Thứ tư, 07/11/2018, 07:35 AM
  • Click để copy

Sau vụ Mercedes lao xuống sông Hồng: Tranh cãi việc cho ô tô đi vào làn xe máy trên cầu Chương Dương

Sau vụ tai nạn hy hữu khi chiếc Mercedes lao xuống sông Hồng, nhiều ý kiến lo ngại trước việc cơ quan chức năng cho ô tô đi vào làn xe máy trên cầu Chương Dương và điều này liệu có ảnh hưởng đến kết cấu của cầu? Tuy nhiên cũng có ý kiến phản biện cho rằng việc cho ô tô đi cùng với xe máy không phải nguyên nhân gây ra tai nạn.

tiep-tuc-tim-kiem-duoi-song-hong-sau-vu-o-to-mercedes-roi-khoi-cau-chuong-duong
Việc cho ô tô đi chung làn xe máy trên cầu Chương Dương sau vụ Mercedes lao xuống sông Hồng gây tranh cãi.

Nhiều ngày sau vụ tai nạn xe Mercedes lao xuống sông Hồng sau khi húc văng lan can cầu Chương Dương khiến hai phụ nữ tử vong tối 3/11, dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng.

Điều đáng nói, từ khi vụ việc xảy ra nhiều người đã bày tỏ lo lắng đưa ra ý kiến rằng cơ quan chức năng có nên cho ô tô đi vào làn xe máy trên cầu Chương Dương như hiện tại?

Theo tìm hiểu được biết, cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, trên quốc lộ 1A tại km170+200, nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và là cửa ngõ giao thông huyết mạch của Hà Nội.

Cầu Chương Dương được xây dựng tháng 10.1983, đưa vào sử dụng ngày 30.6.1985 và đã tiến hành sửa chữa từ năm 2002. Cầu có chiều dài cầu 1.230m gồm 21 nhịp: 11 nhịp thép; 10 nhịp bê tông trong đó 7 nhịp ở phía Hà Nội và phía Gia Lâm có 3 nhịp. Tải trọng: H30. Cầu chia làm bốn làn xe chạy hai chiều. Phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5m. Phía trong là làn dành cho ô tô.

Như vậy, nhiều người cho rằng, việc cho ô tô đi vào làn xe máy trên cầu Chương Dương là không đúng thiết kế ban đầu và hệ thống lan can ở đây cũng không đảm bảo khi có va chạm giao thông xảy ra.

tiep-tuc-tim-kiem-duoi-song-hong-sau-vu-o-to-mercedes-roi-khoi-cau-chuong-duong
Vụ tai nạn Mercedes lao xuống sông Hồng khiến người lưu thông qua cầu Chương Dương cảm thấy bất an.

Theo lãnh đạo Đội CSGT số 1 (Công an Hà Nội), những năm đầu tiên đưa cầu Chương Dương vào sử dụng, cây cầu này được tổ chức phân luồng giao thông theo đúng thiết kế. Làn đường hai bên "cánh gà" chỉ dành cho xe máy lưu thông, nhưng sau năm 1990, Đội CSGT số 1 và các đội địa bàn nhận được phương án tổ chức giao thông của TP Hà Nội cho cả ô tô đi vào làn đường dành cho xe máy, mục đích là để giảm ùn tắc giao thông.

Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Trọng Thái - Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT QG cho rằng, vụ tai nạn xe Mercedes lao xuống sông Hồng sau khi húc văng lan can cầu Chương Dương rất hi hữu, nguyên nhân đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.

Theo ông Thái, vấn đề an toàn cầu Chương Dương đã được nhiều đơn vị chức năng đặt ra từ lâu. Tuy nhiên, do điều kiện hạ tầng giao thông qua sông Hồng còn hạn chế, trong khi mật độ, lưu lượng giao thông rất lớn, nên những năm 90 của thế kỷ trước, Sở GTVT Hà Nội đã tổ chức cho ô tô đi vào làn xe máy (gọi là làn hỗn hợp).

Trước lo lắng của người dân, Ủy ban ATGT QG đang đề nghị các cơ quan chuyên trách xem xét, nghiên cứu, tổ chức lại giao thông trên cầu Chương Dương một cách hợp lý. Đồng thời có phương án gia cố thêm hệ thống lan can ở thành cầu.

