy tất cả thí sinh đã được nâng điểm sẽ phải nhận kết quả điểm thực sau khi chấm thẩm tra.

Đại diện của Bộ GD&ĐT cũng khẳng định: “Tiêu cực thi cử ở Hà Giang đã tạo hình ảnh vô cùng xấu xí, chúng ta nhất định phải xử lý quyết liệt, không thể để một “vết bùn đen” như vậy làm vấy bẩn lên tâm lý của thí sinh, gia đình, xã hội về kỳ thi này. Đây cũng là bài học để chúng tôi tiếp tục rà soát, rút kinh nghiệm để hướng tới 1 kỳ thi sạch, nghiêm túc trong tương lai”.

 

Người can thiệp điểm thi ở Hà Giang có thể bị khởi tố, đối mặt 20 năm tù

Theo nhận định của luật sư người can thiệp, sửa chữa nội dung bài thi hoặc sửa điểm thi trái quy định trong vụ việc ở Hà Giang có thể bị xử lý hình sự về tội "Giả mạo trong công tác" với mức hình phạt cao nhất lên đến 20 năm tù.

 

Điểm thi cao bất thường ở Hà Giang: Hé lộ những con số gây sốc

Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 tại Hà Giang có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định.

 

Điểm thi THPT cao bất thường tại Hà Giang: 330 bài thi được nâng từ 1 đến 8,75 điểm

Vào 13h30 ngày 17/7, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT và Ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2018 họp báo để thông tin về những sai phạm trong quá trình chấm thi tại tỉnh này.