Trao đổi với PV, chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy là người có nhiều năm nghiên cứu về giao thông đô thị ở Hà Nội lại đưa ra quan điểm khác.

tho-lan-xuyen-dem-tim-o-to-dam-bay-lan-can-cau-chuong-duong-xuong-song-hong
Lan can cầu Chương Dương bị húc bay trong tối xảy ra tai nạn.

Kể lại lịch sử xây dựng cây cầu Chương Dương ông Thủy cho rằng, việc cho ô tô đi vào làn xe máy không ảnh hưởng gì đến thiết kế cũng như độ an toàn và kết cấu của cầu.

"Đây là cây cầu được làm chủ yếu bằng thép, cầu rất bền. Đúng là ngày xưa xe ô tô chỉ chạy bên trong nhưng ngày nay do vấn nạn ùn tắc giao thông nên việc cho ô tô đi hai bên cánh gà, đi chung làn xe máy cũng không ảnh hưởng gì. Người ta đã chứng minh việc chịu lực ở cánh gà hai bên cầu là rất tốt...", ông Thủy chia sẻ.

Vị chuyên gia cũng cho rằng, vụ tai nạn xe Mercedes lao xuống sông Hồng sau khi húc văng lan can cầu Chương Dương là sự việc hy hữu, lỗi thuộc về chủ quan chứ không phải việc do đi vào làn xe máy nên mới xảy ra tai nạn. 

"Hơn nữa, với một lực mạnh thì không lan can nào có thể chịu nổi... chủ yếu các tài xế lái xe phải làm sao cho an toàn", chuyên gia Nguyễn Xuân Thủy đưa ra lời khuyên.

Theo một lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội: Mục đích trong vấn đề phân luồng, tổ chức giao thông ở Hà Nội là để giảm ùn tắc, đảm bảo cho người tham gia giao thông đi lại thông suốt, an toàn, hạn chế tối đa các vụ tai nạn giao thông.

tim-moi-nhat-ve-xe-o-to-mercedes-dam-vao-cau-chuong-duong-roi-xuong-song-hong
Chiếc xe Mercedes lao xuống sông Hồng được đưa lên bờ.

"Với làn hỗn hợp, khi các phương tiện di chuyển qua cầu Chương Dương vào nội đô, thấy rằng, cần phải gia cố, khắc phục, xử lý, để làm sao các phương tiện không may va chạm vào thành cầu cũng không hề hấn gì. Làm được như vậy, mới tạo được tâm lý an toàn cho người tham gia giao thông, cả xe máy và ôtô", vị lãnh đạo Phòng CSGT Hà Nội nói.

Về ý kiến cấm hẳn ô tô đi vào làn hỗn hợp, vị này cho rằng, đó cũng là một đề xuất để cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu.

 

Xác định danh tính của hai người phụ nữ trên ô tô Mercedes rơi từ cầu Chương Dương

Công an quận Long Biên cho biết, chủ nhân chiếc xe ô tô Mercedes rơi từ cầu Chương Dương đã tử vong cùng một phụ nữ khác.

 

Tiếp tục tìm kiếm dưới sông Hồng sau vụ ô tô Mercedes rơi khỏi cầu Chương Dương

Đến sáng 4/11, lực lượng chức năng vẫn đang tìm kiếm dưới sông Hồng sau vụ việc ô tô Mercedes rơi khỏi cầu Chương Dương khiến hai người tử vong.

 

Tìm thấy mảnh vỡ dưới nước nghi của xe ô tô lao qua cầu Chương Dương xuống sông Hồng

Lực lượng chức năng đã vớt được một miếng kim loại nghi là mảnh vỡ của chiếc xe ô tô 5 chỗ húc bay lan can cầu Chương Dương, lao xuống sông Hồng.

 

Tin mới nhất vụ ô tô húc văng lan can cầu Chương Dương, lao xuống sông Hồng

Một chiếc ô tô đã húc văng thành chắn trên cầu Chương Dương và lao xuống sông Hồng trước sự bàng hoàng của nhiều người.